Thương mại điện tử: Giải pháp ngăn chặn vi phạm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Cập nhật: 18:17 | 13/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho người tiêu dùng, doanh nghiệp từ sự tiện lợi, linh hoạt đến cơ hội mở rộng thị trường và tiết kiệm chi phí. Để thương mại điện tử phát triển một cách bền vững, hiệu quả thì sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho tất cả các bên liên quan.

Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) có tốc độ tăng trưởng “chóng mặt”, dần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và tạo cơ hội phát triển thị trường cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nền tảng truyền thông xã hội cũng dần trở thành kênh marketing quan trọng đối với các doanh nghiệp TMĐT khi mà người dùng mạng xã hội có thể mua sản phẩm trực tiếp từ Facebook, TikTok, Zalo...

Song, bên cạnh sự phát triển không ngừng nghỉ cũng như những lợi ích ngành này mang lại, TMĐT cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, hạn chế. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là hàng xuyên biên giới được rao bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, các sàn giao dịch trực tuyến đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách... Vì kinh doanh online, người bán có thể chào, bán hàng trên nhiều sàn TMĐT khác nhau với những cái tên khác nhau và sau khi họ chấm dứt thời gian livestream, người mua chẳng biết họ là ai nữa.

Thương mại điện tử: Giải pháp ngăn chặn vi phạm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Bộ Công Thương cho biết, hết năm 2023, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương ứng 25%) so với năm 2022. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company, Việt Nam là quốc gia nằm trong top có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng) Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm tới, có thể đạt 650.000 tỷ đồng vào năm 2024.

Với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20 – 25%/năm, Bộ Công thương dự báo đến năm 2025, tổng bán lẻ hàng hóa trên các sàn TMĐT sẽ đạt trên 32 tỷ USD, qua đó trở thành một trong những kênh mua sắm quan trọng của người tiêu dùng, đặc biệt đối là đối với người tiêu dùng tại các thành phố lớn…

Theo nhận định của ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan như hạn chế trong công tác theo dõi, xử lý các vụ việc nổi cộm có lúc còn bị động, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh.

Một nguyên nhân khách quan khác khiến hoạt động TMĐT đang còn nhiều lỗ hổng là bởi loại hình thương mại mới mang tính chất toàn cầu, phát triển nhanh chóng, có nhiều chủ thể tham gia với phương thức kinh doanh, thanh toán ngày càng đa dạng nhưng hệ thống pháp luật của Việt Nam còn có phần chưa tương thích và chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế về quản lý Nhà nước và đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT. Vẫn còn những tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng có nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế, cố tình tiếp tay cho đối tượng vi phạm.

Do đó, để thị trường TMĐT này phát triển đúng hướng và lành mạnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, nhằm tránh thất thu thuế và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ngăn chặn vi phạm thương mại điện tử, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như công an, hải quan, y tế … triển khai Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025.

Đề án trên được Chính phủ phê duyệt kỳ vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp nhằm tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo đảm hoạt động TMĐT được minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Để tiếp tục tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường không gian mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Phối hợp các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, cảng biển. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý để chủ động kiểm tra, phát hiện vi phạm, công cụ thanh toán, sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các lực lượng thuộc các bộ, ngành sẽ giúp công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không xác định được nguồn gốc, xuất xứ trên môi trường mạng được hiệu quả hơn, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy TMĐT phát triển.

Ngoài ra, mới đây, Tổng cục thuế đã đề nghị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, trong đó có biện pháp cấm xuất cảnh, cũng như công khai trên các phương tiện truyền thông danh sách những người bán hàng online chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Quy định này là cần thiết để chống thất thu ngân sách nhà nước và thu hồi số thuế nợ đọng từ các cá nhân, doanh nghiệp chây ỳ nghĩa vụ nộp thuế.

Bên cạnh đó, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cũng đã và đang triển khai các giải pháp như: hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Truyxuat.gov.vn) nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử; mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các Sàn TMĐT, nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phân phối các sản phẩm địa phương thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới - Go Export, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu thành công các sản phẩm trong nước qua nền tảng TMĐT lớn trên thế giới…

Cũng theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao ý thức tự bảo vệ chính doanh nghiệp của mình, tăng cường giám sát, quản lý hệ thống, theo dõi, bám sát thị trường, kênh phân phối, địa bàn tiêu thụ nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm để phản ánh, phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Chủ động cung cấp thông tin, tuyên truyền, có các chương trình giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn những nhà cung cấp có uy tín, chất lượng, bảo đảm an toàn; xây dựng, phát huy văn hóa kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

Mặc dù các cơ quan chức năng là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát về thuế, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhưng người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm lành mạnh thị trường TMĐT. Người tiêu dùng hãy là người tiêu dùng thông minh, sẵn sàng từ chối, không trả tiền nếu như nhận được những sản phẩm không đúng với quảng cáo của cơ sở kinh doanh. Bên cạnh đó, việc lấy hóa đơn khi mua sắm, kể cả mua sắm online cũng giúp người tiêu dùng đảm bảo rằng mình mua hàng của ai, ở đâu, như thế nào… làm cơ sở nhờ đến các cơ quan quản lý, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa.

‏MoMo tiếp tục là nền tảng thanh toán điện tử phổ biến nhất trên mạng xã hội năm 2023

Theo bảng xếp hạng (BXH) ngành Fintech năm 2023 của hệ thống lắng nghe và giám sát danh tiếng Reputa, MoMo là công ty thanh ...

Tác động tích của Luật Giao dịch điện tử đối với đời sống xã hội

Luật Giao dịch điện tử không chỉ tạo ra sự thuận tiện và linh hoạt trong quá trình giao dịch mà còn đóng vai trò ...

Cảnh báo mạo danh Amazon để lừa đảo tại Việt Nam

Hiện, có những đối tượng mạo danh Amazon để thực hiện hành vi gây tổn hại đến người tiêu dùng, bằng chương trình đầu tư ...

Đức Anh