Thanh Hóa:

Triển khai 5 giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Cập nhật: 14:56 | 28/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Ngày 18/7/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công văn số 10435/UBND-THKH về việc triển khai 5 giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh thực thi Hiệp định EVFTA trên địa bàn.

Sầm Sơn (Thanh Hóa): "Một mùa du lịch bội thu" với gần 7 triệu lượt khách

Đâu là động lực đưa Thanh Hóa gia nhập 'Câu lạc bộ 50.000 tỷ'?

Thanh Hóa: Thu ngân sách nhà nước cao nhất trong lịch sử, ước đạt 48.820 tỷ đồng

Theo đó, 5 mục tiêu được Chủ tịch UBND tỉnh đề cập bao gồm: Chủ động tiếp cận, xúc tiến các tập đoàn lớn của Châu Âu, các dự án phù hợp với quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Đẩy nhanh xử lý các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường và triển khai các dịch vụ hành chính công điện tử cho các nhà đầu tư;

Rà soát, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tái định vị sản xuất; Rà soát các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để chuẩn bị quỹ đất sạch, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn;

Đồng thời tích cực triển khai hiệu quả các cam kết trong Hiệp định EVFTA trên cơ sở chủ động và đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch thực hiện Hiệp định của địa phương.

Liên quan đến việc thực thi Hiệp định EVFTA trên địa bàn, trước đó ngày 26/10/2021 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Quyết định số 4239/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan.

Triển khai 5 giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Tháng 8/2022 nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (Thanh Hoá) có tổng mức đầu tư 2,8 tỷ USD công suất thiết kế 1.330 MW hoàn thành đi vào vận hành sau 4 năm thi công

Trở lại với Công văn số 10435/UBND-THKH vừa được ban hành, có thể thấy các giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa nêu một cách đầy đủ và chi tiết, đồng thời giao việc nhiệm vụ, xác định trách nhiệm cho từng cơ quan trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:

1. Chủ động tiếp cận, xúc tiến các tập đoàn lớn của Châu Âu, các dự án phù hợp với quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương:

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, căn cứ danh mục, profile các dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 (được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 371/QĐ-UBND ngày 21/01/2022) và nhu cầu thực tế, tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đặc biệt tỉnh lựa chọn các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và có tính khả thi cao, chủ động xây dựng kế hoạch tiếp cận, xúc tiến, giới thiệu với các tập đoàn lớn của Châu Âu, nhất là những doanh nghiệp đã, đang hoạt động và có nhu cầu mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Triển khai 5 giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Năm 2020 Thanh Hóa đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư

UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch có liên quan khác của địa phương, chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh những bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất giữa các loại quy hoạch, đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút các dự án đầu tư, ưu tiên các dự án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt vào danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025.

2. Đẩy nhanh xử lý các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường và triển khai các dịch vụ hành chính công điện tử cho các nhà đầu tư:

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp chủ động nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh thời gian thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến công tác giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, nhất là các thủ tục hành chính về chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư; cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư và các thủ tục khác có liên quan theo quy định.

Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh thời gian thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến công tác giải quyết các thủ tục hành chính về quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường của nhà đầu tư theo quy định.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch hành động số 19/KH-UBND ngày 26/01/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; trong đó, đẩy mạnh thực hiện, triển khai các dịch vụ hành chính công điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính.

Triển khai 5 giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa và Hội doanh nhân Thanh Hóa tại Hà Nội dự Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 tại Hà Nội

Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, hướng dẫn, chỉ đạo Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh tập trung cải tiến quy trình, thủ tục hành chính và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, giảm văn bản giấy tờ hành chính, đảm bảo đến hết năm 2022, có tối thiểu 87% hồ sơ tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại cấp tỉnh, cấp huyện; có tối thiểu 60% hồ sơ tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại cấp xã.

3. Rà soát, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tái định vị sản xuất:

UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động, năng lượng… để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các dự án đầu tư nước ngoài đang có nhu cầu dịch chuyển địa điểm đầu tư kinh doanh về địa phương; trong đó, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, chuẩn bị tốt các điều kiện về lao động để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề của các dự án đầu tư nước ngoài.

Sở Công Thương tích cực phối hợp, làm việc với Truyền tải điện Thanh Hóa, Công ty Điện lực Thanh Hóa rà soát, kiểm tra hệ thống điện trên địa bàn tỉnh, có phương án đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống điện để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về năng lượng của các dự án đầu tư nước ngoài.

Triển khai 5 giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn là 1 trong những dự án lớn nhất từ vốn nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa

4. Rà soát các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để chuẩn bị quỹ đất sạch, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn.

Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Sở Công Thương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, rà soát, đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án, tạo quỹ đất sạch, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, hạ tầng giao thông vận tải, viễn thông, logistics…), sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố, rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền chấm dứt hoạt động, thu hồi đất các dự án không triển khai, chậm triển khai, vi phạm quy định của pháp luật (nếu đủ điều kiện), tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án đầu tư.

Triển khai 5 giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Văn Thi ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với Công ty TNHH Biomass Fuel Nghi Sơn.

5. Tích cực triển khai hiệu quả các cam kết trong Hiệp định EVFTA trên cơ sở chủ động và đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch thực hiện Hiệp định của địa phương

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cam kết trong Hiệp định EVFTA trên cơ sở chủ động và đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 6/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 23/6/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu trên địa bàn tỉnh.

