e magazine
Toàn cảnh TTCK tuần từ 13-17/11: VN-INDEX đối mặt rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh

14:19 | 19/11/2023

Thị trường bất ngờ bị bán mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu đã lấy đi toàn toàn bộ nỗ lực phục hồi của cả tuần. Với xu hướng điều chỉnh đóng vai trò chủ đạo, VN-INDEX đang phải đối mặt với rủi ro mở rộng nhịp giảm điểm xuống các vùng hỗ trợ, gần là 1.08x và sâu hơn là 1.065 điểm nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy.

Toàn cảnh TTCK tuần từ 13-17/11: VN-INDEX đối mặt rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh

Áp lực bán bất ngờ gia tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu đã lấy đi toàn toàn bộ nỗ lực phục hồi của cả tuần. Với xu hướng điều chỉnh đóng vai trò chủ đạo, VN-INDEX đang phải đối mặt với rủi ro mở rộng nhịp giảm điểm xuống các vùng hỗ trợ, gần là 1.08x và sâu hơn là 1.065 điểm nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy.

Thị trường tuần qua đón nhận một số thông tin trong tuần như: NHNN công bố 5 giải pháp chính gỡ khó cho thị trường BĐS; rà soát Thông tư 03 và Thông tư 06 để ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp; Luật đất đai sửa đổi chưa được thông qua tại kỳ họp 6 của Quốc hội; Tập đoàn Robbins Geller Rudman & Dowd LLP công bố khả năng sẽ điều tra VinFast Auto (NASDAQ: VFS).

Quay lại với thị trường chứng khoán trong nước, các chỉ số vừa trải qua tuần giao dịch với biến động khá mạnh. Tiếp đà hồi phục của 2 tuần trước đó, VN-Index có 3 phiên tăng điểm giữa tuần tuy nhiên áp lực bán mạnh vào phiên cuối tuần đã thổi bay toàn bộ thành quả các phiên trước, đưa VN-INDEX quay trở về sát mốc 1.100 điểm. Chốt phiên cuối tuần, VN-INDEX đóng cửa ở mức 1.101,19 điểm, giảm 0,04% so với tuần trước. Tương tự, HNX-INDEX kết thúc tuần ở mức 226,54 điểm, giảm 0,05% so với tuần trước.

Toàn cảnh TTCK tuần từ 13-17/11: VN-INDEX đối mặt rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh

Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 91.635 tỉ đồng, tăng 4,3% so với tuần trước, khối lượng giao dịch tăng 2,4%, trung bình đạt hơn 824 triệu cổ phiếu/phiên tại HOSE. Thanh khoản HNX tăng 10,5% với 11.332,51 tỉ đồng được giao dịch.

Thị trường biến động mạnh khiến các ngành và các cổ phiếu trong ngành hầu như có sự phân hóa. Cụ thể, nhóm cổ phiếu ngân hàng chốt tuần có sự phân hóa như: CTG (+1,02%), BID (+1,66%), TCB (+0,32%), MBB (+1,11%), ACB (+1,34%), VPB (-1,28%), VCB (-0,47%), STB (-0,51%),...

Nhóm cổ phiếu xây dựng tăng tốt với LGC (+6,73%), C47 (+7,84%), CTR (+8,96%), LIG (+5,00%), HTN (+2,74%), HUT (+1,02%),... Nhóm cổ phiếu bất động sản, khu công nghiệp tuần qua cũng có nhiều mã cổ phiếu tăng điểm như PDR (+9,75%), DIG (+4,92%), QCG (+8,07%), SZC (+4,79%), KBC (+2,78%)…

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán thu hút dòng tiền thời gian gần đây vẫn duy trì được sự tích cực như SSI (+2,27%), BSI (+0,12%), VND (+1,00%), CTS (+2,99%), FTS (+2,25%), VCI (+1,13%), MBS (+0,98%),... Ngược lại, HCM (-0,69%), WSS (-5,68%),...

Nhóm cổ phiếu bán lẻ và hàng tiêu dùng có tuần giao dịch tích cực, thanh khoản gia tăng tốt như VNM (+0,57%), MSN (+3,89%), SAB (+2,08%), MWG (+5,08%), PNJ (+3,82%), DGW (+2,12%),...

Ngược lại, nhóm cổ phiếu Vingroup có tuần giảm khá mạnh với VIC (-6,12%), VHM (-7,92%), VRE (-4,80%) đã tạo áp lực lớn lên chỉ số chung.

Toàn cảnh TTCK tuần từ 13-17/11: VN-INDEX đối mặt rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh tuần thứ 2 liên tiếp với giá trị lên tới 1.343,30 tỉ đồng, tập trung bán mạnh ở nhóm Vingroup, cổ phiếu MWG, chứng chỉ quỹ FUESSVFL; bán ròng mạnh trên HNX với giá trị 117,84 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng 4 phiên và mua ròng 1 phiên duy nhất ngày giữa tuần 15/11. Tổng cộng, khối này đã bán ròng 45,97 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 1.346,62 tỷ đồng, tăng 35,81% về lượng và 10,61% về giá trị so với tuần trước.

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng 1 phiên và bán ròng 4 phiên. Tổng cộng trong tuần, khối này đã quay ra bán ròng 5,67 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 116,08 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó mua ròng 12,53 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng đạt 245,07 tỷ đồng.

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại đã bán ròng 5 phiên liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 2,63 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị bán ròng đạt 85,42 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó mua ròng 957.230 đơn vị, giá trị mua ròng đạt 39,02 tỷ đồng.

