e magazine
Toàn cảnh TTCK tuần từ 6-10/11: Chưa xác nhận xu hướng tăng giá bền vững

16:58 | 12/11/2023

Thị trường chứng khoán trong nước vừa có tuần giao dịch tương đối tích cực với sự trợ lực của dòng tiền. Trong tuần, có những thời điểm VN-INDEX tiến lên thử thách ngưỡng 1.125 nhưng trước áp lực chốt lời ngắn hạn đã khiến chỉ số thoái lui về vùng hỗ trợ 1.100 điểm.

Toàn cảnh TTCK tuần từ 6-10/11: Chưa xác nhận xu hướng tăng giá bền vững

Toàn cảnh TTCK tuần từ 6-10/11:

Chưa xác nhận xu hướng tăng giá bền vững

Thị trường chứng khoán trong nước vừa có tuần giao dịch tương đối tích cực với sự trợ lực của dòng tiền. Trong tuần, có những thời điểm VN-INDEX tiến lên thử thách ngưỡng 1.125 nhưng trước áp lực chốt lời ngắn hạn đã khiến chỉ số thoái lui về vùng hỗ trợ 1.100 điểm.

Trong tuần từ 6-10/11, thị trường đón nhận nhiều thông tin như Quốc hội đã thông qua các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2024: Tăng trưởng GDP 6%-6,5%, lạm phát 4%-4,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-4.730 USD; EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5% từ ngày 9/11/2023; Lần đầu tiên kể từ ngày 21/9/2023, NHNN không phát hành tín phiếu mới; Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ.

Trở lại với thị trường chứng khoán trong nước, VN-INDEX duy trì tuần thứ hai liên tiếp phục hồi tốt từ vùng giá 1.020 điểm. Trong tuần, VN-INDEX rung lắc điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá quanh 1.075 điểm và có phiên giao dịch bùng nổ 3,1%, thanh khoản gia tăng tích cực vượt vùng kháng cự mạnh 1.100 điểm. VN-INDEX sau đó tiếp đà tăng lên vùng 1.125 điểm và chịu áp lực điều chỉnh trong 2 phiên cuối tuần. Kết thúc tuần, VN-INDEX tăng 2,31% so với tuần trước lên mức 1.101,68 điểm với thanh khoản tăng trên mức trung bình. HNX-INDEX kết thúc tuần tích cực hơn ở mức 226,65 điểm, tăng 4,09% so với tuần trước.

Toàn cảnh TTCK tuần từ 6-10/11: Chưa xác nhận xu hướng tăng giá bền vững

Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 87.852,88 tỷ đồng, tăng 29,2% so với tuần trước, khối lượng giao dịch tăng 25,6%. Thanh khoản HNX tăng 17,6% với 10.255,15 tỷ đồng được giao dịch. Cho thấy dòng tiền ngắn hạn gia tăng tốt trở lại khi thị trường duy trì nhiều cơ hội sinh lời ngắn hạn tốt.

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán dưới tác động giải ngân mua ròng của khối ngoại, đồng thời với thanh khoản thị trường cải thiện đã có diễn biến khá nổi bật, vượt trội so với thị trường chung. Nhiều mã tăng giá mạnh, thanh khoản đột biến như VIX (+15,38%), SHS (+13,73%), BSI (+13,11%), CTS (+12,58%), FTS (+11,25%), MBS (+10,87%),...

Các cổ phiếu bất động sản tiếp tục có tuần giao dịch tích cực, thanh khoản gia tăng tốt, thu hút dòng tiền ngắn hạn gia tăng mạnh như NLG (+14,06%), PDR (+13,75%), TCH (+10.27%), NVL (+9,97%), DXG (+9,70%), ITC (+9,67%),... ngoài SJS (-2,60%).

Trong khi các cổ phiếu ngân hàng phân hóa hơn, có diễn biến kém tích cực so với thị trường chung, đa số tăng điểm với thanh khoản dưới mức trung bình, một số mã có diễn biến tích cực, thanh khoản cải thiện tốt như TPB (+5,92%), SHB (+4,21%), HDB (+2,72%), NAB (+0,70%),... ngoài ra VCB (-3,26%), SSB (-2,06%), VPB (-2,00%)... chịu áp lực điều chỉnh.

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần từ 6-10/11

Toàn cảnh TTCK tuần từ 6-10/11: Chưa xác nhận xu hướng tăng giá bền vững

Tuần qua, khối ngoại quay trở lại chốt lời khi bán ròng khá mạnh tới hơn 930 tỷ đồng bất chấp thị trường có phần khởi sắc, trong đó khối này tiếp tục gom mạnh HPG và SHS, đồng thời bán mạnh cổ phiếu MWG. Cụ thể:

Trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng 4 phiên và mua ròng 1 phiên duy nhất ngày đầu tuần 6/11. Tổng cộng, khối này đã bán ròng 33,85 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 1.217,4 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó từ 30/10-3/11 mua ròng 26,63 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 197,47 tỷ đồng.

Trái với sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4 phiên và bán ròng 1 phiên vào cuối tuần ngày 10/11 trên sàn HNX. Tổng cộng trong tuần, khối này đã mua ròng 12,53 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 245,07 tỷ đồng, giảm 49,95% về lượng và 41,55% về giá trị so với tuần trước.

Tương tự như sàn HNX, tại thị trường UPCoM, khối ngoại đã bán ròng 2 phiên và mua ròng 3 phiên. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 957.230 đơn vị, giá trị mua ròng đạt 39,02 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó bán ròng 292.660 đơn vị, giá trị bán ròng 1,87 tỷ đồng.

