e magazine
Toàn cảnh TTCK tuần từ 27/11-1/12: Loạt cổ phiếu bị lãng quên bất ngờ tỏa sáng

10:04 | 03/12/2023

Thị trường chứng khoán trong nước ghi nhận tuần giao dịch lình xình trong biên độ hẹp với thanh khoản sụt giảm khá mạnh so với tuần trước. Mặc dù vậy, một số “gương mặt” vẫn tỏa sang đột biến về thanh khoản, trong đó phải kể đến những cái tên như: HAG, DBC, LSS, ITA,…

Toàn cảnh TTCK tuần từ 27/11-1/12: Loạt cổ phiếu bị lãng quên bất ngờ tỏa sáng

Toàn cảnh TTCK tuần từ 27/11-1/12: Loạt cổ phiếu bị lãng quên bất ngờ tỏa sáng

Thị trường chứng khoán trong nước ghi nhận tuần giao dịch lình xình trong biên độ hẹp với thanh khoản sụt giảm khá mạnh so với tuần trước. Mặc dù vậy, một số “gương mặt” vẫn tỏa sang đột biến về thanh khoản, trong đó phải kể đến những cái tên như: HAG, DBC, LSS, ITA,…

Trong tuần, thị trường đón nhận nhiều thông tin như: CPI tháng 11 tăng 3,46% so với tháng 12/2022 và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%; Tính tới 15/11/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 587,68 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu ước 24,44 tỷ USD; Quốc hội thông qua việc áp thuế tối thiểu toàn cầu. Theo nghị quyết này, Việt Nam sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Đặc biệt, sự kiện Chủ tịch LDG (HOSE: LDG) Nguyễn Khánh Hưng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam để điều tra hành vi “Lừa dối khách hàng” cũng phần nào tác động tới tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt đối với mã LDG cùng với nhóm bất động sản.

Quay trở lại với thị trường chứng khoán trong nước, với áp lực bán chiếm ưu thế đã khiến VN-INDEX mất trên 7 điểm ngay phiên giao dịch đầu tuần. Tuy nhiên, lực cầu quay trở lại ở vùng giá thấp đã giúp chỉ số chính ghi nhận 2 phiên hồi phục liên tiếp. Đáng chú ý, sau khi giảm điểm trước áp lực cơ cấu danh mục của quỹ ETF phiên cuối tháng 11/2023, VN-INDEX đã có phiên giao dịch đầu tháng 12/2023 khá tích cực khi đầu phiên chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.090 điểm với thanh khoản ở mức rất thấp, thể hiện áp lực bán không mạnh và phục hồi với thanh khoản cải thiện tốt.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-INDEX dừng ở mức 1.102,16 điểm, tăng nhẹ 0,60% so với tuần trước và vượt lên vùng giá tâm lý 1.100 điểm. VN-INDEX như vậy đã có 4 tuần liên tiếp tích lũy trong biên độ rất hẹp quanh vùng giá trung bình 1.100 điểm. Trong khi đó, HNX-INDEX có diễn biến tương tự khi tích lũy ở vùng giá trung bình quanh 225 điểm. Kết tuần, HNX-INDEX đứng ở mức 226,26 điểm tăng nhẹ 0,07% so tuần trước.

Toàn cảnh TTCK tuần từ 27/11-1/12: Loạt cổ phiếu bị lãng quên bất ngờ tỏa sáng

Trong tuần thanh khoản trên HOSE chỉ đạt 65.271,74 tỉ đồng, giảm mạnh 28,9% so với tuần trước, khối lượng giao dịch cũng giảm 28,9%, dưới mức trung bình thể hiện phần nào tâm lý thận trọng khi thị trường duy trì tích lũy kéo dài. Thanh khoản HNX giảm 31,4% với 7.659,19 tỷ đồng được giao dịch.

Với thị trường chung duy trì tích lũy trong biên độ hẹp, thanh khoản ở mức thấp thì cũng không có nhiều điểm nhấn nổi bật, tuy vẫn có số ít mã tích cực vượt trội trong các nhóm ngành như nông nghiệp với HAG (+13,46%), DBC (+4,58%), LSS (+3,56%),... thanh khoản đột biến, nhóm bất động sản khu công nghiệp như ITA (+7,48%), VGC (+6,15%), GVR (+3,07%)... cảng, vận tải biến với DVP (+10,00%), VOS (+8,70%), HAH (+6,77%),... bán lẻ với PET (+5,94%),...

