Thương mại Việt Nam: Xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ

Cập nhật: 09:00 | 16/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Mỹ cần khảo sát sức mua, thị hiếu, tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường châu Mỹ để xác định đích đến của sản phẩm và có kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Lượng gạo dồi dào, Ấn Độ khẳng định không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu

Giá cà phê hôm nay 16/6/2022: Đồng loạt tăng giá

Giá tiêu hôm nay 16/6/2022: Tiêu Việt chịu áp lực từ hàng nhập

Theo số liệu Bộ Công thương cập nhật mới đây, chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây, giá trị thương mại hai chiều Việt Nam - châu Mỹ đã tăng gần 5 lần, từ 28 tỷ USD vào năm 2011 lên 139 tỷ USD tỷ USD vào năm 2021. Xét về kim ngạch thương mại với Việt Nam, châu Mỹ liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng thương mại cao nhất trong nhiều năm qua.

Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Mỹ năm đạt khoảng 139 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2020 và chiếm 21% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với nước ngoài. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 114 tỷ USD, tăng 26,5%; nhập khẩu đạt 25 tỷ USD, tăng 14%.

4534-thitruogn
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, thương mại giữa Việt Nam với tất cả các thị trường lớn tại khu vực đều ghi nhận tăng trưởng ở mức hai con số, nổi bật là Mỹ tăng 23%; Brazil tăng 35%; Canada nhích lên 18,5%; Mexico tăng 37,5%; Chile tăng vọt 54%…

Bước sang năm 2022, thương mại song phương tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hai chiều trong 4 tháng đầu năm tăng 18% đạt hơn 50 tỷ USD. Giá trị hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu đều ghi nhận tăng trưởng tích cực.

Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm có: Điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Giày dép các loại, hàng dệt may…

Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ khu vực gồm có: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, thức ăn gia súc và nguyên liệu, dược phẩm, Bông các loại…

Bộ Công Thương dự báo trong thời gian tới, thị trường châu Mỹ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Người dân và doanh nghiệp thích nghi với cuộc sống bình thường mới và sẽ không còn nguy cơ phong tỏa, đóng cửa hay hạn chế đi lại kéo dài gây đình trệ dòng sản xuất, lưu chuyển hàng hóa.

Đây là những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt để đưa được sản phẩm có thế mạnh, có chất lượng vào thị trường châu Mỹ rộng lớn này.

Thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Mỹ có nhiều bước tiến song vẫn tồn tại một số rào cản như tỷ trọng hàng hóa có giá trị gia tăng, công nghệ cao của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khu vực châu Mỹ vẫn còn thấp; phòng vệ thương mại; khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển; lạm phát…

Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Mỹ cần khảo sát sức mua, thị hiếu, tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường châu Mỹ để xác định đích đến của sản phẩm và có kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần nắm bắt các chính sách thương mại, ưu đãi thuế quan và thị hiếu tiêu dùng tại các quốc gia châu Mỹ, tránh tình trạng bị trả lại hàng vì lý do kỹ thuật hoặc không được hưởng ưu đãi thuế quan vì không đáp ứng đủ điều kiện.

Mới đây, tại diễn đàn kết nối nông sản 970 với chủ đề Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ 6 loại quả gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa.

Hiện quả bưởi Việt Nam đang đàm phán để Mỹ mở cửa. Quá trình đàm phán đã vào giai đoạn cuối. "Dự kiến khoảng một vài tháng nữa Mỹ sẽ mở cửa cho quả bưởi của Việt Nam", ông Thiệt nói.

Với thị trường Trung Quốc, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết thị trường này đã đồng ý cho ta xuất khẩu quả chanh leo. Việc đàm phán để xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc cũng đang ở giai đoạn cuối, hy vọng việc đàm phán sẽ kết thúc sớm để trong năm nay, sầu riêng xuất khẩu được sang thị trường này. Với thị trường Nhật bản, Việt Nam đang xuất khẩu 3 loại trái cây tươi là thanh long, xoài, vải. Cục Bảo vệ thực vật cũng đang đàm phán với Bộ Nông nghiệp Nhật để xuất khẩu quả nhãn bằng biện pháp xử lý khí lạnh.

"Hiện nay, biện pháp xử lý khí lạnh này đang trong giai đoạn làm thí nghiệm cuối cùng. Hai chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Nhật đã bay đến TP HCM để ngày mai kiểm tra thí nghiệm cuối cùng. Nếu phía Nhật đánh giá tốt thì hy vọng vài năm tới, quả nhãn sẽ tiếp tục được xuất khẩu sang Nhật. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy xuất khẩu các loại quả khác theo phương pháp này", ông Thiệt chia sẻ.

Thu Uyên (Tổng hợp)