Tỉnh có nhiều thành phố nhất Việt Nam, số TP nhiều hơn cả số huyện
Với việc lên thành phố, Bến Cát là thành phố thứ 5 của tỉnh Bình Dương sau Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên. Như vậy, sau Quảng Ninh, Bình Dương trở thành tỉnh thứ 2 có nhiều thành phố nhất Việt Nam khi tới 5 thành phố, nhiều hơn cả số huyện. Hiện, các tỉnh có ba thành phố là Đồng Tháp, Kiên Giang và Thái Nguyên.

Hành trình lịch sử của vùng đất Bình Dương
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh tiếp giáp với nhiều địa phương quan trọng: phía Đông giáp Đồng Nai, phía Bắc giáp Bình Phước, phía Tây giáp Tây Ninh và một phần TP.HCM, phía Nam giáp TP.HCM và một phần Đồng Nai. Theo thống kê mới nhất, Bình Dương có diện tích tự nhiên 2.694,43 km², chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước và 12% diện tích miền Đông Nam Bộ. Với dân số trung bình 2.568.689 người và GRDP bình quân đầu người đạt 151 triệu đồng/năm (theo báo cáo của Cục Thống kê Bình Dương ngày 1/12/2020). Bình Dương hiện có có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện và 5 thành phố; 91 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 39 xã, 47 phường và 5 thị trấn.
Thuở ban đầu thời khai phá phương Nam, Bình Dương là tên một tổng thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Đến năm 1808, khi huyện Tân Bình đổi thành phủ, Bình Dương trở thành một trong bốn huyện của phủ. Năm 1956, tỉnh Bình Dương được thiết lập với địa giới hành chính khác xưa, và đến năm 1997, tỉnh tái lập nhưng địa phận vẫn không trùng khớp hoàn toàn với tỉnh Bình Dương trước năm 1975.
Trong lịch sử, Bình Dương đã mang nhiều hình thái hành chính khác nhau: tổng, huyện, tỉnh, và gắn liền với sự phát triển của vùng đất Gia Định, Đồng Nai xưa. Là vùng đất có điều kiện sinh thái đặc biệt, Bình Dương được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, giúp cư dân phát triển những kỹ năng nghề nghiệp đặc trưng. Từ lâu, nơi đây đã được biết đến như một vùng giao thương sầm uất, hội tụ cư dân từ khắp nơi.
Dưới thời Pháp thuộc, Bình Dương chủ yếu là vùng thuần nông, dân cư thưa thớt, chỉ có hai tuyến giao thông chính là sông Sài Gòn và Quốc lộ 13. Tuy nhiên, từ những năm 90 của thế kỷ XX, ít ai ngờ rằng Bình Dương sẽ vươn lên mạnh mẽ và trở thành một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước.

Bước chuyển mình thần kỳ
Ngày 1/1/1997, sự kiện tái lập tỉnh Bình Dương đánh dấu một bước ngoặt lớn. Với chủ trương đổi mới, tỉnh đã thực hiện hàng loạt chính sách thông thoáng, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước ồ ạt đổ về, nhiều nhà máy mọc lên, thu hút nguồn nhân lực từ khắp nơi. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ rệt theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp, bộ mặt đô thị hóa hiện đại dần hình thành.
Hiện nay, Bình Dương có 29 khu công nghiệp (27 khu đã hoạt động) với tổng diện tích 12.670,5 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 87,4%; cùng 12 cụm công nghiệp có diện tích 790 ha, tỷ lệ lấp đầy 67,4%. Nổi bật có các khu công nghiệp tiêu biểu về hạ tầng đồng bộ và quản lý hiện đại như VSIP 1, VSIP 2, Mỹ Phước, Đồng An… Tính đến cuối năm 2020, Bình Dương đã thu hút được 3.928 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 35,4 tỷ USD, đứng thứ ba cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội. Với hơn 48.000 doanh nghiệp trong nước, tỉnh có nền tảng kinh tế vững mạnh, nổi bật là khu đô thị “Thành phố mới Bình Dương” với Trung tâm hành chính hiện đại đã đi vào hoạt động từ năm 2014.
Không chỉ có nền kinh tế phát triển, Bình Dương còn nổi tiếng với bề dày lịch sử và văn hóa phong phú. Đến nay, tỉnh có 12 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và 44 di tích cấp tỉnh. Vùng đất này từ lâu đã là nơi phát triển các làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như làng gốm Lái Thiêu, làng mộc chạm khắc ở Chánh Nghĩa, làng sơn mài Tương Bình Hiệp… Những sản phẩm thủ công này đã góp phần làm nên dấu ấn văn hóa đặc sắc của đất Thủ - Bình Dương, kết tinh từ bàn tay khéo léo của người dân địa phương.
Bình Dương còn là điểm đến du lịch lý tưởng với nhiều danh lam thắng cảnh, khu du lịch sinh thái và lễ hội truyền thống thu hút hàng ngàn lượt khách thập phương mỗi năm. Đặc biệt, lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu (TP Thủ Dầu Một), khu du lịch Đại Nam Văn Hiến, khu du lịch Núi Cậu – Lòng hồ Dầu Tiếng, vườn trái cây Lái Thiêu… là những điểm đến quen thuộc với du khách. Ngoài ra, ẩm thực Bình Dương cũng gây thương nhớ với món bánh bèo Mỹ Liên (Chợ Búng, phường An Thạnh, TP Thuận An) – món ăn đã hơn 100 năm tuổi, nằm trong top 10 đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á.