Vốn đầu tư nước ngoài ngày càng giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa

Nhìn chung, có thể nói hơn 1 thập kỷ trở lại đây, Thanh Hóa đã thực sự trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Cụ thể giai đoạn 2011 - 2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 1.845 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 350.000 tỷ đồng (trong đó, có 109 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4.185 triệu USD).

Lũy kế đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 138 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,475 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2021, toàn tỉnh đã thu hút được 103 dự án đầu tư trực tiếp, bằng 57,5% so với cùng kỳ (trong đó, có 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 24.701 tỷ đồng (tăng 17,2% so với cùng kỳ) và 155,25 triệu USD (bằng 61,5% so với cùng kỳ)

Triển khai 5 giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Jica tại Việt Nam

Một số dự án lớn đầu tư vào Thanh Hóa tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tiếp đến là lĩnh vực văn hóa, xã hội và du lịch. Nhiều dự đã hoàn thành và đưa vào vận hành, sử dụng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và tạo động lực tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh; đồng thời, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và tăng thu ngân sách Nhà nước như: dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy xi măng Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2...

Các dự án này đã và đang đóng góp rất lớn cho giá trị sản lượng công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Dự án Khu liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có mức đầu tư hơn 9 tỷ USD, trong đó đóng góp của nhà tài trợ khoảng 4 tỷ USD. Nhà máy lọc dầu này có công suất chế biến 200.000 thùng dầu thô nhập khẩu từ Kuwait mỗi ngày (tương đương 10 triệu tấn mỗi năm).

Bên cạnh đó, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 có tổng mức đầu tư gần 2,8 tỷ USD, gồm 2 tổ máy công suất 600MW. Đây là công trình được Chính phủ Việt Nam giao cho Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 (NS2PC) làm chủ đầu tư. Và đây cũng là dự án FDI có vốn đầu tư lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do liên doanh: Tổng Công ty Điện lực KEPCO (Hàn Quốc) góp vốn 50%; Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) góp vốn 40% và Công ty Điện lực Tohuku (Nhật Bản) góp vốn 10%. Được đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao, dự án sẽ được bàn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam sau 25 năm vận hành. Riêng hai dự án này đã chiếm tới 82% tổng nguồn vốn ngoại đầu tư vào Thanh Hóa tính đến nay.

Triển khai 5 giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Thanh Hóa và Hàn Quốc ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, nhưng tỉnh Thanh Hóa vẫn coi trọng hoạt động xức tiến đầu tư. Trong năm lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đã đón nhiều tập đoàn lớn trên thế giới tìm đến KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh này để khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư như: Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ), Tập đoàn Foxconn (Đài Loan), Tập đoàn Mintal (Hồng Kông), Tập đoàn Fangda (Trung Quốc), Tập đoàn INTCO (Singapore), Tập đoàn Chuwa Busan (Nhật Bản), các tổ chức JICA (Nhật Bản), KOIKA (Hàn Quốc)...

Năm 2021 Thanh Hóa thu hút được 8 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào tỉnh với tổng vốn đăng kí mới đạt 112,7 triệu USD; đồng thời điều chỉnh nâng vốn đầu tư cho 5 dự án FDI với số vốn điều chỉnh là 14,8 triệu USD.

Năm 2022 lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư ngoài nước như: Đoàn công tác Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB), Đoàn chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ; Tập đoàn WHA của Thái Lan, Tập đoàn Ramky của Ấn Độ, Tập đoàn Millennium (Hoa Kỳ), Tập đoàn Compal (Đài Loan), Công ty TNHH Vaude Việt Nam, Công ty TNHH JFE Engineering Việt Nam… nhằm kêu gọi, giới thiệu cơ hội đầu tư và tháo gỡ các khó khăn cho các dự án đang chuẩn bị đầu tư.

Trong đó có một số sự kiện quan trọng đánh dấu bước đột phá mới trong hoạt động xức tiến đầu tư. Đó là UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện ký kết Bản ghi nhớ với Công ty TNHH Giầy Venus Việt Nam; Thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Biomass Fuel Nghi Sơn về đầu tư các dự án trên địa bàn. Đặc biệt tháng 3 năm 2022 Thanh Hóa đã tổ chức thành công kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.

Cuối tháng 8/2022 lại diễn ra tuần lễ Văn hóa hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn. Nhờ vào lợi thế và cơ chế ưu đãi tốt đối với hoạt động xúc tiến đầu tư nên đến hết 31/10 năm 2022 Thanh Hóa đã thu hút được thêm 5 dự án FDI với tổng số vốn khoảng 45 triệu USD.

Triển khai 5 giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Đỗ Minh Tuấn nhận xét "các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa"

Trước đó phát biểu tại Lễ kỹ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Đỗ Minh Tuấn cho biết: Đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng hơn 650.000 tỷ đồng. Trong đó, có 140 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đến từ 20 quốc gia trên thế giới, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỉ USD (đứng thứ 8 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI). Đặc biệt trong đó, có 37 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Hàn Quốc liên doanh với Nhật Bản, chiếm 26,5% tổng số các dự án FDI của tỉnh Thanh Hóa, các dự án có tổng vốn đăng ký khoảng 1,6 tỷ USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư FDI trên địa.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Trong năm 2021, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 3.850 tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng thu ngân sách trên địa bàn; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt khoảng 4.200 triệu USD, chiếm 78% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; tạo việc làm ổn định cho 150.000 lao động; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2021 đạt 428 triệu USD, chiếm 10,2% kim ngạch toàn tỉnh”.

K. Vượng

Tin cũ hơn
Xem thêm