Tín dụng tăng chậm, thu nhập lõi sụt giảm, vì sao VCB vẫn được định giá cao?
Báo cáo của Yuanta cho thấy, VCB vẫn được định giá cao nhờ vào khả năng duy trì chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu thấp, cũng như các bước đi chủ động trong việc củng cố vốn và kiểm soát rủi ro.
Trong quý I/2025, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ, nhưng đằng sau đó là những dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng tín dụng và thu nhập cốt lõi đang chững lại.

Tuy vậy, theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam công bố ngày 6/5/2025, cổ phiếu VCB vẫn được đánh giá tích cực nhờ nền tảng tài chính vững chắc, tỷ lệ nợ xấu thấp và kế hoạch phát hành cổ phần có thể cải thiện năng lực vốn trong thời gian tới.
Cụ thể, theo Yuanta, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (PATMI) của VCB trong quý I/2025 đạt 8.696 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với quý trước và 1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng khiêm tốn này chủ yếu đến từ việc giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 50% so với cùng kỳ, trong khi các mảng hoạt động cốt lõi có xu hướng đi ngang hoặc suy giảm.
Cụ thể, thu nhập lãi ròng (NII) – nguồn thu chính của ngân hàng – đạt 13.687 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ do VCB chủ động hạ lãi suất hỗ trợ khách hàng. Thu nhập từ phí ròng sụt mạnh 44% YoY, cho thấy áp lực từ hoạt động dịch vụ. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) điều chỉnh cũng giảm nhẹ 1% so với quý I/2024, dù chi phí hoạt động được kiểm soát tốt (giảm 20% QoQ).
Tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,2% so với quý trước, thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành là 3,9%, và chưa tương xứng với kế hoạch tăng trưởng cả năm của VCB là 16,3%. Yuanta đánh giá điều này phản ánh một phần do nhu cầu tín dụng yếu và một phần đến từ chiến lược quản trị rủi ro thận trọng của ngân hàng.
Dù tăng trưởng tín dụng thấp, VCB vẫn giữ được vị thế nổi bật về chất lượng tài sản. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tính đến cuối quý I/2025 ở mức 1,03%, tăng nhẹ so với quý trước nhưng giảm 20 điểm cơ bản so với cùng kỳ, tiếp tục là mức thấp nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 216%, dù giảm nhẹ so với quý trước nhưng vẫn là mức cao nhất toàn ngành, cho thấy VCB có khả năng linh hoạt trong trích lập dự phòng mà không gây áp lực lên lợi nhuận.
Bên cạnh đó, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ, trở thành điểm sáng nổi bật trong cơ cấu lợi nhuận quý. Tuy nhiên, CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn) – một lợi thế truyền thống của VCB – đã giảm về mức 35,4%, tương đương giảm 1,3 điểm phần trăm so với quý trước, phản ánh xu hướng người gửi dịch chuyển sang kỳ hạn dài để tìm kiếm lợi suất cao hơn.
Mặc dù hiệu quả hoạt động trong quý I chưa cho thấy tín hiệu tăng trưởng mạnh, Yuanta vẫn duy trì khuyến nghị MUA cổ phiếu VCB, với giá mục tiêu 77.197 đồng, tương đương mức tăng kỳ vọng 35% so với giá đóng cửa ngày 5/5/2025 là 57.100 đồng. Định giá theo P/B 2025E hiện tại là 2,0x, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 10 năm của chính VCB.
Một yếu tố được Yuanta đánh giá có thể đóng vai trò chất xúc tác trong thời gian tới là kế hoạch phát hành tối đa 543,1 triệu cổ phiếu, tương đương 6,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành, dành cho tối đa 55 nhà đầu tư chiến lược và chuyên nghiệp trong giai đoạn 2025–2026. Yuanta ước tính nếu thương vụ phát hành thành công, hệ số an toàn vốn (CAR) của VCB sẽ tăng thêm khoảng 2 điểm phần trăm, lên mức xấp xỉ 14%, mở rộng dư địa tăng trưởng cho những năm tới.