Báo cáo - Phân tích

Thời điểm quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam thể hiện khả năng thích ứng và chủ động chiến lược

Nguyễn Đăng 04/04/2025 10:12

Mức thuế 46% từ Mỹ là thách thức với khối FDI tại Việt Nam, nhưng theo SHS, đây cũng là cơ hội thúc đẩy doanh nghiệp tái cấu trúc và mở rộng thị trường.

Chính sách thuế quan mới từ Mỹ áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia đang tạo ra những biến động đáng kể trong thương mại toàn cầu. Với mức thuế lên tới 46% dành cho hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ là nhóm chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), bên cạnh thách thức, đây cũng là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam thể hiện khả năng thích ứng và chủ động chiến lược.

screenshot_1743729222.jpeg
Những ngành có thặng dư lớn nhất từ Việt Nam

Mức thuế 46% được xác lập dựa trên mô hình "thuế có đi có lại" của Nhà Trắng nhằm cân bằng thương mại song phương. Trong trường hợp Việt Nam, dữ liệu cho thấy Mỹ nhập siêu khoảng 123,5 tỷ USD. Theo mô hình, mức thuế lý thuyết lên tới hơn 90%, nhưng đã được điều chỉnh về 46% nhằm đảm bảo khả thi và tạo dư địa cho hợp tác tiếp theo. SHS nhận định đây là tín hiệu cho thấy Mỹ vẫn ưu tiên yếu tố ổn định và không đóng cánh cửa đàm phán thương mại.

Báo cáo chỉ ra rằng các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam – như điện tử, dệt may, nội thất, máy móc, giày dép – chủ yếu đến từ khối FDI, vốn đang đóng góp khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy mức thuế mới sẽ có tác động nhất định, tuy nhiên cũng khơi dậy nhu cầu rà soát lại chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Không phải mọi mặt hàng đều nằm trong diện chịu thuế. SHS nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn duy trì một loạt ngoại lệ đáng chú ý, bao gồm các sản phẩm năng lượng, khoáng sản chiến lược, dược phẩm nhân đạo và những mặt hàng đã bị áp thuế theo luật khác từ trước. Điều này giúp duy trì luồng thương mại trong một số lĩnh vực và mở ra khả năng tận dụng các nhóm sản phẩm đặc thù để giữ thị phần.

Chính sách mới sẽ được triển khai theo hai mốc thời gian: Từ ngày 5/4/2025, mức thuế cơ bản 10% được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu. Từ ngày 9/4/2025, các mức thuế theo từng quốc gia bắt đầu có hiệu lực, trong đó Việt Nam áp dụng mức 46%. Tuy nhiên, SHS cho rằng việc thực thi có thể được điều chỉnh linh hoạt theo hướng dẫn chi tiết từ USTR và Bộ Thương mại Mỹ, bao gồm danh mục mã hàng, quy trình miễn trừ, cũng như điều khoản chuyển tiếp.

Báo cáo cũng cho rằng doanh nghiệp lớn với nền tảng quản trị tốt sẽ có lợi thế trong việc thích nghi, nhờ khả năng dịch chuyển đơn hàng, tối ưu chi phí và mở rộng thị trường ngoài Mỹ – đặc biệt là các thị trường FTA mà Việt Nam đã ký kết. Với các doanh nghiệp nhỏ hơn, đây là thời điểm để tăng cường liên kết chuỗi và nâng cao năng lực nội tại.

SHS kết luận rằng, dù mức thuế cao là thách thức đáng kể, nhưng với sự chủ động trong chiến lược, khả năng điều phối chính sách từ phía Việt Nam, cùng với các kênh hợp tác thương mại vẫn đang mở, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển thách thức thành động lực đổi mới và bứt phá trong giai đoạn tới.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Thời điểm quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam thể hiện khả năng thích ứng và chủ động chiến lược
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO