Triển lãm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam
Triển lãm “Báo chí Cách mạng Việt Nam - Một thế kỷ xung trận” tái hiện lại hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng.
Nhằm hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chiều 8/5, tại TP. Đồng Hới, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức trưng bày chuyên đề mang tên “Báo chí cách mạng Việt Nam: Một thế kỷ xung trận và tự hào báo chí Quảng Bình”.

Sự kiện không chỉ là hoạt động thiết thực chào mừng 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là dịp để công chúng nhìn lại hành trình vẻ vang của nền báo chí cách mạng qua các thời kỳ. Thông qua những tài liệu, hiện vật và hình ảnh được tuyển chọn kỹ lưỡng, không gian trưng bày góp phần tái hiện sinh động vai trò tiên phong của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí Quảng Bình nói riêng trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo đại diện Ban tổ chức, cách đây tròn 100 năm, ngày 21/6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập tờ Thanh Niên tại Quảng Châu (Trung Quốc), đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Suốt một thế kỷ hình thành và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, luôn là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, đồng hành cùng dân tộc qua các chặng đường lịch sử: từ cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, báo chí cách mạng Việt Nam đã thực sự trở thành một vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân cả nước, đồng thời tố cáo tội ác chiến tranh của kẻ thù trước dư luận trong và ngoài nước.
Nhiều nhà báo cách mạng đã không ngại hiểm nguy, sẵn sàng vượt qua gian khổ, dấn thân ra nơi tuyến lửa, trực tiếp ghi lại những hình ảnh, sự kiện và phản ánh chân thực cuộc chiến tranh chính nghĩa vì độc lập, tự do của dân tộc.
Trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa. Báo chí đã tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phản ánh kịp thời những thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới, đồng thời kiên trì đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Các thế hệ nhà báo Việt Nam, dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn ý thức sâu sắc sứ mệnh “làm báo để phục vụ Tổ quốc và nhân dân”. Như lời Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ.”

Trong dòng chảy vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí Quảng Bình đã có những đóng góp đầy tự hào, xứng đáng với vị thế là cái nôi nuôi dưỡng nhiều nhà báo tên tuổi. Trong số đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng đồng thời là một nhà báo xuất sắc, khởi nguồn từ quê hương Quảng Bình giàu truyền thống cách mạng.
Suốt hành trình đồng hành cùng dân tộc, nhiều nhà báo sinh ra từ mảnh đất Quảng Bình đã chọn ngòi bút làm vũ khí, chọn sự thật làm lẽ sống và sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Không ít người trong số họ đã trở thành nhà báo – liệt sĩ, để lại những tác phẩm báo chí sống mãi với thời gian.
Sự hy sinh ấy đã trở thành nguồn cảm hứng thiêng liêng, hun đúc tinh thần nghề nghiệp cho các thế hệ nhà báo hôm nay. Đó là lời nhắc nhở về việc phải luôn giữ gìn ngọn lửa đam mê, tinh thần dấn thân, đạo đức báo chí và trách nhiệm công dân trong từng trang viết, từng khuôn hình, để mỗi tác phẩm báo chí thực sự có giá trị, vì bạn đọc và vì đất nước.