Thống kê thú vị về thị trường chứng khoán Việt Nam sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Thống kê 15 năm lịch sử cho thấy, chứng khoán Việt Nam thường tăng trước kỳ nghỉ lễ 30/4–1/5 nhưng dễ điều chỉnh mạnh sau kỳ nghỉ. Nhà đầu tư cần hiểu rõ quy luật tâm lý tháng 5 để xây dựng chiến lược giao dịch hiệu quả, tránh cú sốc bất ngờ và đón đầu cơ hội tích lũy khi thị trường rung lắc.
Liệu thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng hay đối mặt với những cú sụt giảm sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5? Nhìn lại 15 năm dữ liệu lịch sử chứng khoán Việt cho thấy những quy luật tâm lý đặc biệt mà nếu nắm bắt, nhà đầu tư có thể đón đầu cơ hội và tránh được những cú trượt ngã trong tháng 5 đầy biến động.

Trong một phân tích mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseco) với tiêu đề: "Hiệu ứng Nghỉ lễ 30/4-1/5 trên thị trường chứng khoán Việt Nam" chỉ ra rằng, khi thị trường chứng khoán thế giới biến động mạnh, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của Việt Nam trở thành điểm tựa tâm lý không nhỏ đối với nhà đầu tư. Nhưng lịch sử cho thấy, sự lạc quan trước nghỉ lễ thường nhường chỗ cho thận trọng sau kỳ nghỉ.
Phân tích dữ liệu VN-Index trong suốt 15 năm qua (2010-2024) cho thấy những xu hướng lặp lại đầy ý nghĩa, giúp nhà đầu tư xây dựng chiến lược giao dịch hiệu quả hơn cho tháng 5 đầy biến động.
Bức tranh tươi sáng trước kỳ nghỉ
Trong giai đoạn tuần giao dịch cuối tháng 4, VN-Index có xu hướng tăng điểm rõ rệt với tỷ lệ 80% (12/15 năm) ghi nhận mức tăng bình quân 1,01%. Các phiên tăng điểm đạt hiệu suất trung bình +1,72%, đặc biệt năm 2011 đã chứng kiến đà tăng đột biến +5,17%. Tuy nhiên, mỗi khi giảm, mức giảm trung bình đạt -1,8%, cho thấy tính biến động vẫn rất lớn.

Phiên giao dịch cuối trước nghỉ lễ càng củng cố xu hướng lạc quan, khi 87% (13/15 năm) đóng cửa trong sắc xanh với tỷ suất bình quân +0,57%. Đợi biến thấp, không có năm nào ghi nhận đột biến và mức tăng cao nhất là +1,52% (năm 2011). Tuy nhiên, thanh khoản trong những ngày cuối tháng 4 thường giảm so với trung bình tháng, phản ánh sự thận trọng nhất định của nhà đầu tư.
Màu xám bao phủ sau nghỉ lễ
Sau những ngày nghỉ dài, tâm lý thẩn trọng lên ngôi. Phiên giao dịch đầu tháng 5 (T+1) thường giảm nhẹ với tỷ suất trung bình -0,49%, số lần tăng chiếm chỉ 40% (6/15 năm). Mức giảm mạnh nhất ghi nhận -3,08% (năm 2015), nhưng cũng không gây nỗi hoảng loạn quy mô.

Trong tuần giao dịch đầu tiên tháng 5 (T+5), xu hướng tăng nhẹ lại chiếm ưu thế với 67% số lần tăng điểm, tỷ suất bình quân +0,17%. Tuy nhiên, khi thị trường giảm, biến động thường rất mạnh, như năm 2014 (-6,15%) hay năm 2022 (-5,36%).
Tổng thể, trong hai tuần đầu tháng 5 (T+10), xu hướng giảm rõ rệt với tỷ suất trung bình -0,82%, trong đó năm 2022 gây chấn động với mức giảm lên đến -10,13%.
Tháng 5 nhìn chung ghi nhận hiệu suất giảm nhẹ (-0,18%). Mặc dù các năm tăng điểm thường ghi nhận mức tăng cao (+5,41%), nhưng các năm giảm điểm lại giảm mạnh hơn (-6,57%), cho thấy mức độ biến động không hề kém phần kịch tính.
Chiến lược giao dịch thông minh trong tháng 5
Trong nhóm 200 cổ phiếu vốn hóa lớn, Agriseco chọn ra 20 cổ phiếu có tỷ suất bình quân lịch sử sau nghỉ lễ khá tốt dựa trên dữ liệu thống kê hiệu suất từ năm 2010 – 2024, tập trung vào bốn mốc thời gian: T+1, T+5, T+10, T+20 (tương ứng với phiên giao dịch đầu tiên, tuần giao dịch đầu tiên, hai tuần giao dịch đầu tiên và tháng đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5). Cụ thể:
Điều kiện về hiệu suất giá: Cổ phiếu phải có ít nhất 2/4 mốc thời gian (T+1, T+5, T+10, T+20) ghi nhận hiệu suất dương (tăng giá) sau kỳ nghỉ lễ.
Điều kiện về số lần tăng giá: Cổ phiếu phải có ít nhất 1 mốc trong 4 mốc kể trên có tỷ lệ số lần tăng giá đạt từ 60% trở lên.

Tổ hợp hai điều kiện trên giúp loại bỏ các cổ phiếu có hiệu suất tăng nhất thời hoặc thiếu tính ổn định, đồng thời tập trung vào các mã chứng khoán có xu hướng tăng giá đều đặn với số liệu thống kê ủng hộ.

Diễn biến giá cổ phiếu có tính phân hóa rõ rệt theo từng giai đoạn trong tháng 5.
Từ T+1 đến T+10, xu hướng ngắn hạn của phần lớn các cổ phiếu không ổn định, thể hiện qua: Tỷ lệ số lần tăng giá ở mốc T+1 và T+5 chỉ dao động quanh 20%–53%; 13/20 cổ phiếu trong phạm vi nghiên cứu ghi nhận hiệu suất âm tại T+1 cho thấy áp lực chốt lời hoặc tâm lý thận trọng đầu tháng thường chiếm ưu thế.
Từ T+10 đến T+20, xu hướng hồi phục rõ ràng hơn khi hiệu suất trung bình có tín hiệu cải thiện.
Theo đó, Agriseco gợi ý chiến lược giao dịch đề xuất:
.jpg)
Kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 mở ra những quy luật tâm lý giao dịch đặc biệt trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiểu được những dấu vết lịch sử này sẽ giúc nhà đầu tư không bị bất ngờ trước những dao động và biết cách để chủ động xây dựng chiến lược giao dịch hiệu quả trong tháng 5 biến động.