Trái chiều bức tranh lợi nhuận ngành dược phẩm quý đầu năm

Cập nhật: 06:18 | 11/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Trong khi các 'ông lớn' như Dược Hậu Giang, Vinapharm, Imexpharm báo lãi khủng quý đầu năm, Traphaco và Dược phẩm OPC lại ghi nhận lãi sau thuế giảm lần lượt 10% và 28%.

Qua mùa báo cáo, có thể nhận thấy rõ, Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG) vẫn tiếp tục nắm giữ vị trí quán quân ngành dược với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt gần 1.229 tỷ đồng tăng 15% so với cùng kỳ. Dược Hậu Giang báo lãi sau thuế đạt 361 tỷ đồng tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm 2022, đây cũng là mức lãi cao kỷ lục ghi nhận trong 1 quý kể từ khi đi vào hoạt động.

Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận quý I tăng theo mức tăng của doanh thu hàng DHG sản xuất. Dược Hậu Giang tập trung bán các sản phẩm chiến lược và chủ lực, đặc biệt là các sản phẩm kháng sinh, giảm đau hạ sốt như Hapacol, Klamentin, Haginat,... Công ty còn chủ động tăng dự trữ nguyên liệu, thành phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tương tự, doanh thu thuần của Tổng Công ty Dược Việt Nam – Công ty CP (Vinapharm-DVN) tăng 16% lên 1.229 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (LNST) bứt phá lên 111 tỷ đồng, tăng 147% so với cùng kỳ.

Vinapharm cho biết, LNST của công ty tăng là do chi phí tài chính giảm, trong khi doanh thu hoạt động tài chính tăng, bên cạnh đó lợi nhuận sau thuế của các công ty con và công ty liên kết tăng so với cùng kỳ.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023, Vinapharm dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 5.878 tỷ đồng và LNTT đạt 292 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,6% và 121,3% so với 2022.

Ngành dược phẩm vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới.
Ngành dược phẩm vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới.

Về phần mình, CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) vừa công bố BCTC quý I với doanh thu thuần ghi nhận 479 tỷ đồng tăng 53% so với cùng kỳ. Trong kỳ, lợi nhuận sau thuế của Imexpharm đạt 78 tỷ đồng tăng 47% so với quý I/2022. Năm nay, công ty đặt mục tiêu 1.750 tỷ đồng doanh thu, 350 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 7%, 20% so với năm 2022.

Trái ngược với bức tranh kinh doanh của các đơn vị trên, Traphaco ghi nhận lãi ròng giảm 10% còn 79,4 tỷ đồng, doanh thu thuần đạt 619 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, Traphaco đặt kế hoạch 2.600 tỷ đồng doanh thu thuần, 326 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 8%, 11% so với cùng kỳ.

Trong đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu OTC (kênh bán lẻ ở tiệm thuốc) là 2.133 tỷ đồng, ETC (kênh đấu thầu tại sở và bệnh viện) là 206 tỷ đồng tăng lần lượt 5%, 17% so với năm 2022.

Dược phẩm OPC ghi nhận doanh thu thuần quý I/2023 đạt 198 tỷ đồng, giảm 48%, LNST đạt 29 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ

Công ty cho biết, mức giảm mạnh của doanh thu là do khó khăn chung của thị trường, còn mức giảm của lợi nhuận trước thuế ít hơn doanh thu chủ yếu do tỷ trọng giá vốn trên doanh thu thuần và chi phí bán hàng quý I/2023 giảm so với cùng kỳ.

Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ, Dược phẩm OPC đã đề xuất kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với doanh thu đạt 1.286 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện 2022, lợi nhuận trước thuế 187 tỷ đồng, tăng 4%.

Giá cổ phiếu một số doanh nghiệp dược phẩm từ đầu năm 2023 đến nay.
Giá cổ phiếu một số doanh nghiệp dược phẩm từ đầu năm 2023 đến nay.

Trên thị trường chứng khoán, ngoại trừ mã DHG tăng 26% so với đầu năm, thì các cổ phiếu còn lại đều giảm nhẹ. Điều này phần nào phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư trong bối cảnh ngành dược đang hạ nhiệt sau khi trải qua một đợt tăng trưởng nóng nhờ đại dịch COVID-19.

