TP Thủ Đức sẽ có 4 trung tâm logistics vào năm 2030

Cập nhật: 15:55 | 10/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo định hướng phát triển đến năm 2030, hệ thống trung tâm logistics tại TP Thủ Đức gồm 4 trung tâm

3426-xlogistics-containerjpgpagespeedict5erukius4
Ảnh minh hoạ

TP Thủ Đức xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.

TP Thủ Đức hiện là địa phương có số lượng trung tâm logistics nhiều nhất với 4 trong tổng số 7 trung tâm logistics tại TP. HCM. Tuy nhiên, vấn đề kết nối, hạ tầng giao thông vẫn chưa phát triển tương xứng, tạo nên những điểm nghẽn, cản trở việc phát triển của ngành dịch vụ logistics trên địa bàn.

Thủ Đức cũng đang phát triển hệ thống logistics phục vụ xuất nhập khẩu cho khu vực Đông Nam Bộ như cụm cảng cạn (ICD), địa điểm tập kết trung chuyển hàng hóa, kết nối vận chuyển đường bộ và đường thủy; cung cấp dịch vụ hỗ trợ trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cảng biển, các khu công nghiệp TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Theo định hướng phát triển đến năm 2030, hệ thống trung tâm logistics tại TP. Thủ Đức gồm 4 trung tâm là: Long Bình với quy mô 50ha, Cát Lái có quy mô 200 - 292ha, Linh Trung với quy mô 60 - 74ha và khu công nghệ cao quy mô 5 - 6ha. Thủ Đức sẽ trở thành trung tâm logistics chất lượng cao phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, thông thương hàng hóa cho cả khu vực.

Góp ý về các giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành logistics tại Thủ Đức, ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Logistics Tân Cảng, cho rằng cần tăng năng lực đón tàu, phát triển vận tải đa phương thức kết nối cảng; phát triển kết nối đa phương thức cả đường thủy, đường bộ, đường sắt.

Song song đó, phải đẩy nhanh các dự án giao thông quan trọng như nút giao Mỹ Thủy, đường vành đai 2, vành đai 3, mở rộng đường Đồng Văn Cống... để đáp ứng được kịp thời nhu cầu phát triển.

Ông Trịnh Quang Tuấn, Phó phòng kế hoạch thị trường Công ty cổ phần cảng Sài Gòn nhìn nhận, dù có lợi thế về cảng, nguồn đất đai rộng lớn nhưng việc phát triển tại khu vực Thủ Đức còn gặp một số vấn đề do hạn chế về hạ tầng giao thông.

Theo ông, cần phân tuyến giao thông rõ ràng, nên tách biệt giao thông hàng hóa ra, vào cảng Cát Lái với các tuyến đường di chuyển cho người dân tại những khu vực đông dân.

Nhiều ý kiến khác tại tọa đàm cũng đề xuất cần có làn đường riêng dành cho xe container lưu thông, vừa tránh ách tắc vừa đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông khác.

Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Cơ khí Tân Thanh đề xuất thêm, ở những trạm thu phí nên thực hiện thu phí không dừng để rút ngắn thời gian chờ đợi của tài xế. Ngoài ra, nên đặt những trạm cân ở vị trí trạm thu phí đường bộ, đảm bảo vấn đề phương tiện không chở quá tải, việc này cũng đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp logistics.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sông miền Nam, TP Thủ Đức thì cho rằng cần có thêm khu vực hậu cần của cảng, mở rộng thêm các hệ thống depot, những hệ thống bãi xe. Đặc biệt, cần thay đổi về chính sách để cạnh tranh với các cảng khác trong khu vực.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP Thủ Đức, nhận thấy tình hình phát triển logistics tại Thủ Đức còn manh mún. Theo ông, cần phải tập trung vào một điểm nhấn là khu cảng Cát Lái, xây dựng hệ thống tiện ích, có chỗ nghỉ ngơi cho các hãng tàu trong và ngoài nước khi cập bến tại cảng này.

Ông cũng cho rằng, cần thiết phải loại bỏ một số quy trình trên giấy, xây dựng hệ thống giám sát phân tích dữ liệu, thay đổi phương thức quản lý sao cho khoa học, hiệu quả, nhanh chóng.

Chủ tịch Hội doanh nghiệp tại TP Thủ Đức cũng mạnh dạn nêu ý tưởng, lãnh đạo TP Thủ Đức cần làm việc với TP và Trung ương về phương án đầu tư, xây dựng con đường trên cao cho cảng Cát Lái, nhằm giải quyết hiện trạng giao thông hiện nay.

Xuất hiện thêm 1 khu Logistics tại Bắc Giang

UBND tỉnh Bắc Giang vừa có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu Logistics Ninh Sơn, huyện Việt ...

Ông Nguyễn Đức Tài: Ai có sức mạnh xây dựng một công ty logistics tới nơi tới chốn ở Việt Nam người đó sẽ thắng

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã tổ chức họp nhà đầu tư tổng kết quý I/2022. Tại buổi họp, Chủ tịch Nguyễn ...

Doanh nghiệp logistics trong nước còn bị hạn chế về "sân chơi"

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics ở Việt Nam dao động từ 20,9 - 25% GDP.

Thuận Thảo

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm