Tích sản cổ phiếu penny, tôi đã sở hữu mảnh đất hơn 10 tỷ đồng

Cập nhật: 19:30 | 06/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Tôi là một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, luôn coi đầu tư là một công việc nghiêm túc, thích trải nghiệm “mạo hiểm” trong sự tính toán cẩn thận. Nhiều người đã cười nhạo khi biết tôi si mê cổ phiếu penny (trà đá), và càng không thể tin tôi có thể “biến rác thành tiền tỷ”…

Đi qua mùa giông bão

Hồi ức về một lần được thần may mắn "ghé thăm" khi Long - Short

Rồi thị trường sẽ qua cơn bĩ cực

Cắt lỗ, trăm trận “nếm mật nằm gai”

Tôi bước chân vào thị trường chứng khoán năm 2017 với số vốn “khởi nghiệp” chỉ 70 triệu đồng. Với chút hiểu biết về kinh tế, tài chính doanh nghiệp do tự học, tiền tích lũy nhiều năm đi làm, tôi cũng thích đầu tư chứng khoán có thêm thu nhập, biết đâu vận may sẽ mỉm cười.

Thời điểm ấy, thị trường chứng khoán đã trải qua “mùa đông” dài ảm đạm hậu khủng hoảng kinh tế, đang khởi sắc trở lại với chỉ số VN-Index phục hồi tăng 36% lên mốc hơn 700 điểm. “Thời cơ đến rồi”, tôi chắc mẩm và quyết định tăng vốn lên 700 triệu đồng để chơi lớn, kỳ vọng sẽ kiếm được tiền mua nhà. Thị trường chứng khoán đang tăng mạnh nhờ các yếu tố vĩ mô trong nước hỗ trợ như kinh tế Việt Nam tăng trưởng lạc quan, bất động sản hồi phục, ngân hàng hạ lãi suất thấp kích cầu cho vay sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu khởi sắc…

Trên thế giới, các nền kinh tế đầu tầu như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu… ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất năm 2008-2009, đến năm 2017 duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, có sự phân hóa đa cực (năm 2017 kinh tế Mỹ tăng trưởng 2.5%, lạm phát thấp trong khi GDP trung bình của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng 5,4% trong năm 2017, là khu vực năng động nhất). Thực ra, tôi cũng không quan tâm quá nhiều tới kinh tế thế giới, mà đơn giản chỉ suy luận rằng: “sau thời gian dài ngân hàng trung ương các nước thắt chặt tiền tệ thì đã tới lúc nới lỏng ra, và khi thế giới bơm tiền thì chứng khoán sẽ tăng rất mạnh trong những con sóng lớn nhất lịch sử”.

Chứng khoán không có đúng hay sai, thua lỗ chỉ là trạng thái trên tài khoản ở thời điểm nào đó. Sai lầm nhất là không chốt lãi đúng lúc, hay không cắt lỗ sớm để bảo toàn vốn chờ cơ hội làm lại
Chứng khoán không có đúng hay sai, thua lỗ chỉ là trạng thái trên tài khoản ở thời điểm nào đó. Sai lầm nhất là không chốt lãi đúng lúc, hay không cắt lỗ sớm để bảo toàn vốn chờ cơ hội làm lại

Mặc dù nhận định chứng khoán “thời tới rồi”, nhưng tôi đã thất bại khi đầu tư các cổ phiếu ngân hàng, cao su, địa ốc, dầu khí… trong năm 2017-2018. Sau đó, tôi thử sức với hàng loạt cổ phiếu trà đá có giá từ 2.000-5.000 đồng/CP và dễ dàng kiếm mức lãi 100%, hay “ăn bằng lần” nhanh chóng…

Do kinh nghiệm đầu tư còn non nớt, lại mua các cổ phiếu “siêu đầu cơ” và tham lam, không chốt lời nên tôi đã bị mất sạch thành quả, tài khoản thua lỗ ngược khi cổ phiếu penny giảm sàn liên tục từ 10-20 phiên sàn, trắng bên mua.... Trong chu kỳ uptrend này, chỉ số VN-Index đã tăng gấp đôi, lần đầu tiên xác lập mức đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4/2018. Thế nhưng, tôi đã không bảo toàn được thành quả đầu tư cổ phiếu penny, cố chấp ôm cổ phiếu khi thị trường rơi vào điều chỉnh mạnh, không tuân thủ kỷ luật cắt lỗ khi mới -10%, vi phạm các chỉ báo kỹ thuật, yếu tố tin xấu từ các vụ đại án lớn… Tôi đã phải ngậm ngùi cắt lỗ cổ phiếu penny ở mức -32%, tiếp tục mua cổ phiếu khác và lại lỗ tiếp, khiến tôi mất một nửa tiền đầu tư.

