Tổng công ty Đường sắt (VNR) thu về gần 1.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022

Cập nhật: 08:00 | 08/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Doanh thu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) 6 tháng đầu năm dự kiến đạt hơn 988 tỷ đồng, tăng khoảng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, doanh thu toàn tổng công ty (hợp nhất) dự kiến thực hiện được hơn 3.279 tỷ đồng, bằng 105,2% cùng kỳ 2021.

Tổng công ty Đường sắt (VNR) thu về gần 1.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022
Tổng công ty Đường sắt (VNR) thu về gần 1.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022

Riêng Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam doanh thu dự kiến đạt hơn 988 tỷ đồng, tăng khoảng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021 (Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty Mẹ chưa bao gồm thu từ cung cấp dịch vụ dịch vụ sự nghiệp công từ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia).

Doanh thu khối vận tải (thu trực tiếp từ hoạt động vận tải) dự kiến hơn 1.729 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2021.

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, kết quả khả quan này là do khi dịch COVID-19 được kiểm soát, mở cửa du lịch trên toàn quốc, vận tải hành khách đã từng bước phục hồi. Nếu như sau đợt vận tải Tết Nguyên đán phải bãi bỏ hơn 200 đoàn tàu thì đến nay sản lượng vận tải hành khách của các công ty vận tải đã tăng dần đều.

Một số sản phẩm dịch vụ mới được các công ty vận tải đường sắt hợp tác với các công ty du lịch hoàn thiện và đưa vào khai thác, thu hút khách, tăng doanh thu.

Điển hình là tuyến Hà Nội - Hải Phòng với mô hình kết hợp food tour Hải Phòng bằng đường sắt đang thu hút lượng hành khách rất lớn. Cùng với đó là các sản phẩm du lịch trọn gói tuyến Hà Nội - Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, cho thuê toa xe khách cộng đồng phục vụ vui chơi, tổ chức tiệc trên tàu...

Song song với thúc đẩy vận tải khách, vận tải hàng tiếp tục được duy trì. Tổ chức vận tải theo kế hoạch đối với các luồng hàng truyền thống, khối lượng lớn như Apatit, phân bón, than, gạo, muối…

Ưu tiên tổ chức chạy tàu hàng chuyên tuyến, vận chuyển hàng liên vận quốc tế. Ngoài ra chạy thêm các đoàn tàu hàng thường và tàu liên khu đoạn để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.

"Tuy sản lượng, doanh thu vận tải hành khách tăng trưởng so với cùng kỳ 2021 nhưng chưa khôi phục, chưa đạt được mức cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19).

Hơn nữa, giá nhiên liệu tăng cao gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong việc duy trì giá cước cạnh tranh với các phương tiện khác và cân đối chi phí sản xuất kinh doanh. Năng lực thông qua của tuyến Thống Nhất không đáp ứng được yêu cầu của vận tải", lãnh đạo VNR cho hay.

Vì vậy, để đạt được kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, giảm lỗ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đề ra mục tiêu 6 tháng cuối năm toàn tổng công ty hợp cộng đạt doanh thu hơn 3.863 tỷ đồng, bằng 105,4% so với cùng kỳ.

Riêng Công ty Mẹ doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ (chưa bao gồm thu từ cung cấp dịch vụ dịch vụ sự nghiệp công từ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia) hơn 921 tỷ đồng, bằng 127,1% so với cùng kỳ. Khối vận tải doanh thu hơn 1.846 tỷ đồng, bằng 158,5% so với cùng kỳ.

Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2022 của Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Theo đó, các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của Công ty Mẹ: Tổng doanh thu 4.364 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế âm 550 tỷ đồng; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu Công ty Mẹ: Không có lợi nhuận; Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước 115 tỷ đồng.

Không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1; Kế hoạch vốn đầu tư nhỏ hơn hoặc bằng 35 tỷ đồng.

Năm 2021, VNR lỗ 585 tỷ đồng

Trong năm 2021, sản lượng vận tải hàng hóa tăng trưởng tốt đạt trên 5,6 triệu tấn hàng hóa bằng 122% so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, vận tải hành khách lại có mức suy giảm nghiêm trọng khi chỉ đạt trên 1,45 triệu người, mức không quá 50% so với kế hoạch kinh doanh trong năm 2021 (trên 3 triệu hành khách).

Về các chỉ tiêu tài chính, doanh thu hợp nhất của VNR đạt 6.773 tỷ đồng. Sau khi thấu trừ các chi phí lợi nhuận sau thuế âm hơn 585 tỷ đồng. Các chỉ số mặc dù cho thấy một năm tiếp tục khó khăn với ngành đường sắt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tuy nhiên cũng có những chỉ dấu tích cực so với năm 2020. Theo đó, năm 2020 lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này âm đến 1.300 tỷ đồng trong khi doanh thu hợp nhất cũng chỉ đạt mức 6.281 tỷ đồng.

Trong năm 2021, VNR cũng đã nộp gần 480 tỷ đồng thuế vào ngân sách nhà nước đồng thời tổng doanh thu thực hiện các sản phẩm dịch vụ công ích trị giá 2.820 tỷ đồng.

Riêng công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - ghi nhận doanh thu năm 2021 gần 4.012 tỷ đồng, gấp 2.5 lần so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế âm gần 565 đồng, giảm lỗ gần 19,3% so với với kế hoạch.

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 do Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, trong năm 2021, Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là âm 700 tỷ đồng; nộp ngân sách 150 tỷ đồng.

Thực tế, kết quả kinh doanh trong năm 2021 với cả ba tiêu chí bao gồm doanh thu, lợi nhuận sau thuế, nộp ngân sách nhà nước đều vượt chỉ tiêu đề ra.

Tổng công ty Đường sắt (VNR) lỗ đậm nửa đầu năm

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Vietnam Railways - VNR) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020, ...

Đường sắt Việt Nam trong giai đoạn khó khăn nhất lịch sử, ước lỗ cả năm hơn 1.200 tỷ đồng

Tại buổi làm việc mới đây giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và Tổng công ty Đường sắt ...

Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt: Vốn chủ sở hữu 3.200 tỷ đồng tại 2 công ty vận tải Hà Nội và Sài Gòn sẽ mất hoàn toàn

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chỉ ra hàng loạt khó khăn của doanh nghiệp trong năm 2020 dưới tác ...

Văn Toàn

Tin cũ hơn
Xem thêm