"Tiền trạm" trước mùa báo cáo tài chính quý II

Cập nhật: 15:59 | 23/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Động lực tăng trưởng ngắn hạn của thị trường chứng khoán vẫn là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2021. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần chắt lọc cổ phiếu cẩn trọng hơn và xem xét thêm về định giá trong quản trị danh mục.

5716-chyng-q
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Như thường lệ, kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay sẽ ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng giá cổ phiếu trong ngắn hạn đồng thời là cơ sở quan trọng để nhà đầu tư nhìn nhận triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong nửa còn lại của năm. Do đó, diễn biến giá cổ phiếu trong vài tuần tới sẽ chịu tác động đáng kể từ các thông tin liên quan đến lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý II/2021.

Theo ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank, một yếu tố khác có tác động lớn đến diễn biến giá cổ phiếu đó là ảnh hưởng từ kỳ vọng nhà đầu tư về ngành nghề, lĩnh vực mà doanh nghiệp đó đang kinh doanh. Cụ thể và đáng chú ý nhất ở thời điểm hiện tại là cổ phiếu thuộc nhóm ngành dầu khí và chứng khoán.

Việc giá dầu biến động mạnh trong một khoảng thời gian ngắn có thể tạo nên những đợt sóng tăng/giảm với hầu hết cổ phiếu dầu khí.

Trong khi đó, thanh khoản giao dịch khớp lệnh mỗi phiên trên thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2021 ghi nhận mức tăng đột biến so với năm 2020, nhiều nhà đầu tư có kỳ vọng tích cực về kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán giúp giá cổ phiếu nhóm này gần đây tăng cao.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank cho rằng, kết quả kinh doanh quý II/2021 của nhiều doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng so với cùng kỳ, một phần nhờ mức nền thấp trong năm 2020.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, nhận định thị trường sẽ tiếp tục tăng khi kết quả kinh doanh quý II được công bố có thể sẽ không chính xác bởi hai lý do gồm: Sự hồi phục kết quả kinh doanh trong quý II/2021 có thể nhìn thấy trước bởi lợi nhuận toàn thị trường trong quý II năm ngoái giảm 12,5%; Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 có mức độ tương đối mạnh và diễn ra trên diện rộng và dự kiến kéo dài sẽ cản trở sự phục hồi của các doanh nghiệp tiêu dùng, dịch vụ, hàng không.

Nhận định cụ thể về kết quả từng nhóm ngành, giới phân tích kỳ vọng, những doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu sẽ ghi nhận đà tăng trưởng mạnh trong quý II năm nay nhờ nhu cầu hồi phục tại các thị trường trên thế giới, nhất là lĩnh vực dệt may, thủy sản, gỗ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dầu khí, khai khoáng, hàng hóa cơ bản có thể được hưởng lợi do năm ngoái là đáy của kết quả kinh doanh trong khi tình hình năm nay tốt hơn nhiều.

Theo FiinPro, lợi nhuận sau thuế cả năm 2021 của nhóm VN30 dự kiến sẽ tăng mạnh trong đó khối doanh nghiệp phi tài chính tăng 19,4%, khối tài chính (bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) tăng 18,6%.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM cho rằng, động lực tăng trưởng ngắn hạn của thị trường vẫn là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2021. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần chắt lọc cổ phiếu cẩn trọng hơn và xem xét thêm về định giá trong quản trị danh mục.

Các nhóm dẫn dắt nhiều khả năng vẫn là những cái tên quen thuộc như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, công nghiệp (vận tải, kim loại và tư liệu sản xuất, trong đó có thép), vật liệu - hóa chất, dầu khí, xuất nhập khẩu (thủy sản, dệt may, gỗ, cảng biển, nông nghiệp, phân bón…).

Trong khi đó, cơ sở đặt kỳ vọng vào nhóm doanh nghiệp thép là giá thép tiếp tục tăng mạnh; nhóm chứng khoán là VN-Index và thanh khoản tăng cao, hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn từ mảng môi giới, tự doanh, cho vay giao dịch ký quỹ (margin); nhóm ngân hàng là nhu cầu tín dụng phục hồi, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm đạt 4,67%, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái…

Tương tự, ông Trần Minh Hoàng nhận định, các nhóm ngành dự kiến có tốc độ tăng trưởng cao trong quý II/2021 là sản xuất/cung cấp nguyên liệu đầu vào như công nghiệp (đặc biệt là thép, hóa chất), khai khoáng, dầu khí (trung và hạ nguồn), dịch vụ vận tải/cảng biển, tiêu dùng, bán lẻ…

Theo đó, lợi nhuận trong mỗi ngành sẽ có sự phân hóa rõ nét.

Cụ thể, những doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ của ngành thép dự kiến có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với những doanh nghiệp cỡ lớn, do mức lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái rất thấp (thậm chí lỗ); doanh nghiệp dầu khí hoạt động trong phân khúc trung và hạ nguồn có khả năng tăng trưởng lợi nhuận cao ngay khi giá dầu tăng, vượt trội so với các doanh nghiệp thượng nguồn vốn cần có thời gian để triển khai dự án mới.

Thêm 3 cá nhân bị xử phạt vi phạm công bố thông tin giao dịch

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành các quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà ...

Thị trường chứng khoán ngày 23/6/2021: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Phiên sáng 23/6/2021: VN-Index giảm hơn 14 điểm từ đỉnh

Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index mất 5,4 điểm; VN30-Index rơi khá sâu từ +15 điểm về -4 điểm rồi lại hồi phục ...

Quốc Trung T/H