Toàn cảnh TTCK tuần từ 6-10/11: Chưa xác nhận xu hướng tăng giá bền vững

Về giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, cá nhân trong nước bán ròng hơn 210 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 192 tỷ đồng. Xét theo nhóm ngành, có 11/18 nhóm cổ phiếu bị rút ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục bán ròng mạnh nhất cổ phiếu tài nguyên cơ bản với giá trị lên tới 483 tỷ đồng. Xếp vị trí thứ 2 trong top bán ròng là cổ phiếu ngành hàng & dịch vụ công nghiệp với 383 tỷ đồng. Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 337 tỷ đồng ở nhóm ngân hàng, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như công nghệ thông tin (107 tỷ đồng), hóa chất (100 tỷ đồng),… Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính dẫn đầu danh mục giải ngân với hơn 390 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền cá nhân cũng tìm đến một số lĩnh vực như thực phẩm & đồ uống (374 tỷ đồng), bán lẻ (345 tỷ đồng), bất động sản (253 tỷ đồng),…

Trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội mua ròng 1.257 tỷ đồng trên HOSE, trong đó gom ròng khớp lệnh gần 106 tỷ đồng. Hoạt động mua ròng diễn ra ở 11/18 ngành, lớn nhất là nhóm ngân hàng với 184 tỷ đồng, theo sau lần lượt là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin (108 tỷ đồng), hóa chất (100 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (35 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (20 tỷ đồng),… Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu rút khỏi hai ngành dịch vụ tài chính (332 tỷ đồng) và bất động sản (49 tỷ đồng),…

Trên thị trường phái sinh trải qua tuần giao dịch sôi động với khối lượng giao dịch vượt mức trung bình, tâm lý các trader dịch chuyển nhanh từ khá lạc quan khi VN30F2311 chênh lệch dương sang tâm lý e ngại VN30 sẽ tiếp tục điều chỉnh khi chênh lệch âm trở lại trong phiên cuối tuần. Kết tuần VN30F2311 giảm 16,5 điểm (-1,47%) chênh lệch 0,55 điểm so với VN30. Các kỳ hạn lớn hơn VN30F2312, VN30F2403, VN30F2406 chênh lệch từ -4,05 điểm đến -8,45 điểm, trong đó kỳ hạn VN30F2406 lại lớn hơn kỳ hạn VN30F2403, cho thấy các trader nghiên về khả năng điều chỉnh của VN30 và kỳ vọng sẽ phục hồi ở vùng giá 1.100 điểm, phòng ngừa rủi ro ở các kỳ hạn lớn.

Toàn cảnh TTCK tuần từ 6-10/11: Chưa xác nhận xu hướng tăng giá bền vững

Nhận định xu hướng thị trường tuần từ 13-17/11

Các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán SHS cho rằng: “Thị trường trong ngắn hạn đang vận động lỏng lẻo nhưng nhịp hồi phục đã hình thành, VN-INDEX đang kiểm định ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm và nếu thành công, nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể giải ngân thêm với quan điểm thận trọng bởi nhịp hồi không phải là xu hướng uptrend tiếp diễn nên sẽ có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào. Trong trung, dài hạn thị trường dù mất xu hướng uptrend nhưng sẽ đi tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao. Thị trường đã thoát khỏi trì kéo của nền tích lũy cũ nhưng mặt bằng giá vẫn đang ở vùng hấp dẫn, do đó nhà đầu tư trung hạn vẫn có thể gia tăng tỷ trọng, hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay”.

Trong khi đó, chuyên gia Đinh Quang Hinh đến từ Công ty CPCK VNDIRECT đưa ra nhận định: “Thị trường vừa trải qua một nhịp phục hồi tương đối mạnh và gắt, do đó, có thể tiếp tục đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn trong những phiên đầu tuần tới. Vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế tâm lý “Fomo” mua đuổi khi cổ phiếu được “kéo xanh mạnh” trong phiên. Thay vào đó, nhà đầu tư nên chờ đợi các nhịp chỉnh để có thể xem xét mua vào cổ phiếu.

Về xu hướng thị trường xa hơn từ nay tới cuối tháng 11, tôi cho rằng thị trường vẫn sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ kèm với dòng tiền cải thiện. Cụ thể, tỷ giá trong nước liên tục hạ nhiệt trong những ngày gần đây sẽ tác động tâm lý tích cực tới nhà đầu tư. Đồng thời, tỷ giá hạ nhiệt sẽ giúp chính sách tiền tệ được “dễ thở hơn” trong những tháng cuối năm, qua đó tạo điều kiện để dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường cổ phiếu.

Cuối tháng 11, thị trường sẽ hướng sự chú ý tới Nghị trường Quốc hội với kỳ vọng 3 dự luật (sửa đổi) liên quan tới thị trường bất động sản được thông qua, bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Nếu các dự luật (sửa đổi) này được thông qua sẽ là cú hích đối với triển vọng của nhóm doanh nghiệp Bất động sản.

Trong bối cảnh đang có nhiều thông tin hỗ trợ, tôi kỳ vọng dòng tiền thông minh sẽ vẫn duy trì vị thế trên thị trường cổ phiếu và đà phục hồi có thể được duy trì. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong quá trình đi lên để mua vào cổ phiếu”.

Thị trường đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn, nhà đầu tư nên “kiểm soát” tâm lý Fomo

Theo chuyên gia chứng khoán, thị trường có thể tiếp tục đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn trong những phiên đầu tuần ...

Nhận định chứng khoán tuần 13-17/11: Tái cơ cấu lại các vị thế lướt sóng

Áp lực bán vào 2 phiên cuối tuần đã khiến cho thị trường có phần hụt hơi, điều chỉnh về khu vực 1.100 điểm. CTCK ...