Tín dụng tăng trưởng chậm, ngân hàng “trông cậy” vào thu ngoài lãi

Cập nhật: 16:04 | 27/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Lãi thuần giảm do tín dụng tăng chậm đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay, nhất là quý III.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều ngân hàng phải chứng kiến lợi nhuận đi xuống do nguồn thu từ hoạt động cốt lõi của ngân hàng sụt giảm hoặc tăng trưởng rất chậm.

Thời gian qua, các nhà băng rơi vào tình cảnh “thừa tiền” nhưng không thể đẩy mạnh cho vay để bù đắp chi phí huy động đắt đỏ trước đây. Trong khi đó, không ít ngân hàng phải nâng chi phí dự phòng do nợ xấy tăng cao, điều này đã khiến cho lợi nhuận bị ăn mòn.

Tín dụng tăng trưởng chậm, ngân hàng “trông cậy” vào thu ngoài lãi
Hình minh họa.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022, ở mức thấp so với cùng kỳ (11,5%) cũng như mục tiêu cả năm (14%).

Theo giới chuyên gia, tín dụng năm nay khó có thể đạt được mục tiêu, chỉ tăng khoảng 12%, thậm chí thấp hơn.

Tín dụng tăng trưởng chậm khiến lãi thuần sụt giảm, điều này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay, nhất là quý III. Đáng chú ý, trong quý gần nhất, đa số ngân hàng rơi vào tình cảnh chi phí lãi tăng mạnh hơn thu nhập lãi, khiến thu nhập lãi thuần suy giảm. Chi phí lãi tăng cao do các ngân hàng liên tục nâng lãi suất tiết kiệm vào cuối năm ngoái, đầu năm nay và người dân, doanh nghiệp tiếp tục lựa chọn tiền gửi làm kênh đầu tư.

Ngoài ra, áp lực phải giảm lãi suất cho vay vẫn còn, nên nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động để giảm chi phí bình quân vốn, nhất là với những nhà băng còn tồn dư nguồn vốn huy động với lãi suất cao giai đoạn đầu năm. Đồng thời, các ngân hàng cũng nỗ lực đẩy mạnh cho vay.

Theo ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho rằng, nhu cầu về vốn của khách hàng dần tăng trở lại, song các ngành trọng tâm như bất động sản và sản xuất nhìn chung vẫn trầm lắng. Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị và lạm phát cao trên thế giới ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu của nhiều thị trường, khiến các doanh nghiệp vẫn có xu hướng thận trọng trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh, nên tín dụng khó có thể tăng trưởng mạnh.

Đáng lưu ý, trong bối cảnh nền kinh tế chưa hết khó khăn, lĩnh vực bất động sản trầm lắng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng, chất lượng tài sản của ngành ngân hàng dần đi xuống. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu tại đa số nhà băng trong quý III/2023 tăng so với quý II cũng như cuối năm ngoái. Không chỉ có nợ nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 tăng lên, nhiều ngân hàng còn xuất hiện tình trạng “nhảy” nợ nhóm 2. Chất lượng tài sản sa sút khiến chi phí dự phòng tăng vọt, bào mòn lợi nhuận.

Ngân hàng “trông cậy” vào thu ngoài lãi

Trong bối cảnh thu từ lãi giảm cùng với việc buộc phải tăng dự phòng do nợ xấy tăng cao, thu nhập ngoài lãi lại là điểm sáng của nhiều nhà băng trong 9 tháng đầu năm. Thu nhập ngoài lãi còn là yếu tố giúp lợi nhuận nhiều ngân hàng đi lên trong quý III/2023.

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), đây là ngân hàng ghi nhận thu nhập ngoài lãi ở mức cao trong quý III/2023, đặc biệt là khoản lãi 882 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư đã giúp ACB lãi trước thuế hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 13%, dù chi phí dự phòng gấp gần 5 lần cùng kỳ.

Tương tự, tại Techcombank, lãi từ hoạt động dịch vụ trong 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 6.219 tỷ đồng, tăng 9%, nguyên nhân chủ yếu nhờ thu dịch vụ thanh toán và tiền mặt tăng 52%, song lãi trước thuế giảm 19% so với cùng kỳ, xuống 17.115 tỷ đồng, do thu nhập lãi thuần suy giảm.

Ngoài ra, các ngân hàng khác như LPBank, Nam A Bank, OCB… cũng ghi nhận kết quả tương tự.

Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại được khảo sát dự báo, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể sẽ cải thiện trong quý IV/2023. Các lý do được liệt kê cho kỳ vọng này gồm tình hình kinh tế tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, dẫn tới nhu cầu vay vốn được cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, kỳ vọng nguồn thu từ lãi cao trong năm nay là không dễ đối với ngành ngân hàng, do tăng trưởng tín dụng cả năm có thể chỉ đạt 10 - 12%. Nguồn thu ngoài lãi cũng vậy, khi mảng bảo hiểm và trái phiếu doanh nghiệp kém khả quan. Tuy nhiên, các nhà băng có sự đầu tư lớn về hạ tầng, công nghệ... sẽ có cơ hội tăng thu ngoài lãi.

Tín dụng tăng trưởng chậm, lợi nhuận nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh

Quý III/2023, lợi nhuận của nhiều ngân hàng giảm mạnh so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tín dụng tăng trưởng ...

Ngân hàng dành 9.000 tỷ đồng kích cầu tín dụng mùa Tết với lãi suất 4-6%/năm

Chia sẻ tại hội thảo “Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng” được tổ chức ngày 17/11 vừa qua, đại diện Ngân hàng ...

Vân Anh

Tin cũ hơn
Xem thêm