Tiền và chứng khoán sẽ về nhanh hơn

Cập nhật: 08:11 | 07/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Sắp tới, thời gian chứng khoán mua và tiền bán chứng khoán về tài khoản sẽ nhanh hơn, giúp nhà đầu tư có thể sử dụng để giao dịch sớm hơn.

Từ sáng T+3 xuống chiều T+2

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đang lấy ý kiến dự thảo Quy chế hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán (sửa đổi) theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toán có chu kỳ thanh toán T+2.

Hệ thống công nghệ của HSC và nhiều công ty chứng khoán khác đã sẵn sàng để triển khai việc rút ngắn thời gian thanh toán.
Hệ thống công nghệ của HSC và nhiều công ty chứng khoán khác đã sẵn sàng để triển khai việc rút ngắn thời gian thanh toán.

Theo đó, Quy chế sẽ điều chỉnh thời gian VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán và ngân hàng thanh toán hoàn tất thanh toán tiền từ 15h30 - 16h00 lên 11h30 - 12h00 ngày T+2.

Nhà đầu tư sắp được bán chứng khoán sau khi mua vào phiên chiều ngày T+2, thay vì phiên sáng ngày T+3 như hiện nay.

Với quy định mới, chứng khoán đã mua sẽ về tài khoản trong khoảng thời gian 11h30 - 12h ngày T+2, nhà đầu tư có thể giao dịch ngay trong phiên chiều cùng ngày. Hiện tại, chứng khoán về tài khoản vào 15h30 - 16h ngày T+2, lúc thị trường đã kết thúc phiên giao dịch, nên nhà đầu tư chỉ có thể giao dịch chứng khoán từ sáng ngày T+3. Tương tự, tiền bán chứng khoán sẽ về tài khoản trong buổi trưa ngày T+2 và nhà đầu tư có thể sử dụng ngay trong phiên chiều cùng ngày.

Theo lãnh đạo VSD, việc giảm thời gian thanh toán áp dụng chung cho toàn thị trường, nên 100% các thành viên đang hoạt động nghiệp vụ đều phải đáp ứng.

Việc này không quá phức tạp, các công ty chứng khoán chỉ cần điều chỉnh tham số hệ thống, nghĩa là chỉ liên quan đến yếu tố kỹ thuật nên có thể triển khai sớm, dự kiến trong tháng 8/2022.

Không chỉ là kỳ vọng thanh khoản tăng

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định, việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 sẽ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư và giúp gia tăng thanh khoản cho thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, điều mà thị trường chờ đợi hơn là VSD sớm triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở, vì sức mua của nhà đầu tư sẽ được tăng lên đáng kể. Khi đó, thay vì phải có đủ 100% tiền ký quỹ trước khi mua như hiện nay, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ.

Hơn thế, CCP đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện để triển khai nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về, bởi các tính năng liên quan đã được tích hợp trong hệ thống công nghệ thông tin mới. Đặc biệt, điều mà thị trường quan tâm và chờ đợi nhất là sớm được giao dịch chứng khoán trong ngày (T+0).

Giao dịch trong ngày là giao dịch mua và bán cùng một mã chứng khoán nhà đầu tư chưa sở hữu với cùng một khối lượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày giao dịch. Còn bán chứng khoán chờ về là bán chứng khoán mà nhà đầu tư đã mua trên hệ thống giao dịch chứng khoán tại các ngày giao dịch trước đó và đang trong quá trình hoàn tất chuyển quyền sở hữu.

Thực tế, Thông tư 203/2015/TT-BTC về giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ của Bộ Tài chính ban hành năm 2015 cũng như Thông tư 120/2020/TT-BTC ban hành năm 2022 thay thế Thông tư 203 đã tạo cơ sở pháp lý cho phép triển khai giao dịch bán chứng khoán chờ về và giao dịch trong ngày, nhưng đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực, bởi chưa có sự đồng bộ về cơ chế, chính sách cũng như hệ thống công nghệ giữa các cơ quan quản lý và thành viên thị trường.

Về vấn đề này, lãnh đạo VSD cho biết, VSD đang nghiên cứu xây dựng các quy trình, quy chế hướng dẫn; lập kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho thành viên để có thể sớm triển khai các nghiệp vụ trên sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới của thị trường được đưa vào sử dụng.

Vì sao KBSV hạ dự phóng VN-Index tới hơn 260 điểm?

Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2022, Công ty chứng khoán KB Việt Nam – KBSV hạ ...

Cổ phiếu ngành thép còn đó rủi ro ngắn hạn

Định giá nhóm thép đã về mức hấp dẫn cho dài hạn, song trong ngắn hạn, rủi ro vẫn còn hiện hữu bởi giá nguyên ...

Định giá trên sàn chứng khoán chưa phản ánh đúng tình hình các "nhà băng"?

Nửa đầu năm 2022, mức sụt giảm giá cổ phiếu của ngành ngân hàng rơi vào khoảng từ 30-40%. Theo các chuyên gia, mức định ...

Hoàng Minh

Nguồn Tin nhanh Chứng khoán

Tin cũ hơn
Xem thêm