Toàn cảnh TTCK tuần từ 13-17/11: VN-INDEX đối mặt rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh

Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2312 kết thúc tuần ở mức 1.105,00 điểm, chênh lệch dương 1,47 điểm so với VN30, thanh khoản trên mức trung bình, thể hiện hoạt động đầu cơ mạnh khi thị trường biến. Các kỳ hạn lớn hơn VN30F2401, VN30F2403, VN30F2406 chênh lệch từ -2,33 điểm đến +1,97 điểm, mức chênh lệch giữa các kỳ hạn lại thu hẹp mạnh cho thấy các trader nghiêng về VN30 sẽ biến động hẹp trong tuần đáo hạn sắp đến.

Nhận định xu hướng thị trường tuần từ 20-24/11

Các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán SHS cho rằng: “Thị trường trong ngắn hạn đang vận động lỏng lẻo nhưng nhịp hồi phục đã hình thành, VN-INDX đang test lại ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm và nếu kiểm định thành công thì có thể nối dài đà hồi phục. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể giải ngân nếu chỉ số kiểm định hỗ trợ thành công tuy nhiên với quan điểm thận trọng bởi nhịp hồi không phải là xu hướng uptrend tiếp diễn nên sẽ có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào.

Trong trung/dài hạn, thị trường dù mất xu hướng uptrend nhưng sẽ đi tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung/dài hạn không cao. Thị trường đã thoát khỏi trì kéo của nền tích lũy cũ nhưng mặt bằng giá vẫn đang ở vùng hấp dẫn do đó nhà đầu tư trung hạn vẫn có thể chờ đợi các nhịp điều chỉnh để xem xét giải ngân, hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay”.

Trong khi đó, KBSV đưa ra nhận định: “Sau những nỗ lực tăng điểm bất thành trong phiên, VN-INDEX dần suy yếu và lao dốc mạnh về cuối phiên. Việc chỉ số đảo chiều giảm điểm mạnh trong phiên cùng thanh khoản gia tăng đột biến cho thấy những tín hiệu của một phiên phân phối điển hình và khiến cho trạng thái thị trường trở nên tiêu cực hơn.

Với xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo trong trung hạn, VN-INDEX đang phải đối mặt với rủi ro mở rộng nhịp giảm điểm xuống các vùng hỗ trợ, gần là 108x và sâu hơn là 1.065 (+/-10), nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng về ngưỡng an toàn trong các nhịp hồi phục sớm”.

Toàn cảnh TTCK tuần từ 13-17/11: VN-INDEX đối mặt rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh

Ở góc nhìn khác, chuyên gia Đinh Quang Hinh đến từ Công ty CPCK VNDIRECT cho rằng: “Xu hướng phục hồi của các chỉ số chứng khoán chưa bị vi phạm sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần qua. Bên cạnh đó, vĩ mô đang cho thấy xu hướng cải thiện khá tích cực. Cụ thể, áp lực tỷ giá trong nước đã hạ nhiệt đáng kể trong bối cảnh thị trường tin rằng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành. Tỷ giá hạ nhiệt đã cho phép chính sách tiền tệ “dễ thở hơn”. Trong 6 phiên đấu thầu gần nhất, Ngân hàng Nhà nước đã dừng hẳn việc phát hành tín phiếu và bơm ròng trở lại thị trường nhờ lượng tín phiếu cũ đáo hạn.

Tính từ đầu tháng 11, NHNN đã bơm ròng trở lại hơn 108.000 tỷ đồng và kéo lượng tín phiếu lưu hành giảm về còn gần 100.400 tỷ đồng. Động thái này đã giúp cho thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn, kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trở lại. Do đó, lo ngại về nguy cơ “đảo chiều chính sách tiền tệ trong nước” đã được gỡ bỏ và điều này sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong những tuần giao dịch cuối năm.

Ngoài vấn đề tỷ giá và chính sách tiền tệ, nhiều chỉ báo cho thấy đà phục hồi tăng trưởng của Việt Nam đang có dấu hiệu cải thiện. Liên tiếp trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu đã ghi nhận tăng trưởng dương trở lại với tốc độ tháng sau cao hơn tháng trước. Đồng thời, các chỉ báo khác liên quan tới công nghiệp, dòng vốn FDI cũng cho thấy xu hướng cải thiện tích cực. Trong bối cảnh hiện tại, tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi tích cực và là lực đẩy cho thị trường chứng khoán từ nay tới Tết Âm lịch”.

Tân binh NCG gây thất vọng nhất sàn chứng khoán, mất gần nửa giá trị chỉ hơn 1 tuần góp mặt tại “sân chơi” UpCoM

Có thể nói, cổ phiếu NCG có màn chào sàn đáng thất vọng nhất trên sàn chứng khoán. Sau hơn một tuần “ngao du” trên ...

VIC, VHM giảm sâu trước thông tin liên quan tới VinFast

Trong phiên giao dịch cuối tuần, bộ ba cổ phiếu VIC - VHM - VRE đồng loạt giảm sâu, với biên độ lần lượt 6,4% ...

Xu hướng phục hồi chưa bị ảnh hưởng sau phiên điều chỉnh, chuyên gia chỉ rõ nhóm ngành triển vọng nhất quý IV

Sau phiên giảm mạnh vào cuối tuần (17/11), cả 3 chỉ số đã đánh mất lợi thế khi đảo chiều giảm điểm. Mặc dù vậy, ...