Kể từ khi VN-Index đạt đỉnh 1.200 điểm, trong 1 năm sau đó, thị trường chứng khoán đã giảm rất mạnh, về quanh mốc 867 điểm với đa phần cổ phiếu giảm 2-6 lần. Tôi vẫn cố gắng bám trụ bảng điện để gỡ lại số tiền thua lỗ, song ở trong downtrend, việc kiếm lợi nhuận là vô cùng khó khăn. Nhiều nhà đầu tư non trẻ như tôi đã học được bài học “Gồng lỗ” đầu đời, chỉ mong mỏi được về bờ, rời bỏ cuộc chơi khốc liệt...

Đi săn “siêu cổ phiếu”

Ai bước vào đầu tư chứng khoán chẳng đôi lần thua lỗ, có thất bại mới tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức để không lặp lại sai lầm trong quá khứ, kiên nhẫn chờ thời – chờ cơ hội mới. Chứng khoán không có đúng hay sai, thua lỗ chỉ là trạng thái trên tài khoản ở thời điểm nào đó. Sai lầm nhất là không chốt lãi đúng lúc, hay không cắt lỗ sớm để bảo toàn vốn chờ cơ hội làm lại…

Với bản tính “lì – liều – tham” của tuổi trẻ, tôi khi ấy đã gạt nỗi buồn mất tiền sang một bên, nhanh chóng tìm kiếm, kết nối được với những nhà đầu tư lâu năm, dầy dạn kinh nghiệm, nhiệt tình chia sẻ, để tôi học hỏi, trao đổi cách thức đầu tư chứng khoán hiệu quả.

Tôi nghiệm ra rằng: chứng khoán phản ánh thời cuộc, người hiểu thời cuộc sẽ biết “lựa gió bẻ măng” để nắm bắt cơ hội làm giàu.

Về lý thuyết, chứng khoán phản ánh sức khỏe của doanh nghiệp và được xem như “hàn thử biểu” của nền kinh tế, do đó, tôi đã lựa chọn cổ phiếu theo 5 tiêu chí được nhà đầu tư lâu năm chia sẻ : “doanh nghiệp đầu ngành – tăng trưởng – lợi nhuận – tầm nhìn giới chủ doanh nghiệp – thời thế”. Ngược lại, khi bán một cổ phiếu, cũng nhìn lại xem các tiêu chí đó có bị phá vỡ hay chưa.

Nhưng đối với cổ phiếu penny, dường như mọi nguyên tắc đều trở nên không phù hợp, đôi khi thấy rất vô lý, chẳng hạn Công ty A báo lỗ vài nghìn tỷ đồng, nhưng cổ phiếu lại tăng rất mạnh từ 100-200% trong thời gian ngắn. Phải chăng đó là những cổ phiếu “ảo ma”, có dấu hiệu thao túng làm giá, tiềm ẩn rủi ro lớn… và mọi người đều sợ hãi, xa lánh. Tuy nhiên, tôi lại nhìn thấy cơ hội kiếm siêu lợi nhuận ở những cổ phiếu “high risk” đó, tập trung nghiên cứu sâu hơn nhóm cổ phiếu “trà đá” để lọc được danh mục tiềm năng nhất.

Thực tế, tỷ phú Warren Buffet- huyền thoại đầu tư cổ phiếu đã gom những cổ phiếu khi giá giảm chỉ còn 30% giá thị trường, rẻ một cách vô lý, sau đó chờ đợi doanh nghiệp hồi phục hoặc tham gia tái cấu trúc, để giúp cổ phiếu trở về đúng giá trị. Vậy là ông ấy đã thu hoạch được khoản lợi nhuận gấp nhiều lần.

