Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp

Cập nhật: 15:30 | 11/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Thương mại điện tử Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, trở thành nước duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.

Việt Nam là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 Đông Nam Á

Thúc đẩy xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử

Thương mại điện tử giúp hàng Việt khẳng định vị thế trên sân nhà

3006-thuongmai
Ảnh minh họa

Hai năm qua, nền kinh tế đã phải gánh chịu các tác động nặng nề do dịch bệnh cũng như từ bất ổn địa chính trị của thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng được chứng kiến nhiều sự thay đổi, chuyển dịch mạnh mẽ ở cả thói quen tiêu dùng lẫn nền tảng kinh doanh của các doanh nghiệp.

Giờ đây, thương mại điện tử đã trở thành "cánh tay trợ lực" quan trọng, giúp các doanh nghiệp vận hành, triển khai các hoạt động kinh doanh nhanh chóng, dễ dàng hơn nhiều trên hành trình phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới.

Theo Phó Cục trưởng Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Nguyễn Ðức Trung, hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng sự thay đổi của hành vi tiêu dùng cũng như nhu cầu quản lý. Các doanh nghiệp đã chủ động đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh lên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.

Trong đó, đẩy mạnh thương mại điện tử là một trong các giải pháp phổ biến được doanh nghiệp lựa chọn, đồng thời cũng là xu thế bắt buộc giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Dịch bệnh dù ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung, nhưng riêng thương mại điện tử vẫn là bức tranh rất lạc quan. Tại Việt Nam, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA-Bộ Công thương), tốc độ phát triển của thương mại điện tử vẫn giữ vững ở mức khoảng 17%/năm trong hai năm vừa qua. Riêng trong năm 2021, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, chiếm khoảng 7% tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước; tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến cũng đã tăng lên khoảng 90% (năm 2019 là 77%) với ước tính giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của mỗi người tiêu dùng là 270 USD.

Có thể thấy, thương mại điện tử đang mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Trước hết, đó là sự mở rộng về đối tượng khách hàng. Theo nghiên cứu của Facebook, hơn 81% người tiêu dùng đã có sự thay đổi về thói quen mua sắm khi đại dịch bùng phát, chuyển sang ưu tiên mua sắm trực tuyến; 92% trong số này khẳng định sẽ duy trì thói quen đó. Mặt khác, ở những khu vực phi thành thị trước đây vốn ít được tiếp xúc với các hình thức thương mại hiện đại thì nay cũng dần hình thành thói quen mua sắm và kinh doanh trực tuyến.

Báo cáo của các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam cho thấy, lượng người bán hàng trực tuyến tại các khu vực phi thành thị thời gian qua đã tăng khoảng 40%. Cơ hội cho doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đa dạng các mặt hàng kinh doanh trực tuyến. Trước đây, sản phẩm bán trên mạng chủ yếu là mỹ phẩm, thời trang. Ðến nay, nhiều mặt hàng khác như thực phẩm tươi sống hay đồ ăn nhanh cũng rất được ưu chuộng.

Vậy các doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì để tham gia thị trường thương mại điện tử hiệu quả? Giám đốc Kinh doanh khu vực Hà Nội của Tiki Vũ Thị Thư nhận thấy, các doanh nghiệp Việt Nam thường lựa chọn một sàn thương mại điện tử để tiếp cận và làm quen dần với phương thức kinh doanh mới này chứ không "lên" ngay tất cả các sàn do tâm lý e ngại, không biết phải bắt đầu theo hướng nào. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên triển khai trên nhiều sàn khác nhau vì mỗi sàn thương mại điện tử đều có ưu thế, chính sách, tập khách hàng cũng như cách vận hành riêng biệt.

Doanh nghiệp khi tham gia sàn thương mại điện tử thường vội vàng, quên mất câu chuyện phải phân tích và tìm hiểu thị trường, đối thủ kỹ lưỡng. Trên các sàn thương mại điện tử hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp tham gia ở các ngách thị trường khác nhau. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ đối thủ cạnh tranh trực tiếp là những ai, đang kinh doanh như thế nào và chiếm thị phần bao nhiêu. Từ đó, so sánh để thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu cũng như đâu là lợi thế để tăng trưởng doanh thu trên các sàn.

Tiếp đến, doanh nghiệp cần xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn, trong đó chiến lược về giá là quan trọng nhất. Trên các sàn thương mại điện tử sẽ có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt về giá, do đó chiến lược về giá rất quan trọng để giúp doanh nghiệp định vị được vị trí trên sàn cũng như việc giá đó có phù hợp với tập khách hàng mình đang hướng tới hay không.

Doanh nghiệp cũng cần có chiến lược marketing cụ thể, dài hơi và mảng này thường sẽ được các sàn hỗ trợ khi doanh nghiệp đăng ký. Cuối cùng, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển tập khách hàng mới từ việc chuyển dần các khách hàng truyền thống cũ, đồng thời thu hút số lượng khổng lồ người mua sắm trực tuyến thành khách hàng tiềm năng của riêng mình.

Thanh Hằng