Dù vậy, với những tiềm năng vốn có, các mã ngành dược vẫn đang có một giai đoạn tích lũy tốt trong nhịp điều chỉnh lần này, và qua đó sớm tăng trưởng trở lại trong thời gian sắp tới.

Theo SSI Research, trong năm 2023, tăng trưởng của ngành Dược sẽ hạn chế, lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp hơn trước khi khá dần lên.

"Chúng tôi kỳ vọng doanh thu ngành sẽ tăng 8%, đạt 169 nghìn tỷ đồng (7,2 tỷ USD) vào năm 2023. Bối cảnh sau đại dịch sẽ ổn định ở hầu hết các khía cạnh, nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe", chuyên gia của SSI Research, nhận định.

Theo các chuyên gia của SSI Research, nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược.

"Khoảng 65% API được sử dụng trong việc sản xuất thuốc tại Việt Nam là từ Trung Quốc – quốc gia đã mở cửa trở lại; nhưng chúng tôi lo ngại tình trạng thiếu hụt vẫn có thể xảy ra. Thêm vào đó, cuộc chiến giữa Nga-Ukraine vẫn đang diễn ra, các hoạt chất và thuốc nhập khẩu từ Châu Âu có nguy cơ bị thiếu hụt. Các công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giành được vị thế tốt hơn (điển hình là TRA)", chuyên gia của SSI Research, nêu.

Ngoài ra, cuộc đua về nâng cấp chất lượng đang diễn ra tại các công ty dược phẩm lớn. Nhiều công ty như DHG, IMP, DBD, TRA và Dược Cửu Long (DCL) đang đặt mục tiêu đạt tiêu chuẩn EU GMP cho các cơ sở sản xuất của họ. Các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn EU GMP sẽ được xét vào nhóm thuốc chất lượng cao nhất trong đấu thầu ở bệnh viện công (nhóm 1).

Các công ty trong nước hy vọng sẽ đấu thầu được sản phẩm với giá cao hơn trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều loại thuốc nhập khẩu thuộc nhóm này.

"Theo ước tính của chúng tôi, chỉ có 6% thuốc trong nhóm 1 được sản xuất trong nước, phần còn lại chủ yếu là thuốc nhập khẩu. Ngoài ra, việc nâng cấp EU GMP sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh", nhóm chuyên gia của SSI Research cho biết.

Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, xu hướng nhân khẩu học tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dược phẩm trong dài hạn. Đối với người cao tuổi, các vấn đề về sức khỏe sẽ xuất hiện nhiều và nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc sẽ cao hơn đối với người ở độ tuổi lao động.

Theo Tổng cục thống kê, số người trên 60 tuổi khoảng 13 triệu người tương đương với 13,17% tổng dân số Việt Nam vào năm 2022. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 29,22 triệu người, chiếm 25,35% tổng dân số Việt Nam vào năm 2050.

Ngoài ra, người dân đang chi tiêu nhiều hơn dành cho dược phẩm nhờ thu nhập bình quân tăng lên. Fitch Solutions dự báo chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm có xu hướng tăng lên từ mức 1,46 triệu đồng của năm 2021 lên 2,12 triệu đồng vào năm 2026, tương đương với mức tăng trưởng kép 7,8% trong vòng 5 năm tới, chiếm tỷ trọng trung bình 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.

Dược phẩm Tipharco (DTG) sắp "chuyển nhà" từ UpCoM lên HNX

Thời điểm hiện tại cũng là gần tròn 1 năm Tipharco “về tay” Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG). Cùng với đó, kết quả kinh ...

Bị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh dược, Imexpharm giải trình thế nào?

Ngày 10/4, Bộ Y tế đã thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược số 448/ĐKKDD-BYT ngày 22/6/2020 của Công ty CP ...

Thành viên HĐQT Dược phẩm Bến Tre muốn bán sạch cổ phiếu DBT

Trước đó, Dược phẩm Bến Tre đã thông qua kế hoạch bán toàn bộ gần 4,23 triệu cổ phiếu CDP và sẽ không còn là ...

Quân Trần

Tin cũ hơn
Xem thêm