Trong vòng 10 năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, lợi nhuận vài trăm tỷ, sở hữu nhiều tài sản (vùng nguyên liệu, đất đai, mỏ khoáng sản, thuộc doanh nghiệp Top đầu ngành, đang được tái cơ cấu…) nhưng cổ phiếu lại chỉ bằng ly trà đá, mớ rau muống bèo bọt. Trong chu kỳ phục hồi kinh tế, với dự báo bơm tiền ở các nền kinh tế đầu tàu kể từ năm 2019, tôi nhận thấy thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có sóng lớn và có thể cổ phiếu penny xuất hiện kỳ tích.

Giữa năm 2019, nhận thấy lãi suất ngân hàng quá thấp (5-6%/năm), tôi rút hết tiền tiết kiệm quay lại gom tích sản cổ phiếu penny ở vùng giá 1.000-2.000 đồng/cp. Dĩ nhiên, tôi lựa chọn rất kĩ lưỡng các mã penny tiềm năng sinh lời cao, phân bổ số lượng mã và tỉ trọng hợp lý trong danh mục đầu tư từ 1-3 năm. Kết quả là, cuối năm 2019 tôi đã thu hoạch “vụ mùa” đầu tiên khi 3 mã trong tài khoản đã tăng hơn 100%.

Bước sang 2 năm 2020- 2021, khi dịch covid-19 bùng phát trên toàn cầu cũng là giai đoạn thị trường tài chính thăng hoa, nhà nhà tham gia đầu tư chứng khoán, người người quan tâm đổ tiền mua các loại cổ phiếu bluechip, midcap, penny… Đó thực sự là 2 năm huy hoàng của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index liên tiếp chinh phục các mốc lịch sử 1.200 điểm, 1.300 điểm và đỉnh cao 1.556 điểm vào đầu năm 2022. Cũng trong mùa dịch, các cổ phiếu penny mà tôi đã mua gom tích lũy từ vùng đáy, liên tục có sóng tăng 2-3 lần, rồi lại chia đôi, lại tăng mạnh… cứ linh hoạt xoay vòng vốn giúp tài khoản “nở hoa” nhanh khủng khiếp.

Vào dịp sinh nhật tuổi 34, tôi quyết định chốt lời, rút lãi để mua mảnh đất gần biển, tiếp tục chu kì tái đầu tư có mức độ rủi ro thấp hơn. Thật may mắn, sốt đất khiến cho giá đất biển tăng mạnh, và hiện mảnh đất ấy có giá không dưới 10 tỷ đồng.

Sau nhiều năm trải nghiệm, tôi nhận ra rằng, bí quyết đầu tư chứng khoán thành công không có gì cao siêu, mà quan trọng là cần trang bị kiến thức, rèn luyện lâu dài, kiên trì, đừng cố chấp, hãy tư duy mở, luôn lạc quan. Bản thân tôi đã tìm tòi, đúc rút ra phương pháp riêng để phù hợp với hoàn cảnh công việc, thu nhập, tính cách, mục tiêu kỳ vọng… Ngay cả khi sai lầm, thua lỗ thì tôi cũng vui vẻ chấp nhận, coi như mình lại trả học phí để thị trường dậy thêm bài học. Ngày hôm qua tôi thất bại, hôm nay tôi lại thất bại, thì ngày mai, hay chặng đường kế tiếp thành công, may mắn sẽ mỉm cười sớm thôi.

Việc mua cổ phiếu đôi khi còn bị chi phối bởi cảm xúc, tác động bên ngoài, hiệu ứng FOMO đám đông, chứ không hẳn là vì doanh nghiệp đó tốt, lợi nhuận cao, triển vọng kinh doanh sáng trong trung và dài hạn. Chẳng hạn như việc tôi mua gom các cổ phiếu khoáng sản, bất động sản, chứng khoán trong giai đoạn 2019-2021 ngoài việc đáp ứng 5 tiêu chí đầu tư nêu trên, thì còn bởi yếu tố “hợp mệnh tôi”.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư, mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư.

Bạn đọc có thể gửi bài viết dự thi vào địa chỉ Email: [email protected];. Tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ".

Thu Hằng (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội)