Tổng hợp những từ lóng trong đầu tư chứng khoán mà nhà đầu tư cần biết

Cập nhật: 13:21 | 25/04/2023 Theo dõi KTCK trên

Trong đầu tư chứng khoán có những từ lóng vui ám chỉ các hoạt động trên thị trường. Những từ lóng này thường được giới đầu tư trong nước sử dụng thường xuyên để phản ánh tình hình trên thị trường. Nắm rõ những cụm từ này sẽ giúp nhà đầu tư mới không gặp bỡ ngỡ khi thực hiện giao dịch.

Từ lóng chứng khoán để chỉ một nhóm người hoạt động trên thị trường

Gà/Cừu non/F0: Nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, thiếu kiến thức, kỹ năng. Những người này hay bị tác động bởi đám đông và dễ bị dẫn dụ. Đối ngược với cừu non là sói.

Cá cơm: Những nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn ít và có khả năng tiếp cận thông tin kém

Tay to/Cá mập: Những nhà đầu tư có nguồn lực vốn mạnh, kinh nghiệm dày dặn và có ảnh hưởng đến giao dịch trên thị trường.

Đội Lái: Tổ hợp nhóm nhà đầu tư lớn có kinh nghiệm và mối quan hệ. Họ có thể liên kết với nhau để đánh lên hay đánh xuống một hoặc một số cổ phiếu để kiếm lời hoặc hạn chế thua lỗ. Những nhà đầu tư lớn này thường có lợi thế về vốn và thông tin trên thị trường.

Tây lông/Khối ngoại – Tây: Nhà đầu tư nước ngoài (cá nhân hoặc tổ chức).

Khối nội – Khoai lang: Nhà đầu tư trong nước đầu tư mang tính đám đông, không phân tích kỹ trước khi ra quyết định mua bán.

Chim lợn: Những người loan tin xấu chưa xác thực về thị trường. Nhóm người này thường hô hào trên các kênh truyền thông và mạng xã hội nhằm mục đích khiến số đông mua với giá cao và bán với giá thấp.

Bìm bịp: Những người loan tin tốt để mua cổ phiếu giá cao.

Tổng hợp những từ lóng trong đầu tư chứng khoán mà nhà đầu tư cần biết

Từ lóng dùng để chỉ diễn biến của thị trường chứng khoán

Thị trường bò tót: Thị trường đang trên đà đi lên, giá chứng khoán tăng nhanh trong một thời gian dài

Thị trường gấu: Thị trường đang trên đà giảm, chứng khoán rớt giá liên tục và diễn ra một thời gian dài

Bò tùng xẻo: Thị trường chứng khoán đang trên đà xuống nhưng không giảm sâu mà mỗi ngày xuống một chút.

Lau sàn: Giá chứng khoán giảm kịch sàn.

Xanh vỏ, đỏ lòng: Thuật ngữ này chỉ hiện tượng chỉ số chứng khoán dù xanh hay đỏ thì số lượng mã giảm vẫn áp đảo số lượng mã tăng. Kể cả khi thị trường chinh phục các đỉnh cao mới thì nhiều nhà đầu tư vẫn lỗ.

Cởi trần: Thị trường, chứng khoán nào đó đi lên đến mức chạm trần

Tụt quần: Thị trường, chứng khoán nào đấy đi xuống

Tát ao: Một ngày cộng hưởng nhiều nhà đầu tư thoát khỏi thị trường

Múa bên trăng: Giá cổ phiếu giảm kịch biên độ nhưng không ai mua (đọc lái của trắng bên mua)

Bẫy bò/Bẫy bò, bún chả (Bull trap): Tín hiệu thị trường giả cho thấy cổ phiếu đang có dấu hiệu tăng giá. Sau đó lại là một đợt sụt giảm liên tiếp. Đây là bẫy dành cho những nhà đầu cơ giá lên.

Bẫy gấu (Bear trap): Tín hiệu thị trường giả cho thấy cổ phiếu đang có dấu hiệu giảm giá. Tuy nhiên, sau đó lại là một đợt tăng giá liên tiếp. Ngược với bẫy bò, bẫy gấu khiến những nhà đầu cơ giá xuống sẽ bị mắc bẫy.

Bộ đội về làng: Thị trường chứng khoán chuyển từ sắc đỏ chuyển sang sắc xanh ngập tràn.

Từ lóng chứng khoán dùng để chỉ hoạt động của nhà đầu tư trên thị trường

Phím hàng: Giới thiệu cơ hội đầu tư về 1 hoặc nhiều mã. Đây là hoạt động chiếm số lượng gần như 95% trong giới môi giới chứng khoán. Việc phím hàng có thể dựa theo tin đồn hoặc trên phân tích.

Múc/xúc: Việc nhà đầu tư mua vào với quyết tâm cao độ, mua bằng mọi giá

Xả/Thoát hàng: Việc nhà đầu tư bán ra với quyết tâm cao độ, bán bằng mọi giá

Sọc (Short) hàng: Việc bán khống (short sell). Tức là mượn cổ phiếu không có trong tài khoản để bán sau đó mua để hoàn trả lại. Cụm từ này cũng dùng để chỉ việc đầu cơ giá xuống vì dự báo thị trường/chứng khoán sắp sụt giảm.

Úp sọt/Úp bô/Kéo xả: Bẫy chứng khoán đẩy thị trường lên và sau đó bán ra

Bơm vá: Thổi phồng thông tin về cổ phiếu nhằm bán ra kiếm lợi. Ngoài ra, bơm vá còn ám chỉ người tiếp thị một cổ phiếu nào đấy quá mức (bơm lên) mà lờ qua các thông tin bất lợi (vá chỗ thủng).

Lướt sóng: Nhà đầu tư dựa vào tình hình thị trường lên cao xuống thấp trong một thời gian ngắn giống như những con sóng để mua vào để bán ra kiếm lời.

Đu đỉnh: Mua ngay trước phiên bán tháo mạnh của thị trường cổ phiếu

Bắt đáy: Mua ngay trước phiên tăng điểm mạnh của thị trường cổ phiếu

Xa bờ: Bờ là mức hòa vốn còn xa bờ là nhà đầu tư đang thua lỗ rất nhiều.

Về bờ: Nhà đầu tư đang dần dần hòa vốn

Một số từ lóng khác chỉ hoạt động trên thị trường (nhưng ít được nhắc tới hơn)

Đu đọt: Tình huống nhà đầu tư trót đua trần cổ phiếu giá quá cao.

Lùa gà, dụ gà: Chiêu trò và cạm bẫy tinh vi để lừa những nhà đầu tư còn non, thiếu kinh nghiệm.

Xài đòn gánh: Sử dụng margin

Cover hàng: Hoạt động mua lại chính cổ phiếu đó sau khi đã bán ra để cắt lỗ; hoặc mua cổ phiếu đã bán khống trước đó để trả lại.

Đánh xuống: Tình huống có người ảnh hưởng đến thị trường đang muốn chỉ số thị trường/giá chứng khoán tăng hay giảm theo chủ đích để được hưởng lợi.

Đảo hàng: Hoạt động mua bán chứng khoán để tái cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Đua trần – Đua sàn: Hành động đặt lệnh mua giá trần để tranh mua, hay bán với giá sàn để tranh bán ra trước người khác. Tình huống này xảy ra khi thị trường/cổ phiếu tăng nóng hoặc sụt giảm mạnh bất ngờ.

Lăn chốt: Giữ cổ phiếu qua ngày giao dịch không hưởng quyền

Chào bán thứ cấp: Khi công ty hoạt động tốt, họ được chào bán nhiều cổ phiếu hơn để tăng vốn

Nhặt dép: Nhà đầu tư tranh thủ cơ hội trong các đợt bán tháo cổ phiếu để mua lại với giá thấp và tích lũy. Sau này, họ sẽ bán ra với giá cao hơn.

Cưa chân bàn: Việc mua bình quân giá giảm khi cổ phiếu trên thị trường dần dần giảm, nhằm hạn chế rủi ro.

Cổ cánh: trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán nói chung hay hoạt động đầu tư chứng khoán.

Tìm hiểu về mô hình nến Harami, chiến lược giao dịch với mô hình nến Harami

Nến Harami là một loại mô hình nến có thể được sử dụng để dự đoán biến động giá trong tương lai trên thị trường. ...

Tìm hiểu về bong bóng trong kinh tế, ảnh hưởng của bong bóng kinh tế đến thị trường chứng khoán

Thông thường, một bong bóng kinh tế thường được hình thành bởi hoạt động hành vi thị trường quá mức vượt xa các quy chuẩn ...

Tìm hiểu về chiến lược đại dương xanh, lợi ích của chiến lược đại dương xanh

Chiến lược đại dương xanh được hiểu là chiến lược phát triển và mở rộng thị trường mà tại đó ít hoặc không có đối ...

Diệp Oanh (t/h)