Trong khi đó nhóm cổ phiếu bất động sản ngoài các cổ phiếu có diễn biến tích cực như SJS (+10,47%), NTL (+6,11%), VHM (+4,60%),... thì đa số chịu áp lực giảm điểm với LDG (-11,31%) giảm mạnh trước thông tin tiêu cực, TDC (-5,91%), L14 (-5,15%), CEO (-3,57%),...

Các cổ phiếu ngân hàng có diễn biến kém tích cực trong tuần khi hầu hết giảm điểm, thanh khoản rất thấp, chưa thu hút dòng tiền tham gia như STB (-2,83%), EIB (-2,14%), NAB (-2,10%), VAB (1,49%),... ngoài BID (+1,72%), LPB (+0,99%), BVB (+0,96%),...

Các nhóm ngành khác không có nhiều diễn biến nổi bật trong tuần, kết thúc tuần đa số biến động trong biên độ hẹp, duy trì quá trình tích lũy với thanh khoản ở mức thấp.

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài có tuần giao dịch không mấy tích cực khi họ duy trì bán ròng 750 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu MWG tiếp tục là mã bị bán mạnh nhất.

Trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng 3 phiên và mua ròng 2 phiên. Tổng cộng, khối này đã bán ròng 21,5 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 704,56 tỷ đồng, giảm 56,23% về lượng và 22,55% về giá trị so với tuần trước.

Trên sàn HNX, khối ngoại đã mua ròng 3 phiên và bán ròng 2 phiên. Tổng cộng trong tuần, khối này đã mua ròng 57.700 đơn vị, tổng giá trị là bán ròng 12,34 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó bán ròng 256.320 đơn vị, giá trị là mua ròng 5,91 tỷ đồng.

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại đã bán ròng 5 phiên liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 827.130 đơn vị, tương ứng tổng giá trị bán ròng đạt 32,87 tỷ đồng, giảm 48,23% về lượng và 33,27% về giá trị so với tuần trước.

Toàn cảnh TTCK tuần từ 27/11-1/12: Loạt cổ phiếu bị lãng quên bất ngờ tỏa sáng

Trên thị trường phái sinh, kết thúc tuần kỳ hạn VN30F2312 ở mức 1.090,1 điểm, tăng 0,47% so với tuần trước, chênh lệch âm -0,29 điểm so với VN30. Khối lượng giao dịch duy trì ở trung bình khi thị trường biến động. Xu hướng VN30F2312 vẫn tích lũy trong biên độ hẹp với vùng kháng cự quanh 1.105 điểm và hỗ trợ gần nhất 1.085 điểm. Các kỳ hạn VN30F2401, VN30F2403, VN30F2406 chênh lệch từ -3,99 điểm đến -7,39 điểm, trong đó kỳ hạn VN30F2403 thấp hơn kỳ hạn VN30F2406, cho thấy các trader vẫn chưa lạc quan với VN30, có thể gia tăng các vị thế mua ở thị trường cơ sở và phòng ngừa rủi ro ở các kỳ hạn lớn.

Nhận định xu hướng thị trường tuần từ 4-8/12

Theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mức P/E của VN-Index khoảng 15,5 lần như hiện tại chỉ thấp hơn so với mức bình quân 2 năm trở lại và không phải quá hấp dẫn.

“Dù vậy, trên cơ sở mặt bằng lãi suất huy động đã xuống thấp kỷ lục, kỳ vọng nền kinh tế cũng như lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ cho thấy xu hướng hồi phục rõ nét trong quý IV năm nay cũng như cả năm 2024, tôi cho rằng định giá thị trường đã nằm ở vùng hấp dẫn để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu trung hạn. Đối với biến động thị trường trong tháng 12, tôi nghiêng về kịch bản giằng co với xu hướng hồi phục là chủ đạo khi nhiều yếu tố thông tin trái chiều vẫn có thể tác động lên tâm lý nhà đầu tư”, giám đốc KBSV nhận định.

