Thủ tục vẫn gây khó doanh nghiệp

Cập nhật: 10:30 | 27/09/2016 Theo dõi KTCK trên

Khi kiểm tra các thủ tục ở cửa khẩu biên giới, thủ tục hải quan chiếm 28%, còn lại là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, chính sự bất cập về quy định giữa các cơ quan liên ngành đang là rào cản đối với doanh nghiệp.


Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, qua khảo sát ý kiến của hàng trăm doanh nghiệp, có tới 13% doanh nghiệp cho rằng thời gian hoàn thành chứng từ kiểm tra chuyên ngành còn kéo dài, 59% doanh nghiệp đánh giá bình thường, 14%-18% doanh nghiệp cho rằng hồ sơ kiểm tra chuyên ngành chưa đơn giản và hơn 50% doanh nghiệp đánh giá mới đơn giản một phần.

Hiệp hội xăng dầu xin gỡ khó thủ tục

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2016 –2020, nhiều doanh nghiệp phản ánh sự khó khăn khi thực hiện thủ tục hải quan, thuế, tự chứng nhận xuất xứ CO đến các bên liên quan khác như cơ quan kiểm tra liên ngành, hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh, bãi, cảng…

Trao đổi tại hội nghị, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đưa ra kiến nghị về thời điểm nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho ngành hải quan.

Theo ông Khanh, mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản 12802 về việc doanh nghiệp phải nộp C/O ngay từ khi mở tờ khai hải quan. Tuy nhiên, ý kiến của các hội viên thuộc hiệp hội cho thấy rằng việc này rất khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

“Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không phải khi mua xăng dầu xong là được cấp C/O chính thức ngay mà phải sau đàm phán 5 ngày, có thể là 11 ngày hoặc hơn nữa”, ông Khanh nói.

Vì vậy ông Khanh đề nghị Bộ Tài chính xem xét từ thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp từ các thông lệ quốc tế để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Khanh cũng đề nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết hoàn trả số tiền thuế bị tạm thu lên tới trên hơn 57 tỷ đồng với hai lô hàng xăng nhập khẩu của Tổng công ty này về Cảng Hải Phòng.


thu tuc van gay kho doanh nghiep

Thủ tục vẫn gây khó doanh nghiệp


“Tình hình sản xuất, kinh doanh của PV Oil đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cho đến nay, PV Oil vẫn chưa nhận được phản hồi của các cơ quan hữu quan”, ông Khanh cho biết.

Trước đó, cơ quan hải quan cho biết, việc một số lô hàng xăng dầu nhập về bị ấn định mức thu thuế và phạt do chậm nộp như một số lô hàng nhập từ Singapore về của PV Oil là do các lô hàng này “không đủ điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt” do không có sự thống nhất trong việc ghi xuất xứ trên một số ô của C/O cấp cho lô hàng nhập về.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng lại có văn bản gửi Tổng cục Hải quan cho rằng các lô hàng này là hợp lệ.

Trước vấn đề này, đại diện Tổng cục Hải quan cũng thừa nhận, quy định về thời hạn nộp chứng nhận xuất xứ C/O hiện nay sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu, nhưng một số hiệp định như Hiệp định thương mại với Hàn Quốc thể hiện rất rõ rằng C/O được nộp chậm lại trong thời điểm một năm kể từ thời điểm nhập khẩu.

Hiệp định thương mại khác có quy định C/O phải nộp tại thời điểm nhập khẩu và trong những trường hợp bất khả kháng, C/O mới được nộp tại thời điểm nhập khẩu, tùy thuộc vào các quốc gia quy định. Hiện tại, một số nước trong ASEAN quy định phải nộp C/O tại thời điểm nhập khẩu và không cho nộp chậm sau thời điểm đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan sẽ rà soát lại toàn bộ văn bản và các hiệp định thương mại tự do để phản hồi sớm nhất tới Hiệp hội Xăng dầu để làm sao vừa kiểm soát chặt chẽ nhưng không ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Phải tháo gỡ đồng bộ

Tại hội nghị, các đại biểu đều đồng tình cho rằng, muốn thực hiện tốt mục tiêu của Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ đề ra, đặc biệt trong lĩnh vực hải quan, cần có sự tháo gỡ đồng bộ của các cơ quan liên ngành. Nếu chỉ ngành hải quan nỗ lực thì kết quả đạt được chỉ nửa vời.

Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, cho biết, khi kiểm tra các thủ tục ở cửa khẩu biên giới, thủ tục hải quan chiếm 28%, còn lại là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Bởi vậy, vướng mắc về thủ tục không chỉ ở một cơ quan nào, một ngành nào mà nếu chỉ có ngành hải quan thực hiện cải cách thì vấn đề này không thể giải quyết triệt để.

“Cải cách không chỉ thực hiện ở ngành hải quan mà phải hiện đại hóa ở tất cả các bên có liên quan. Như vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mới đạt hiệu quả”, ông Tương khẳng định.

Theo ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng Cục Hải quan, kiểm tra chuyên ngành liên quan tới nhiều bộ và hiện nay là trên 8 bộ có liên quan. Tổng Cục Hải quan đang làm việc với các bộ chuyên ngành để làm sao giảm danh mục hàng hóa yêu cầu kiểm tra, giảm thủ tục và áp dụng quản lý rủi ro, không phải lô hàng nào cũng phải kiểm tra (có thể chọn tỷ lệ ngẫu nhiên hoặc công nhận kiểm tra lẫn nhau).

Tuy nhiên, đại diện ngành hải quan cũng khẳng định rằng vướng mắc hiện nay tập trung ở những bộ có trách nhiệm quản lý rộng như: Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương, những bộ quản lý rất nhiều lĩnh vực nhạy cảm như: an toàn thực phẩm; kiểm tra chất lượng; thiết bị y tế; hóa mỹ phẩm và liên quan đến kiểm dịch…

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho DN, hiện ngành hải quan đang tích cực cải cách thủ tục hải quan. Thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ với hàng hóa nhập khẩu. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhất đối với 100% thủ tục hải quan chủ yếu (mức độ 3 hoặc 4 tương ứng với từng thủ tục).

Trước đó, Tổng cục Hải quan đã tiến hành gửi 500 phiếu khảo sát đến DN (chấp hành tốt pháp luật, có kim ngạch XNK, số thu ngân sách lớn) lấy ý kiến tham vấn DN về Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020 vừa được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 1614/QĐ-BTC (ngày 19/7/2016).

Ông Kim Long Biên, Vụ phó Ban Cải cách hiện đại hoá hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, qua ý kiến đánh giá của doanh nghiệp, cơ quan hải quan sẽ tổng hợp, phân loại xác định những vấn đề doanh nghiệp quan tâm để đưa ra thảo luận nhằm tạo ra sự tương tác hai chiều.



Theo Thời báo Kinh doanh

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm