Trả lại giá sữa cho thị trường?

26/05/2016 16:16

Hiệp định TPP sẽ là cú hích đáng kể cho các doanh nghiệp kinh doanh sữa tại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng việc gỡ bỏ áp giá trần sữa trong thời tới sẽ “rộng cửa” để ngành sữa nội tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường trong cuộc chiến mới này.


Sau một thời gian áp dụng nhiều biện pháp quản lý như đăng ký giá, kê khai giá không phát huy tác dụng, ngày 20/05/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1079/QĐ-BTC về áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi. Sau đó, cuối quý II/2015, chính sách này được bổ sung, sửa đổi theo Quyết định 857/QĐ-BTC cũng của bộ này để kéo dài việc áp giá trần đến hết ngày 31/12/2016.

Không sử dụng biện pháp cấp bách

Tại buổi làm việc với đại sứ Michael Froman – đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ xem xét bỏ giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ đầu tháng 7/2016.

Trước đó, trong suốt thời gian dài, giá sữa của Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Cụ thể, tính trung bình giá 1kg sản phẩm thì giá sữa của tất cả nhãn hàng tại Việt Nam đều đang cao hơn khoảng 14% so với Thái Lan, 24% so với Philippines, 46% so với Malaysia và 60% so với Indonesia.

Trong khi đó, Việt Nam có trên 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, thu nhập người dân cũng chưa cao so với khu vực và thế giới. Nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Bộ Tài chính đã tham gia quản lý bằng các biện pháp hành chính, áp giá trần đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Theo một số chuyên gia kinh tế của Việt Nam và đại biểu Quốc hội, thời gian đầu, việc áp dụng chính sách trần giá với một số sản phẩm liên quan đến sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em có thể là cần thiết, nhưng không nên duy trì lâu.

Đồng tình quan điểm này, một số chuyên gia cho rằng trong bối cảnh Việt Nam vừa ký kết một loạt hiệp đinh thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, việc áp trần giá sữa đi ngược lại cam kết tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh của doanh nghiệp, mâu thuẫn với quy định của WTO, TPP, thông lệ quốc tế và không phù hợp với định hướng kinh tế thị trường.

Trên thực tế, khi sử dụng biện pháp hành chính để điều hành giá, cơ quan quản lý cũng chỉ coi là biện pháp cấp bách khi thị trường có biến động bất thường để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thẩm định Giá Việt Nam (VVA), chia sẻ: “Khi thị trường hoạt động bình thường thì phải gỡ bỏ biện pháp để cho thị trường tự điều tiết theo quy luật. Tôi nghĩ đã đến lúc cần gỡ bỏ biện pháp áp trần giá sữa để tránh những hệ lụy không tích cực cho đầu tư, cho sản xuất, kinh doanh”.

Dù khẳng định sẽ xem xét bỏ giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ đầu tháng 7/2016, Bộ trưởng cũng cho rằng việc bỏ giá trần đối với mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi cần đảm bảo cạnh tranh, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo sự minh bạch và doanh nghiệp cần chứng minh điều đó.



Sẽ bỏ áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi từ 1/7/2016


Gỡ bỏ rào cản

Áp trần giá sữa được ví như rào cản khiến doanh nghiệp không thể mở rộng kinh doanh, tăng được doanh thu và thị phần. Theo số liệu công bố trong Sách trắng 2016, năm 2015, thị trường sữa công thức cho trẻ em dưới 6 tuổi đã sụt giảm 11% về số lượng so với cùng kỳ năm trước.

Biện pháp áp trần giá sữa của Bộ Tài chính dường như không đạt được kết quả như kỳ vọng. Thông tin sẽ bỏ áp dụng giá trần trong quản lý khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh sữa cho rằng đã gỡ được “nút thắt” để doanh nghiệp chủ động hội nhập TPP.

Theo các chuyên gia kinh tế, bỏ áp trần giá sữa là cần thiết để giúp doanh nghiệp bình đẳng trong cạnh tranh. Ông Cao Sĩ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – bày tỏ quan điểm: “Khi thị trường đã có nguồn cung dồi dào thì Việt Nam không nên áp dụng biện pháp này mãi”.

Đại diện công ty sữa CP Giống bò sữa Mộc Châu cho rằng khi hội nhập sâu vào sân chơi chung TPP, việc gỡ bỏ áp trần giá sữa sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội với các doanh nghiệp ngoại.

“Ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam không có ưu thế bằng Mỹ, các nước thuộc EU hoặc New Zeland, bởi họ có đất đai rộng lớn, công nghệ hiện đại, đặc biệt. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không hề ngại bởi chỉ cần cố gắng là có thể đủ sức cạnh tranh”, ông Châu khẳng định.

Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk), dự báo rằng thời gian tới, ngành sữa trong nước sẽ đáp ứng đủ nguồn cung nguyên liệu. Hiện nay, trào lưu các doanh nghiệp sữa và các đại gia nhảy vào đầu tư trang trại với quy mô hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn con bò sữa sẽ làm tăng nhanh nguồn cung sữa tươi trong ngắn hạn và sẽ góp phần điều chỉnh giảm giá thu gom sữa tươi.

Trong khi đó, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho rằng vào TPP người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. “Thị trường hàng tiêu dùng sẽ rộng mở, trong đó có sữa, bởi các bà mẹ vốn rất sính ngoại. Vì vậy, chúng ta cần lập ra hàng rào kỹ thuật chặt chẽ cho mặt hàng này, phải xây dựng quy chuẩn cho mặt hàng sữa, minh bạch thị trường sữa để sữa nội sẵn sàng cạnh tranh với các sản phẩm sữa ngoại”, bà Thái Hương nói.

Theo Thời báo Kinh doanh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trả lại giá sữa cho thị trường?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO