TP.HCM chốt thời điểm khởi công dự án tỷ USD mà Thaco và Hòa Phát cùng để mắt
TP.HCM sắp khởi công tuyến metro quan trọng sau nhiều năm chậm trễ, trong khi Thaco và Hòa Phát đều muốn giành cơ hội tham gia dự án lớn này.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, đến thời điểm này, toàn bộ mặt bằng của dự án metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đã hoàn tất công tác bàn giao. Trong năm 2025, việc di dời hạ tầng kỹ thuật tại 12 ga, bao gồm hệ thống điện lực, cấp thoát nước, viễn thông, chiếu sáng và cây xanh, sẽ được cơ bản hoàn thành. Thành phố đặt mục tiêu khởi công dự án vào cuối năm nay.

Theo ông Phan Công Bằng – Trưởng ban MAUR, bước tiến quan trọng tạo đột phá cho tiến độ dự án là quyết định chuyển toàn bộ vốn ODA sang vốn đầu tư công, giúp công tác giải ngân thuận lợi hơn.
Song song đó, sau khi Quốc hội phê chuẩn Nghị quyết 188/2025/QH15 về cơ chế đặc thù dành cho các tuyến đường sắt đô thị, TP.HCM đã áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu cấp bách như: tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh, thiết kế kỹ thuật (FEED), tổ chức đấu thầu, thẩm tra và giám sát. Việc lựa chọn đơn vị tư vấn dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý III/2025 để kịp thời triển khai khởi công theo kế hoạch.
Hiện nay, tại những khu vực đã được bàn giao mặt bằng, các nhà thầu đang thi công liên tục suốt ngày đêm với phương án “3 ca 4 kíp”, nhằm rút ngắn thời gian bị chậm tiến độ trước đó.
Nhiều tập đoàn lớn đề xuất tham gia dự án
Ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao MAUR phối hợp chặt chẽ cùng Sở Xây dựng và Sở Tài chính đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến cơ chế đặc thù, chuẩn bị hồ sơ lựa chọn tư vấn và nhà thầu EPC (thiết kế, thi công xây lắp và cung cấp thiết bị). Nếu phát sinh nội dung vượt thẩm quyền, các đơn vị phải kịp thời báo cáo UBND Thành phố để xin ý kiến chỉ đạo.
Metro số 2 có tổng vốn đầu tư hơn 47.890 tỷ đồng, dài khoảng 11 km, trong đó 9 km đi ngầm và 2 km trên cao, đi qua các địa bàn quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã bày tỏ mong muốn tham gia dự án. Liên danh DCH, gồm Tập đoàn Đại Dũng, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) và Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã chính thức gửi đề xuất được đảm nhiệm vai trò tổng thầu EPC. Ngoài ra, Tập đoàn Trường Hải (THACO) cũng đã gửi văn bản lên Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị được nghiên cứu phương án đầu tư dự án này.
Hiện Thành phố đã có công văn trình Bộ Xây dựng, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP.HCM làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư được khuyến khích chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án cụ thể để tổng hợp, trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định.