Trong tháng 12, ông Đức Anh chỉ ra 2 yếu tố nhà đầu tư cần lưu tâm nhất là kỳ họp chính sách của Fed diễn ra vào ngày 13/12 và thông tin về việc go live (đưa vào vận hành) hệ thống giao dịch KRX. Với yếu tố go live hệ thống giao dịch KRX, đây là yếu tố được thị trường chờ đợi từ lâu và kỳ vọng sẽ gỡ bỏ một số nút thắt về hạ tầng, công nghệ, thanh toán, qua đó giúp rút ngắn thời gian được xem xét nâng hạng thị trường của TTCK Việt Nam.

Toàn cảnh TTCK tuần từ 27/11-1/12: Loạt cổ phiếu bị lãng quên bất ngờ tỏa sáng

Ở góc nhìn khác, ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty CPCK VNDIRECT cho rằng: Thị trường chứng khoán vừa có tuần phục hồi sau khi đón nhận một số thông tin vĩ mô hỗ trợ cả trong lẫn ngoài nước. Cụ thể, lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt với chỉ số PCE lõi (chỉ số giá chi tiêu cá nhân không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,2% trong tháng 10 và 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai con số này đều khớp với dự báo của thị trường trước đó và giảm so với mức tăng của tháng 9 tương ứng là 0,3% và 3,7%. Thông tin này càng củng cố kỳ vọng của thị trường rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong cuộc họp vào trung tuần tháng 12 tới.

Trong nước, đà phục hồi của nền kinh tế bứt tốc trong tháng 11 với sản lượng công nghiệp, tổng mức bán lẻ và số liệu xuất khẩu đều khả quan hơn so với tháng trước. Đồng thời, lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng qua kênh OMO, qua đó kéo lượng tín phiếu đang lưu hành về chỉ còn khoảng 15.000 tỷ đồng. Động thái này sẽ giúp cải thiện đáng kể tâm lý của nhà đầu tư và thúc đẩy dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường.

Với những chuyển biến tích cực hơn của các yếu tố vĩ mô trong những tuần gần đây, tôi bảo lưu quan điểm rằng thị trường vẫn đang duy trì vận động trong xu hướng phục hồi. Chỉ số VN-INDEX có thể tiếp tục tích lũy và xây nền tại vùng 1.080-1.020 điểm trước khi hướng tới các ngưỡng kháng cự cao hơn. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét tích lũy dần cổ phiếu cho giai đoạn tới…”.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC đưa ra quan điểm: “Thị trường ảm đạm cũng là lúc xuất hiện nhiều cơ hội dài hạn nhất. Chúng ta cần tiếp cận với thái độ lạc quan, nhưng cần tỉnh táo. Điều cần làm ở vùng ảm đạm là chắt lọc các doanh nghiệp tốt, định giá hấp dẫn và có sức chống chịu qua bất kỳ biến cố bất ngờ nào, kể cả rủi ro mang tính hệ thống nếu xuất hiện.

Một điểm cần đặc biệt lưu ý là mức định giá. Có thể định giá thị trường vẫn ở vùng hợp lý, nhưng nhiều cổ phiếu đang hút tiền đã đắt và không còn dư địa, thậm chí là rủi ro. Tất nhiên, cùng với đó là rất nhiều cơ hội đầu tư tốt đang bị lãng quên và có thể tìm kiếm, khai thác trong thời gian tới”, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của DSC cho hay.

Nguyễn Hoàng

Thị trường đang vận động trong xu hướng phục hồi, nhà đầu tư dài hạn xem xét tích lũy dần cổ phiếu

Thị trường chứng khoán trong nước ghi nhận tuần giao dịch giằng co trong biên độ hẹp. Trong tuần, sau mỗi nhịp hồi phục, các ...

Điểm nhấn giao dịch khối ngoại: Vừa mạnh tay gom ròng một cổ phiếu liền đảo tay bán tới 95%

Thị trường chứng khoán phiên cuối tháng 11 chứng kiến sự biến động của khối ngoại khi các cá mập nước ngoài liên tục bán ...