Tin về Pomina vẫn chưa hết "hot"

Cập nhật: 10:20 | 24/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Vừa bị HoSE nhắc nhở khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết, Thép Pomina tiếp tục bị "réo tên" vì một lý do quen thuộc...

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có thông báo tới Công ty CP Thép Pomina (HOSE: POM), nhắc nhở về việc công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 trễ hơn so với quy định.

Theo quy định của Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, nếu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, các công ty niêm yết phải công bố thông tin về tài liệu họp tối thiểu 21 ngày trước ngày khai mạc cuộc họp.

Tin về Pomina vẫn chưa hết

Theo kế hoạch, Pomina sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 01/03/2024, nhưng Công ty chỉ vừa công bố tài liệu họp vào ngày 16/02/2024, tức 13 ngày trước khi đại hội bắt đầu và vi phạm quy định công bố thông tin. Do đó, HOSE nhắc nhở và đề nghị Pomina nghiêm túc tuân thủ các quy định quyền lợi của cổ đông.

Đây không phải lần đầu tiên hãng thép này bị nhắc nhở về tình trạng chậm công bố thông tin. Đầu tháng 2/2024, HoSE đã gửi công văn nhắc nhở đến Pomine về việc nếu tổ chức niêm yết chậm nộp Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm trong 3 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết. Do đó, HoSE lưu ý cổ phiếu POM có thể sẽ bị hủy niêm yết nếu nhà sản xuất thép này tiếp tục chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2023.

Ngay sau đó, doanh nghiệp này đã có phản hồi và cho rằng đây chỉ là lời nhắc nhở của HoSE về việc Công ty cần lưu ý phải nộp BCTC kiểm toán năm 2023 đúng hạn.

Sắp công bố nhà đầu tư chiến lược mới

Tại cuộc họp bất thường sắp tới, Pomina sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua phương án tái cấu trúc toàn diện Công ty và cũng công bố danh tính của nhà đầu tư mới. Theo phương án này, Pomina sẽ hợp tác với nhà đầu tư chiến lược để thành lập pháp nhân mới là Công ty CP Pomina Phú Mỹ.

Tin về Pomina vẫn chưa hết
Dự thảo phương án tái cấu trúc Pomina (Nguồn POM)

Pháp nhân này do Pomina góp vốn bằng hiện vật toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị. Còn nhà đầu tư chiến lược sẽ góp vốn bằng tiền và nhà đầu tư chiến lược góp vốn bằng tiền mặt.

Giá trị tài sản sẽ được trình bày chi tiết tại đại hội, căn cứ theo kết quả định giá của công ty kiểm toán và sự thỏa thuận với nhà đầu tư chiến lược.

Theo đó, số tiền thu hồi được từ pháp nhân mới sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn cho các ngân hàng, khoản nợ phải trả nhà cung cấp và phần vốn còn lại bổ sung vốn lưu động.

Cũng tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 tới đây, doanh nghiệp này sẽ trình cổ đông kế hoạch nâng vốn đầu tư dự án lò cao tại chi nhánh Pomina 3 từ 4.975 tỷ đồng, lên 5.880 tỷ đồng, tức tăng thêm hơn 900 tỷ đồng.

Phía Pomina không nêu lý do nâng vốn đầu tư dự án lò cao tại chi nhánh này mà chỉ cho biết giá trị đầu tư lên tới 5.880 tỷ đồng dựa trên căn cứ kết quả kiểm toán của Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam ký ngày 2/3/2023 so với kế hoạch vốn đầu tư phê duyệt ngày 31/10/2020.

Kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu bị bán tháo

Về tình hình kinh doanh, Thép Pomina (POM) tiếp tục nối dài chuỗi khủng hoảng khi kinh doanh bết bát trong năm 2023. Trong quý IV/2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 333 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 313 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 459,4 tỷ đồng.

Luỹ kế năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 3.281 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ thêm 960 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1.166,9 tỷ đồng. Tính tới 31/12/2023, tổng lỗ luỹ kế của Thép Pomina là 1.271 tỷ đồng, bằng 45% vốn chủ sở hữu.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu POM đang chịu áp lực lớn từ làn sóng bán tháo của người thân liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp.

Mới đây nhất, bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ ông Đỗ Xuân Chiểu, Thành viên HĐQT Công ty đăng ký bán ra toàn bộ hơn 8,1 triệu cổ phiếu POM nhằm mục đích đầu tư, thời gian từ ngày 23/2 - 22/3/2024.

Trước đó, từ ngày 22/11 - 15/12/2023, bà Đỗ Thị Nguyệt, chị gái Chủ tịch Đỗ Duy Thái đã đăng ký bán ra 3,5 triệu cổ phiếu POM, lượng giao dịch thực là 3,38 triệu cổ phiếu, tương đương 96,7% tổng lượng đăng ký.

Sau giao dịch, bà Nguyệt còn sở hữu 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,43% vốn điều lệ. Vừa kết thúc giao dịch trên, bà Nguyệt đã lại đăng ký bán ra nốt 1,2 triệu cổ phiếu POM còn lại. Thời gian giao dịch diễn ra từ ngày 21/12/2023 đến hết ngày 4/1/2024.

Giá cổ phiếu POM cũng theo đó liên tiếp giảm từ đỉnh 7.800 đồng/cp hồi cuối tháng 7. Chốt phiên giao dịch ngày 23/2/2024, giá cổ phiếu POM chỉ còn 5.380 đồng/cp, tương đương mức giảm hơn 30%.

Tin về Pomina vẫn chưa hết
Giá cổ phiếu POM liên tiếp giảm từ đỉnh 7.800 đồng/cp hồi cuối tháng 7/2023

Dòng tiền cá mập đồng loạt "rút lui", VN-Index bất ngờ "đổ đèo"

Trong ngày giao dịch cuối tuần 23/2, VN-Index lình xình đi lên, có thời điểm chỉ số thị trường đã chạm mốc 1.240 điểm trước ...

Khối ngoại bán ròng mạnh trong ngày tỷ giá tăng cao, dòng midcaps rơi vào tầm ngắm

Trong ngày hôm qua (22/02), nếu như khối ngoại đã mạnh tay bán ròng kỷ lục năm 2024, tập trung vào nhiều bluechips thì trong ...

Công ty bảo hiểm chi hàng trăm nghìn tỉ đồng cho danh mục đầu tư chứng khoán

Tính đến hiện tại, các công ty bảo hiểm hiện đang nắm giữ danh mục đầu tư với trị giá lên tới hàng trăm nghìn ...

Linh Đan