Tìm hiểu về bẫy giá trị, phương pháp để tránh rơi vào bẫy giá trị

Cập nhật: 13:58 | 25/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Bị mắc bẫy giá trị là một trong những lỗi thường hay gặp ở các nhà đầu tư, đặc biệt đối với những nhà đầu tư non trẻ trên thị trường.

Bẫy giá trị là gì ?

Bẫy giá trị hay Value Trap, là một thuật ngữ được dùng phổ biến trong chứng khoán khi một cổ phiếu hoặc khoản đầu tư được định giá rẻ vì có được các thông số định giá thấp, ví dụ tỉ số P/E, hệ số giá trên dòng tiền (P/CF), hoặc hệ số giá trên giá trị sổ sách (P/B) thấp trong một khoảng thời gian nhất định.

Bẫy giá trị có thể thu hút các nhà đầu tư đang tìm kiếm một món hời vì chúng có vẻ rẻ hơn so với các cổ phiếu hoặc các công ty cùng ngành hoặc thị trường hiện tại có hệ số giá lịch sử tương đồng. Bẫy giá trị do nhà đầu tư tự tạo ra do nhận định thiếu chính xác về một mã cổ phiếu.

Rủi ro của bẫy giá trị cũng chính là đặc điểm của nó, giá cổ phiếu sẽ tiếp tục suy yếu hoặc giảm thêm sau khi nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào công ty đó.

Tìm hiểu về bẫy giá trị, phương pháp để tránh rơi vào bẫy giá trị
Hình minh họa

Đặc điểm của bẫy giá trị

Đối với các nhà đầu tư, P/B và P/E đều là công cụ giúp họ tìm kiếm các cổ phiếu có giá thấp mà phần lớn thị trường bỏ qua. Khi P/E và P/B của một cổ phiếu thấp là một dấu hiệu cho thấy cổ phiếu đang bị định giá thấp so với giá trị. Đây là cơ sở để nhận định cổ phiếu sẽ tăng giá trong tương lai, nhà đầu tư nên mua vào.

Đối với chỉ số P/B thấp có thể cho thấy doanh nghiệp có kết quả kinh doanh được cải thiện, lợi nhuận gia tăng, giá trị sổ sách của cổ phiếu sẽ tăng lên. Trong một khía cạnh khác, khi một cổ phiếu duy trì P/B <1, có thể nhà đầu tư đánh giá giá trị thị trường của doanh nghiệp thực tế thấp hơn nhiều so với giá trị ghi sổ. Vì thế, họ chỉ chấp nhận 1 mức giá thấp hơn cho giá trị sổ sách.

Có rất nhiều lý do để doanh nghiệp có chỉ số P/E thấp ở một thời điểm. Có thể doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn so với thời gian trước. Vì thế, lợi nhuận trên 1 cổ phần (EPS) tăng lên, khiến cho P/E thấp. Tuy nhiên, P/E thấp có thể do doanh nghiệp thu được lợi nhuận bất thường (từ thanh lý tài sản, hay bán công ty con,…). Nhưng khoản lợi nhuận này sẽ không bền vững. Chúng không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và không lặp lại trong tương lai.

Điều này có thể xảy ra với ngay cả những công ty đã hoạt động thành công trong những năm trước, từng tăng lợi nhuận và giá cổ phiếu tốt, vẫn có thể rơi vào tình trạng không có tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận do những thay đổi trong động lực cạnh tranh, thiếu sản phẩm,… Nhà đầu tư Seth Klarman đã từng nói về bẫy giá trị như sau : “Bẫy giá trị khiến cổ phiếu có giá rẻ vì một vài lí do: có thể do quản lý lơ là thiếu chặt chẽ, quá trình phân bổ vốn kém hoặc giá trị tài sản sụt giảm không thể cứu vãn được”.

Đối với nhiều nhà đầu tư đã từng thấy mức định giá cao hơn của cổ phiếu các loại công ty này, một mức giá thấp hơn sẽ hấp dẫn họ nhiều hơn. Chính điều này sẽ khiến các nhà đầu tư giá trị rất dễ bị dính vào bẫy giá trị.

Một số phương pháp để tránh rơi vào bẫy giá trị

Hiện nay, có nhiều phương pháp phân tích phổ biến và đơn giản giúp nhà đầu tư tự đánh giá một mô hình kinh doanh từ những công ty còn non trẻ cho tới những công ty đã hoạt động lâu năm và có lợi thế cạnh tranh bền vững nhằm tránh bị rơi vào bẫy giá trị.

Chẳng hạn, phương pháp net - net, mục tiêu là tìm kiếm những công ty có “tài sản ngầm”, một chất xúc tác và một sự giải phóng giá trị tài sản đó chia lại cho các cổ đông.

Cha đẻ của phương pháp này là Benjamin Graham. Thông thường, nhà đầu tư nhìn vào mối tương quan thuận chiều giữa thị giá với giá trị sổ sách có thể dễ mắc sai lầm, đôi khi không có sự tương quan nào trong ngắn hạn giữa hai biến số này trong ngắn hạn.

Hoặc phương pháp 4 chữ M, bao gồm: Meaning (mô hình kinh doanh), Moats (lợi thế cạnh tranh), Management (ban quản trị), Mos (biên an toàn) của nhà đầu tư rất thành công Phil Town.

Cách làm này đòi hỏi nhiều thời gian và đánh giá một cách tổng quan hơn, phù hợp với những công ty đã có những thành công và bề dày lịch sử hoạt động.

Nói cách khác, về mặt định lượng đã có những con số để có thể phân tích một cách sâu sắc hơn, từ đó giá mua đưa ra sẽ có cơ sở hơn.

Còn rất nhiều phương pháp khác, nhưng tóm lại, dù là dùng bất kỳ phương pháp nào thì nhà đầu tư cũng phải hiểu rõ trình tự, phạm vị, hoàn cảnh, đối tượng áp dụng và tập trung vào 3 nhân tố: Mô hình kinh doanh, con người và giá cả, đã được áp dụng và chứng minh thực tế từ rất nhiều nhà đầu tư thành công trên thế giới trong hàng trăm năm qua.

Sự thay đổi trật tự của 3 nhân tố này có thể kết thúc với một cái bẫy giá trị do chính nhà đầu tư đó tạo ra và điều này giải thích tại sao nhà đầu tư thường xuyên có các quyết định sai lầm.

Bởi vì, điều họ quan tâm là tại sao những người bạn, một đám đông khác có thể kiếm tiền từ chứng khoán một cách dễ dàng, khởi nguồn của suy nghĩ sai lệch là trả lời câu hỏi tại sao đó với động cơ là kiếm tiền nhanh và bị cuốn vào những “con sóng” trên thị trường.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Tìm hiểu lãi suất coupon, cách xác định lãi suất coupon

Ngoài cổ phiếu thì trái phiếu cũng là hình thức đầu tư được nhiều người lựa chọn. Lãi suất trái phiếu là một yếu tố ...

Tìm hiểu vai trò của công ty chứng khoán

Sự ra đời của các công ty chứng khoán đã mang đến nhiều thay đổi cho thị trường chứng khoán Việt Nam và đóng góp ...

Tìm hiểu về Force-sell, đầu tư thế nào để tránh bị Force Sell?

Force Sell là trạng thái tài khoản Margin chứng khoán của nhà đầu tư vi phạm tỷ lệ ký quỹ duy trì tối thiểu theo ...

Minh Đức

Tin liên quan