Đất & Người

Tỉnh từng 4 lần chia tách, sáp nhập, được mệnh danh là “đất học” dự kiến không còn tên trên bản đồ Việt Nam

Thu Sa 15/04/2025 10:09

Đây là vùng đất giàu truyền thống, có dấu ấn lịch sử từ thời các Vua Hùng và được xác lập tư cách là tỉnh từ đầu thế kỷ XIX.

nam định
Một góc tỉnh Nam Định

Nằm ở cửa ngõ phía Đông Nam của khu vực Đồng bằng sông Hồng, Nam Định sở hữu vị trí địa lý đặc biệt quan trọng: phía Đông Bắc giáp Thái Bình, phía Tây Nam giáp Ninh Bình, phía Tây Bắc tiếp giáp Hà Nam và phía Đông Nam hướng ra Vịnh Bắc Bộ.

Theo số liệu thống kê tính đến ngày 1/4/2024, dân số toàn tỉnh Nam Định đạt gần 1,9 triệu người (1.892.427), xếp thứ 12 trong cả nước về quy mô dân số. Với dân cư đông đúc và địa thế kết nối liên vùng, Nam Định tiếp tục là địa phương giữ vai trò then chốt trong phát triển kinh tế, văn hóa và giao thương khu vực phía Bắc.

Với tổng diện tích 1.669 km², Nam Định hiện xếp thứ 52 về quy mô diện tích trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Nam Định, tọa lạc ở phía Bắc, nằm trong vùng lõi của đồng bằng sông Hồng. Thành phố này được biết đến là đô thị cổ thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Thăng Long – Hà Nội, với lịch sử hình thành và phát triển hơn 760 năm, lâu đời hơn cả những thương cảng nổi tiếng như Phố Hiến và Hội An.

Không chỉ ghi dấu ấn bởi chiều sâu lịch sử, Nam Định còn là vùng đất nổi bật về văn hóa và giáo dục. Tỉnh được mệnh danh là “đất học” của cả nước, nơi khai sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất và là cái nôi của triều đại Trần – một trong những vương triều rực rỡ và oai hùng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Nam Định cũng là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng: Tổng Bí thư Trường Chinh; Trạng nguyên Lương Thế Vinh; cùng các nhà thơ như Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Những nhân vật này đã góp phần làm rạng danh vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hiến bậc nhất miền Bắc.

Tỉnh chính thức được thành lập vào năm 1832 dưới triều đại nhà Nguyễn, khi đó đóng vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, lịch sử của vùng đất này đã trải qua nhiều thay đổi về đơn vị hành chính từ trước đó, tạo nên một dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy phát triển của đất nước.

nhà thờ đỗ
Nhà thờ Đổ là một trong những biểu tượng của Nam Định, nằm bên bờ biển Hải Hậu, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các đơn vị hành chính trong tỉnh Nam Định đã trải qua nhiều thay đổi lớn. Ban đầu, khu vực này bao gồm tỉnh Nam Định, tỉnh Bùi Chu và thành phố Nam Định, với tỉnh lỵ đặt tại Hành Thiện, Xuân Trường. Sau đó, tỉnh Bùi Chu được sáp nhập vào Nam Định, tạo thành tỉnh Nam Định.

Ngày 3/9/1957, thành phố Nam Định, trước đó là thành phố trực thuộc Trung ương, chính thức sáp nhập vào tỉnh, trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Nam Định. Năm 1953, 7 xã ở phía Bắc sông Đào thuộc huyện Nghĩa Hưng được chuyển về huyện Ý Yên, trong khi 3 huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản và Ý Yên của tỉnh Nam Định được nhập vào tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, đến tháng 4/1956, các huyện này lại được trả lại cho Nam Định.

Tháng 5/1965, tỉnh Nam Định hợp nhất với tỉnh Hà Nam để tạo thành tỉnh Nam Hà, với cách đặt tên đảo ngược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến ngày 13/6/1967, hai huyện Giao Thủy và Xuân Trường được hợp thành huyện Xuân Thủy, và thành phố Nam Định được mở rộng sau khi sáp nhập huyện Mỹ Lộc. Tiếp đó, vào ngày 26/3/1968, 7 xã phía Nam sông Ninh Cơ của huyện Trực Ninh được nhập vào huyện Hải Hậu, đồng thời hai huyện Trực Ninh và Nam Trực hợp nhất thành huyện Nam Ninh.

Năm 1975, Nam Hà hợp nhất với Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Đến năm 1991, tỉnh Hà Nam Ninh được chia tách trở lại thành hai tỉnh là Nam Hà và Ninh Bình. Ngày 6/11/1996, Nam Hà cũng tách thành hai tỉnh Nam Định và Hà Nam.

Vào năm 2024, Nam Định đã trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy mô lớn. Sự sáp nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định đã tạo ra 3 phường mới, nâng số đơn vị hành chính cấp huyện lên 9, bao gồm 8 huyện và thành phố Nam Định. Tỉnh hiện có 175 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 146 xã, 14 phường và 15 thị trấn. Các đơn vị hành chính sau sắp xếp đã ổn định và bắt đầu hoạt động từ ngày 1/9/2024.

giao-thong(1).png
Hạ tầng giao thông đồng bộ tạo 'cú hích' phát triển kinh tế Nam Định

Về kinh tế, năm 2024, Nam Định đạt mức tăng trưởng 10,01% so với năm 2023, trong đó công nghiệp và xây dựng đóng vai trò chủ lực. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm tỷ trọng, trong khi ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng trưởng mạnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 ước đạt 61.222 tỷ đồng, tăng 10,01% so với năm 2023, là mức tăng cao trong vùng và cả nước.

Tổng quy mô kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024 ước đạt 113.329 tỷ đồng, tăng 14,78% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người đạt 59,83 triệu đồng, tăng 14,35%. Cơ cấu kinh tế hiện tại có sự chuyển dịch rõ rệt: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,70%; công nghiệp và xây dựng chiếm 43,50%; dịch vụ chiếm 35,68%. So với năm 2023, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm, trong khi công nghiệp và dịch vụ có sự gia tăng đáng kể.

Ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Trong đó, có Danh sách dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị hành chính (tỉnh lỵ) của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh ban hành kèm theo Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025. Tỉnh Nam Định sẽ được hợp nhất với tỉnh Hà Nam và tỉnh Ninh Bình, với tên gọi mới là tỉnh Ninh Bình. Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới sẽ được đặt tại Ninh Bình. Nếu Nghị quyết này được thông qua, tên gọi Nam Định sẽ chính thức không còn hiện diện trên bản đồ hành chính quốc gia.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Tỉnh từng 4 lần chia tách, sáp nhập, được mệnh danh là “đất học” dự kiến không còn tên trên bản đồ Việt Nam
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO