Thủ tướng tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong, bàn giải pháp an ninh nguồn nước

Cập nhật: 13:25 | 05/04/2023 Theo dõi KTCK trên

Sáng 5/4, tại Vientiane, Lào, Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mekong quốc tế đã được tổ chức với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của Lưu vực sông Mekong”.

Thủ tướng: Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư, tập đoàn của Saudi Arabia

Thủ tướng giao 6 nhiệm vụ trọng tâm cho toàn ngành ngân hàng

Tham dự Hội nghị có các Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan Surasri Kidti Monton cùng Lãnh đạo và đại diện các Đối tác Đối thoại, Đối tác Phát triển, các tổ chức quốc tế, khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế lần thứ tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước tại phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Cổng thông tin Chính phủ cho biết, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò không thể thiếu của Ủy hội sông Mekong quốc tế, đề cao những thành tựu quan trọng đã đạt được, khẳng định giá trị lâu dài của Hiệp định Mekong năm 1995, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống của gần 70 triệu người dân trong Lưu vực.

Bày tỏ lo ngại trước những thách thức chưa từng có đối với Lưu vực Mekong, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải đổi mới tư duy hợp tác và có những bước đi đột phá, và với tinh thần đó đưa ra những đề xuất về định hướng hợp tác của Uỷ hội trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhất, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995, cũng như Bộ Quy chế sử dụng nước đã được xây dựng, đồng thời tập trung thực hiện tốt các kế hoạch, chiến lược của Uỷ hội.

Thứ hai, mọi chính sách và hành động cần lấy con người làm trung tâm, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn lưu vực, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững của người dân, tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của mỗi cộng đồng trước những biến đổi nhanh chóng hiện nay; đồng thời tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở tiểu vùng sông Mekong.

Thứ ba, tăng cường sự phối kết hợp giữa Ủy hội và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác, trong đó phát huy vai trò là một trung tâm tri thức, cung cấp thông tin, dữ liệu, tư vấn cho các cơ chế hợp tác.

Thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, kết nối và nâng cấp mạng lưới điện của vùng, qua đó góp phần phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, thúc đẩy hợp tác giao thông thủy để tăng cường kết nối các nền kinh tế, thúc đẩy giao thương, đồng thời bảo đảm vận tải an toàn và có hiệu quả, không gây hại đến nguồn nước và môi trường sinh thái.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác với các đối tác để tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại, gắn kết hoạt động của Uỷ hội với nỗ lực thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và các chương trình nghị sự quốc tế lớn khác.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác Mekong, đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động của Ủy hội một cách chủ động, tích cực và xây dựng nhằm góp phần thực hiện đầy đủ Hiệp định Mekong năm 1995, phát huy “tinh thần hợp tác Mekong”, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân các nước, lợi ích các quốc gia trong Lưu vực, giữa con người và thiên nhiên, giữa thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, và hiện thực hóa mục tiêu chung là phát triển bền vững Lưu vực sông Mekong, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Kết thúc Hội nghị, Trưởng đoàn các nước đã thông qua Tuyên bố chung-Tuyên bố Vientiane nhằm tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của bốn quốc gia thành viên, các mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của Lưu vực sông Mekong cũng như xác định các trọng tâm hợp tác của Ủy hội trong thời gian tới.

Sông Mekong dài khoảng 4.350 km, bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Đây được coi là một trong những huyết mạch của Đông Nam Á.

Hoàng Hà (t/h)

Tin cũ hơn
Xem thêm