Thuỷ sản Minh Phú (MPC) "rót" 48 tỷ đồng vào công ty con

Cập nhật: 13:47 | 21/03/2022 Theo dõi KTCK trên

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (UPCoM - Mã: MPC) cho biết tập đoàn quyết định tăng vốn điều lệ đối với công ty con là Công ty TNHH Thực phẩm Xanh Minh Phú từ 2 tỷ đồng thành 50 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu (tương đương tăng khoảng 2 triệu USD).

4223-minh-phu-1-fkxu
Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (UPCoM - Mã: MPC). Hình minh họa.

Thời điểm tăng vốn dự kiến vào tháng 3 năm nay. Động thái này nhằm tăng doanh thu bán hàng trong nước. Doanh thu của Minh Phú tại thị trường nội địa vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh thu của công ty.

Thực tế, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước vẫn ưa chuộng các dòng thuỷ sản tươi sống hơn là đã qua chế biến.

Sau vòng tăng vốn của công ty con, Minh Phú cam kết sẽ cung cấp ra thị trường các sản phẩm đã qua chế biến với chất lượng tương đương với xuất khẩu. Hiện tại, hầu hết sản phẩm tôm của Minh Phú phục vụ xuất khẩu.

Trong 2 tháng đầu năm, công ty xuất khẩu hơn 6,8 nghìn tấn tôm với giá trị 87,4 triệu USD, tăng tới 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng doanh thu của thị trường Australia và New Zealand cộng lại tăng tới 77% so với với năm 2021 lên 19,4 triệu USD. Hai thị trường quan trọng là Nhật Bản và Mỹ cũng ghi nhận mức tăng mạnh lần lượt 42% và 103% lên 18,3 triệu USD 14,5 triệu USD.

Tuy nhiên, doanh thu tại ba thị trường Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc đều giảm mạnh 31 - 51%. Hồi đầu tháng 3, Minh Phú cho biết công ty đã phải tạm ngừng xuất khẩu các lô hàng tôm sang Nga vì tình hình căng thẳng địa chính trị leo thang.

Theo Hiệp hội Chế biến Thuỷ sản (VASEP), Minh Phú là doanh nghiệp có doanh số lớn nhất với 395 triệu USD, chiếm gần 4,5%, đứng đầu về xuất khẩu thủy sản và xuất khẩu tôm của cả nước.

Trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm khoảng 60%, tôm sú chiếm 40% doanh số của Minh Phú. Sản phẩm tôm Minh Phú có mặt trên 40 thị trường trên thế giới, với những thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Hà Lan...

Về tình hình kinh doanh, trong quý IV 2021, MPC đạt 2.931 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 67% còn gần 22 tỷ, đặc biệt chi phí bán hàng tăng mạnh 92% lên gần 153 tỷ đồng.

MPC giải trình trong kỳ chi phí tàu tăng cao và không nhận cổ tức từ các công ty con, đã kéo lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ Minh Phú giảm gần 11% còn gần 123 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2021, công ty mẹ Minh Phú đạt 10.141 tỷ đồng doanh thuần, tăng 8,6% so với năm 2020. Chi phí bán hàng tăng đột biến cộng với việc hụt thu tài chính đã kéo lợi nhuận sau thuế của tập đoàn giảm gần 2,6% so với năm 2020.

Tính tới cuối năm 2021, hàng tồn kho MPC ghi nhận gần 4.462 tỷ đồng, tăng 47% so với con số hồi đầu năm. Trong đó, thành phẩm, hàng hóa chiếm hơn 4.259 tỷ đồng, tăng 54%. Tổng tài sản của MPC thời điểm này ghi nhận gần 9.562 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 13%, lên hơn 1.830 tỷ đồng.

Nợ phải trả tại ngày 31/12/2021 là hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm 82%, giá trị hơn 3.250 tỷ đồng (tăng 5%).

Chốt phiên sáng 21/3, giá cổ phiếu MPC giao dịch quanh mức 41.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình phiên đạt 64.000 đơn vị.

4140-mpc
Diễn biến giá cổ phiếu MPC thời gian gần đây (Nguồn: TradingView).

Tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là Doanh nghiệp tư nhân Xí nghiệp cung ứng hàng xuất khẩu Minh Phú thành lập ngày 14/12/1992. Ngày 31/5/2006, công ty chuyển sang hình thức Công ty cổ phần với tên gọi Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Năm 2007, công ty thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán với mã chứng khoán MPC.

Sau 27 năm không ngừng phát triển, đến nay Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú trở thành một Tập đoàn Thủy sản có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước và có tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới. Minh Phú không chỉ xây dựng mạng lưới tiêu thụ trên khắp cả nước mà còn mở rộng ra các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Canada, EU, Úc.

Bên cạnh đó, công ty là doanh nghiệp thủy sản đầu tiên trong nước được công nhận tiêu chuẩn Global Gap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu) về nuôi trồng và chế biến tôm xuất khẩu.

Viwase (VWS) sắp chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10%?

CTCP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase, UPCoM – Mã: VWS ) thông báo chốt danh sách tham dự ĐHCĐ thường niên 2022 và ...

Đầu tư Đa quốc gia IDI đặt kế hoạch lợi nhuận 2022 đầy tham vọng, gấp 6,3 lần so với năm trước

HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Đa quốc gia IDI (HoSE: IDI) đã xây dựng kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt ...

CII bất ngờ lỗ ròng hàng trăm tỷ đồng năm 2021, cổ phiếu bị cắt margin trên HOSE

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa bổ sung cổ phiếu CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HOSE – Mã: CII) vào ...

Khánh Vân

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm