Thủy Sản Mekong (AAM) tiếp tục thua lỗ, nợ phải trả cũng tăng vọt

Cập nhật: 06:06 | 12/07/2024 Theo dõi KTCK trên

Với kết quả kinh doanh kém sắc trong quý 2/2024, Thủy Sản Mekong đã tiếp tục kéo dài chuỗi ngày thua lỗ. Cổ phiếu AAM trên thị trường chứng khoán cũng liên tục lao dốc suốt từ đầu năm đến nay.

Công ty CP Thủy Sản Mekong (HOSE: AAM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với khoản lỗ sau thuế ở mức hơn 1,61 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước doanh nghiệp vẫn ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt 864 triệu đồng.

Thủy Sản Mekong (AAM) tiếp tục thua lỗ, nợ phải trả cũng tăng vọt
Hình minh họa.

Trong kỳ, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 34 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại ghi nhận tới 34,15 tỷ đồng, giảm khoảng 13% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn đã khiến lợi nhuận gộp của Thủy Sản Mekong âm gần 155 triệu đồng trong quý 2/2024.

Trong quý 2 này, doanh thu hoạt động tài chính của Thủy Sản Mekong ghi nhận đạt 1,68 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong kỳ không phát sinh chi phí tài chính. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động khác của công ty ghi nhận lao dốc mạnh khi chỉ còn vỏn vẹn 174 triệu đồng, trong khi cùng kỳ đạt 1,67 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Thủy Sản Mekong ghi nhận lần lượt ở mức 1,91 tỷ đồng và 1,27 tỷ đồng.

Kết quả, Thủy Sản Mekong lỗ sau thuế 1,61 tỷ đồng. Đây là quý thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Thủy sản Mekong ghi nhận doanh thu giảm nhẹ 3% về dưới 69 tỷ đồng và lỗ sau thuế từ đầu năm lên đến gần 3,7 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Thủy Sản Mekong ghi nhận ở mức gần 214 tỷ đồng, nhích nhẹ so với thời điểm hồi đầu năm. Trong đó, cả tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn biến động không đáng kể.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng mạnh 47% so với đầu năm, lên mức 15 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp không vay nợ ngân hàng.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2024, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Thủy Sản Mekong đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh với sản lượng chế biến bằng sản lượng tiêu thụ, khoảng 3.360 tấn, trung bình 280 tấn/tháng. Sản lượng cá tra tự chăn nuôi ở mức 3.200 tấn. Cổ tức từ 2% trở lên.

Tổng doanh thu dự kiến năm 2024 ở mức 160 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận trước thuế ở mức 1 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2023. Như vậy, với mức lỗ sau thuế 6 tháng đầu năm 3,7 tỷ đồng, Thủy sản Mekong vẫn còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2024.

Năm 2024, Công ty tiếp tục chăn nuôi cá tra và chế biến mặt hàng cá tra fillet xuất khẩu; giữ vững thị trường truyền thống và phát triển mạnh ở thị trường mới nổi như Trung Quốc, Hồng Kông, châu Mỹ và khối Ả Rập. Chủ yếu trụ vững, bảo tồn vốn, năm 2025 trở đi sẽ phát triển sản xuất kinh doanh có lãi.

Công ty cũng lên kế hoạch nâng cấp nhà xưởng và trang thiết bị đông lạnh với chi phí từ 5-15 tỷ đồng; tiếp tục liên kết với nông dân để chăn nuôi cá tra, dự kiến là 5 tỷ đồng; và trang bị thêm 1 máy IQF 600kg/giờ, 1 máy hạ băng công suất 2.000kg/giờ.

Trong báo cáo thường niên 2023, HĐQT định hướng sản xuất kinh doanh năm 2024 ở mức vừa phải, đảm bảo có lãi. Phát triển hai vùng nuôi cung ứng trên 60% sản lượng cá tra nguyên liệu cho Công ty, còn lại sẽ đầu tư, hợp tác với nông dân hoặc mua ngoài; tiếp tục sản xuất mặt hàng truyền thống là cá tra fillet; đồng thời tăng cường mặt hàng mới ngoài cá tra để tránh bấp bênh trong tiêu thụ hoặc những chuyển biến xấu của thị trường.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu AAM liên tục đi xuống từ đầu năm đến nay. Chốt phiên giao dịch ngày 11/7, cổ phiếu của Thủy sản Mekong đang dừng ở mức 8.300 đồng/cp, giảm 11% so với thời điểm hồi đầu năm.

Thủy sản Mekong là doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ so với các doanh nghiệp cá tra đang niêm yết với chỉ 123 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản 214 tỷ đồng, phần lớn nằm ở giá trị hàng tồn kho với 123 tỷ và lượng tiền thanh khoản cao 39 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), tháng 6/2024, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 875 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Giá trị lũy kế nửa đầu năm đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm nay đạt 922 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Tuy có cải thiện về nhu cầu nhưng giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, EU, Anh vẫn ở mức thấp. Riêng thị trường Mỹ có tín hiệu khả quan hơn về cả giá và sản lượng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản phục hồi, cổ phiếu thủy sản 'đắt khách'

4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào các nước Trung Quốc, Mỹ và Nhật đều tăng ổn định khoảng ...

[LIVE] Thị trường ngày 9/7: VN-Index nối dài chuỗi tăng điểm

Sau chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp, VN-Index tăng khoảng 3 điểm ngay đầu phiên sáng 9/7, đưa chỉ số lên vùng 1.287 điểm.

Thùy Chi

Tin cũ hơn
Xem thêm