Tôi đã “rơi từ đỉnh” thị trường chứng khoán như thế nào?

Cập nhật: 16:25 | 27/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Đối với tôi đến thời điểm này, câu chuyện đầu tư trên sàn chứng khoán là thất bại, bởi vì tôi là một F0 “nhập môn” TTCK đúng đỉnh. Nhưng dù sao, tôi nghĩ câu chuyện của mình cũng nên kể ra, như là một bài học kinh nghiệm có thể hữu ích cho những người khác.

Bất động sản: Mua dễ, bán sao cho có lời?

Đừng mạo hiểm với ... túi tiền của mình

Lạc lối trong “rừng nguyên sinh” UPCoM

F0 bước vào thị trường...

“Anh H bên cơ quan X “ăn ngập mồm” vì cổ phiếu F”; “Cái N bên ngân hàng V vừa chốt lãi cả tỷ đồng cổ phiếu D”; “Cô L mở nhà hàng đúng dịch, sập tiệm phải bán đất trả nợ, còn dư ít tiền nhờ mua chứng khoán mà lấy lại gần tỷ đồng”… Tôi bước vào thị trường chứng khoán từ những câu chuyện như thế, được đồng nghiệp bàn rôm rả trong giờ làm việc, trong bữa cơm hay những buổi trà đá. Dù trước đó đến hơn nửa năm trời thị TTCK sôi sùng sục, người người nhân hai, nhân ba tài khoản tôi vẫn kiên quyết đứng ngoài.

Bài học đắt giá cho F0 chứng khoán (Ảnh minh họa)
Khi gặp thông tin bất lợi, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán với khoảng 70% là cá nhân, trong đó có không ít nhà đầu tư F0 đã hoảng loạn, đua nhau bán tháo. Ảnh minh họa

Bởi trong cuộc đời tôi đã từng chứng kiến rất nhiều bạn bè, người thân bị “cơn sóng thần” chứng khoán quật cho tơi tả vào khoảng những năm 2008 - 2009. Hồi đó, tôi nhớ chỉ trong vài ba tháng cuối 2006, đầu 2007, chỉ số VN-Index đã tăng gấp đôi, nhiều người không ngần ngại đổ hàng tỷ đồng vào thị trường. Tiền đổ vào nhiều và với lượng cổ phiếu ít ỏi trên thị trường, P/E nhiều cổ phiếu lên đến 70 – 80 lần, cá biệt có những mã lên tới vài ba trăm lần.

Hiện tượng này đã làm nhiều tổ chức thế giới phải kinh ngạc. Còn nhớ, khi đó, một bài báo với tiêu đề tạm dịch “Người Việt phát điên vì chứng khoán” của một tờ báo quốc tế đã nhận lại phản ứng dữ dội từ các nhà đầu tư trong nước, và người ta vẫn lao vào như con thiêu thân.

Nhưng cuối cùng, thị trường sụp đổ, tôi được chứng kiến rất nhiều bi kịch của những người cuối cùng cầm “than hồng” trên thị trường.

Đó chính là điều đã khiến tôi khá thờ ơ khi TTCK Việt Nam bước vào “cơn sóng thần” thứ hai, khi VN-Index băng băng một mạch chinh phục hết các ngưỡng 1.000 điểm, 1.200 rồi 1.300 điểm trong năm 2020 – 2021. Tôi mơ hồ nhìn thấy kịch bản cũ lặp lại.

Nhưng rồi, những lời bàn tán như trên, khiến tôi bắt đầu thấy mình như bị bỏ lại phía sau. Và thế là tôi đã quyết định bỏ một phần tiền tiết kiệm của mình vào thị trường này.

…Và “rơi từ đỉnh”

Để bắt đầu con đường đầu tư của mình, tôi cũng thức vài đêm để đọc một số cuốn sách về chứng khoán, lặn lội tìm các video của những chuyên gia có kinh nghiệm, đọc cái bài báo về thị trường, học cách đọc các báo cáo tài chính… Nhưng sau cùng, tôi lại mất kiên nhẫn vì dường như thị trường đang không theo một nguyên tắc nào mà tôi đã đọc. Nguyên tắc duy nhất của nó lúc này là dòng tiền. Dòng tiền vào cổ phiếu nào thì cổ phiếu đó lên. Tôi đã thấy những cổ phiếu tăng phi mã 3-4 lần, dù báo cáo tài chính đang thua lỗ. Tôi thấy trên các hội nhóm, người ta hô hào nhau mua những cổ phiếu “xác sống”, tức là những cổ phiếu mà doanh nghiệp thua lỗ, trong diện bị kiểm soát, hạn chế giao dịch… Và những cổ phiếu đó cứ phi mã với hàng chục phiên tăng trần.

Thế là, để rút ngắn con đường đầu tư của mình, tôi tích cực tham gia các hội nhóm trên các diễn đàn mạng, facebook, zalo, telegram… Các hội nhóm này thường được vận hành bởi các môi giới của các công ty chứng khoán. Những phân tích nến xanh, nến đỏ, dòng tiền, điểm mua, điểm bán… khiến tôi bắt đầu quên đi các lý thuyết đầu tư mà mình đã tìm hiểu trước đó.

Giờ thì đơn giản hơn nhiều rồi, tôi chỉ cần mất một ít phí để tham gia các room VIP, hoặc chi một ít tiền donate cà phê cho môi giới để biết “ba chữ cái” nên mua, nên bán.

Cứ thế, tài khoản của tôi tăng dần, 10% rồi 20%, chỉ vài tháng đầu tư mà lợi nhuận gấp mấy lần gửi ngân hàng. Danh mục chứng khoán của tôi thay thế dần những cổ phiếu của doanh nghiệp lớn bằng cổ phiếu các doanh nghiệp mà tôi chưa từng nghe tên, chưa từng biết họ làm ăn ra sao. Những cổ phiếu này có thể giúp tôi tăng 10-15% sau mỗi phiên giao dịch, thay vì mức tăng chỉ một vài % ở những cổ phiếu lớn. Tôi biết mình đang liều mạng, đang cưỡi trên sóng dữ, nhưng nhìn tài khoản xanh mướt mỗi ngày khiến tôi không cưỡng lại được.

Cứ thế, tôi bán cổ phiếu nọ, mua cổ phiếu kia. Từ dự định chỉ đầu tư một ít tiền ban đầu, tôi bắt đầu chuyển hết tiền tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng sang tài khoản chứng khoán. Hằng tháng, tôi mong chờ đến ngày lĩnh lương để bổ sung tiền đầu tư. Tiền của mình có hạn mà cổ phiếu tăng giá thì đầy rẫy trên sàn, tôi bắt đầu sử dụng margin để mua CP. Giờ nghĩ lại, dù thua đau nhưng tôi vẫn thấy may vì mình chưa bán nhà hay vay ngoài để đổ vào chứng khoán.

Nhưng rồi, không có con đường nào cứ đi lên thẳng băng, không có cỗ xe nào cứ “phi mã” mà không nghỉ ngơi. TTCK Việt Nam vốn đã tồn tại quá nhiều bất ổn khi nó không còn là “hàn thử biểu” của nền kinh tế nữa, khi các chỉ số chứng khoán, giá cổ phiếu không còn phản ánh đúng sức khỏe của nền kinh tế, của doanh nghiệp…

Và “bom” chứng khoán được “kích nổ” bằng sự kiện một số lãnh đạo các doanh nghiệp lớn vướng vòng lao lý do những vi phạm trên thị trường chứng khoán, thị trường vốn. Từ mốc quanh 1.500 điểm, VN-Index lao dốc không phanh, có phiên mất tới gần 80 điểm.

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán với khoảng 70% là cá nhân, trong đó một phần lớn là những nhà đầu tư F0 như tôi, đã hoảng loạn, đua nhau bán tháo. VN-Index đã lao nhanh xuyên thủng các ngưỡng 1.400 điểm, 1.200 điểm, 1.100 điểm rồi 1.000 điểm. Những bản tin chứng khoán trên mặt báo “nhuộm sắc đỏ”. Trên các diễn đàn mạng, đâu đâu cũng thấy những lời than vãn của nhà đầu tư.

Tôi cũng không ngoại lệ. Vì 3/4 danh mục của tôi là các cổ phiếu “nóng”, khi đi lên bằng thang bộ, đi xuống thì bằng thang máy. Mọi nguyên tắc cắt lỗ của tôi đều bất lực, vì có những cổ phiếu vừa về tài khoản đã âm 10-20%, bán thì đau, mà có khi bán cũng chả ai mua. Tôi bị “call margin”, “force cell”. Thậm chí một vài cổ phiếu trong danh mục của tôi nhận án hủy niêm yết.

Tôi chỉ biết bám víu vào mấy môi giới, đầu tư theo kiểu T+0, T+1… (mua những cổ phiếu có sẵn trong danh mục khi giá thấp, rồi bán ngay khi giá lên) để giảm lỗ. Nhưng đa phần những lần “bắt đáy” lại thành “bắt dao rơi”. Và đến nay tài khoản chứng khoán của tôi chỉ còn khoảng 30% so với số tiền đầu tư ban đầu.

Thế đấy, tôi đã phải trả một học phí khá đắt và chắc chắn sẽ còn mất thêm tiền vì thị trường vẫn đang tiếp tục diễn biến tiêu cực.

Câu chuyện của tôi có thể chẳng có gì mới mẻ, vì nó là một câu chuyện buồn mà nhiều người đang gặp phải trên sàn chứng khoán. Nhưng tôi hy vọng qua câu chuyện của mình, sẽ góp phần giúp các nhà quản lý có thêm một góc nhìn để có những giải pháp nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao chất lượng nhà đầu tư. Đó là nâng cao tính công khai, minh bạch của các thành viên tham gia thị trường.

Tôi cũng mong qua cú ngã lần này, những nhà đầu tư bước vào thị trường với tâm lý đầu cơ như tôi sẽ rút ra bài học cho mình, để vừa đầu tư có lợi cho mình, vừa cùng xây dựng thị trường bền vững hơn.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư, mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư.

Bạn đọc có thể gửi bài viết dự thi vào địa chỉ Email: [email protected];. Tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ".

Nhật Linh (Hà Nội)