Thông tư 29/2024 có hiệu lực từ hôm nay (14/2): Giáo viên còn được dạy thêm ngoài nhà trường không?
Từ hôm nay (14/2/2025), Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức có hiệu lực, đánh dấu một bước thay đổi quan trọng trong việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên cả nước.
Dạy thêm, học thêm trong trường học: Nói không với thu phí
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Thông tư 29 là quy định cấm thu tiền học thêm trong trường học. Theo đó, giáo viên không được tổ chức dạy thêm có thu phí đối với học sinh mà họ đang giảng dạy chính khóa. Điều này nhằm chấm dứt tình trạng giáo viên ép buộc học sinh đi học thêm dưới hình thức "tự nguyện", vốn đã tồn tại hàng chục năm qua và gây nhiều bức xúc trong phụ huynh.

Thông tư cũng nhấn mạnh ba trường hợp không được tổ chức dạy thêm, bao gồm:
Không tổ chức dạy thêm cho học sinh tiểu học, trừ các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và kỹ năng sống.
Giáo viên dạy chính khóa không được dạy thêm có thu tiền cho học sinh do mình phụ trách, dù trong hay ngoài nhà trường.
Giáo viên trường công lập không được phép tham gia quản lý, điều hành các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia giảng dạy nếu đáp ứng các yêu cầu theo quy định.
Dạy thêm ngoài nhà trường: Phải đăng ký kinh doanh và báo cáo với hiệu trưởng
Bên cạnh các quy định về dạy thêm trong trường học, Thông tư 29 cũng đặt ra những yêu cầu chặt chẽ đối với các hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường. Theo đó, các tổ chức, cá nhân muốn mở lớp dạy thêm có thu phí bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, những giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục nếu muốn dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức và thời gian dạy thêm.
Đây được xem là một biện pháp kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng dạy thêm tràn lan, giúp minh bạch hóa hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, mục tiêu của Thông tư 29 là loại bỏ hoàn toàn việc dạy thêm trong nhà trường có thu tiền, đồng thời chấm dứt hiện tượng giáo viên gây áp lực khiến học sinh phải tham gia các lớp học thêm không cần thiết. Ông nhấn mạnh rằng, tinh thần cốt lõi của Thông tư 29 chính là hướng tới một nền giáo dục vì học sinh, vì giá trị thực chất và vì sự tôn nghiêm của nhà giáo.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, để hỗ trợ giáo viên và đảm bảo chất lượng học tập của học sinh cuối cấp, Bộ đã đề xuất Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cấp kinh phí hỗ trợ cho các trường trong việc tổ chức ôn tập miễn phí. Đây là một bước đi quan trọng nhằm đảm bảo học sinh yếu kém được phụ đạo, học sinh giỏi được bồi dưỡng, nhưng không phải trả phí.
Tác động của Thông tư 29: Các trường dừng dạy thêm
Ngay từ sau Tết Nguyên đán 2025, nhiều trường học trên cả nước đã chủ động triển khai các biện pháp thực hiện Thông tư 29. Theo ghi nhận, hàng loạt trường trung học phổ thông và trung học cơ sở đã chấm dứt các lớp dạy thêm trong trường học có thu phí, đồng thời điều chỉnh kế hoạch giảng dạy để hỗ trợ học sinh ngay trong giờ học chính khóa.
Một số phụ huynh bày tỏ sự đồng tình với quyết định này. Chị Nguyễn Thanh Hương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Trước đây, con tôi phải đi học thêm rất nhiều, dù có muốn hay không vì sợ bị thiệt thòi so với các bạn. Nay Bộ Giáo dục có quy định rõ ràng như vậy, tôi rất ủng hộ vì giúp giảm áp lực tài chính cho gia đình và đảm bảo sự công bằng trong giáo dục."
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về việc học sinh cuối cấp sẽ gặp khó khăn khi không còn các lớp ôn tập thêm trong trường. Một giáo viên tại TP.HCM chia sẻ: "Chương trình học hiện nay rất nặng, đặc biệt là với học sinh lớp 9 và lớp 12. Nếu không có các lớp ôn luyện ngoài giờ, các em có thể gặp khó khăn trong việc hệ thống kiến thức để thi chuyển cấp và đại học."
Trước những lo ngại này, Bộ GD&ĐT khẳng định, các trường có thể tổ chức phụ đạo và bồi dưỡng học sinh miễn phí trong giờ học chính khóa hoặc từ nguồn ngân sách hỗ trợ từ địa phương. Điều quan trọng là không để tình trạng học sinh bị ép buộc đi học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.
Việc Thông tư 29 chính thức có hiệu lực đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục và giảm bớt gánh nặng học thêm cho học sinh. Đây được xem là giải pháp để xây dựng môi trường học đường lành mạnh, đảm bảo học sinh được học tập công bằng và hiệu quả.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt chủ trương này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh và cơ quan quản lý giáo dục. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng dạy thêm biến tướng dưới nhiều hình thức khác.
Trong thời gian tới, hiệu quả thực tế của Thông tư 29 sẽ là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm. Liệu quy định này có giúp giảm tình trạng học thêm tràn lan như mong muốn hay không, vẫn cần thời gian để kiểm chứng.