Tốt cho sức khỏe tiêu hóa, nhưng loại rau này lại là "chất kích hoạt" cơn đau khớp ở 2 nhóm người
Rau mồng tơi là loại rau giàu dinh dưỡng, hỗ trợ tiêu hóa và làm đẹp da. Tuy nhiên, dù tốt cho sức khỏe, rau mồng tơi lại không phù hợp với tất cả mọi người.
Rau mồng tơi: Lợi ích với sức khỏe tiêu hóa và thị lực
Rau mồng tơi vốn là một nguyên liệu dân dã, quen thuộc trong mâm cơm Việt, đặc biệt vào mùa hè. Với tính mát, nhiều chất xơ và vitamin, rau mồng tơi thường được gắn liền với các món ăn thanh nhiệt như canh cua, canh trai hay đơn giản là luộc chấm mắm. Nhưng phía sau hình ảnh quen thuộc ấy là những khuyến cáo không thể bỏ qua nếu muốn đảm bảo sức khỏe một cách bền vững.

Một trong những điểm đặc biệt của rau mồng tơi là lớp nhớt tự nhiên chứa nhiều chất xơ hòa tan. Nhờ đặc tính này, rau có khả năng hỗ trợ nhuận tràng, cải thiện tình trạng táo bón – đặc biệt hữu ích với người ít ăn rau, hoặc có cơ địa dễ nóng trong. Không dừng lại ở đó, lượng beta-caroten, vitamin A và E trong rau cũng được đánh giá cao về công dụng dưỡng da và cải thiện thị lực.
Một số nghiên cứu dinh dưỡng cũng cho thấy rau mồng tơi có thể hỗ trợ làm giảm cholesterol xấu nhờ các chất như saponin – hoạt chất giúp hạn chế hấp thu chất béo không có lợi qua ruột.
Tuy nhiên, dù mang lại nhiều lợi ích, không phải ai cũng nên sử dụng loại rau này một cách thoải mái.
Hai nhóm người cần tuyệt đối tránh rau mồng tơi
Rau mồng tơi có thể là lựa chọn lành mạnh với phần lớn người khỏe mạnh, nhưng lại không phù hợp với những ai từng hoặc đang mắc các bệnh liên quan đến sỏi thận, sỏi tiết niệu. Lý do là trong rau chứa hàm lượng oxalat tương đối cao – một chất có thể kết hợp với canxi trong cơ thể để tạo thành tinh thể sỏi, gây lắng đọng tại thận hoặc bàng quang. Dùng rau mồng tơi thường xuyên, đặc biệt không kiểm soát về liều lượng, có thể khiến bệnh lý sỏi tái phát hoặc nặng thêm.
Bên cạnh đó, người bị gout hoặc viêm khớp cũng cần thận trọng. Dù lượng purin trong rau không quá cao, nhưng nếu ăn nhiều và thường xuyên, purin trong mồng tơi vẫn có thể chuyển hóa thành axit uric – tác nhân làm tăng nguy cơ bùng phát các cơn đau khớp. Đặc biệt, sự kết hợp quen thuộc giữa cua và rau mồng tơi trong món canh cua vốn tưởng đơn giản lại trở thành “bài thuốc kích bệnh” với người mắc gout.
Lưu ý khi sử dụng để đảm bảo lợi ích sức khỏe
Giống như nhiều loại rau lá khác, mồng tơi dễ bám bụi và vi khuẩn do đặc tính trơn nhớt. Vì vậy, tuyệt đối không nên ăn sống. Trước khi chế biến, nên rửa kỹ và ngâm nước muối loãng để loại bỏ tạp chất hoặc dư lượng hóa chất còn sót lại.
Người khỏe mạnh cũng không nên ăn rau mồng tơi liên tục trong nhiều ngày. Ăn quá nhiều có thể gây đầy bụng, tiêu chảy nhẹ do đặc tính nhuận tràng mạnh. Những người có biểu hiện rối loạn tiêu hóa hoặc lạnh bụng cần đặc biệt lưu ý.
Về liều lượng, mỗi tuần ăn khoảng 2 đến 3 bữa có rau mồng tơi, mỗi bữa từ 100–200 gram là mức hợp lý đối với người trưởng thành khỏe mạnh. Với trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi, nên nấu kỹ và chia nhỏ khẩu phần để hệ tiêu hóa dễ hấp thụ.