Nhận diện cơ hội

Thoái vốn Nhà nước: Cơ hội ‘vàng’ cho nhà đầu tư khi SCIC buông tay nhiều ‘ông lớn’ sàn chứng khoán

Đức Anh 29/04/2025 07:38

Thoái vốn Nhà nước từ lâu đã được coi là tín hiệu làm mới dòng vốn doanh nghiệp. Trong đợt công bố mới đây của SCIC với loạt 'ông lớn' góp mặt như FPT, Domesco, HND, QTP... đã mang đến cơ hội săn tìm cổ phiếu chất lượng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, sóng đầu tư theo thông tin thoái vốn luôn hấp dẫn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn.

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 1/2025 gồm 31 doanh nghiệp. Trong danh sách này, nhiều tên tuổi lớn trên sàn chứng khoán đã góp mặt như FPT, Domesco (DMC), Nhiệt điện Hải Phòng (HND), Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP)...

Đáng chú ý nhất trong danh sách là thương vụ SCIC dự kiến thoái toàn bộ 5,7% vốn tại FPT. Tạm tính theo thị giá hiện tại, giá trị thương vụ này lên đến hơn 9.000 tỷ đồng. Nếu giao dịch thành công, SCIC sẽ không còn là cổ đông của FPT, chấm dứt nhiều năm liên tiếp đặt kế hoạch nhưng chưa thoái được.

sc.jpg
Thương vụ đáng chú ý nhất trong danh sách này là việc SCIC dự kiến thoái toàn bộ 5,7% vốn tại FPT

Nổi bật hơn, SCIC đã gặt hái lợi nhuận trước thuế hơn 12.700 tỷ đồng trong năm 2024, gấp 2,2 lần năm trước và đánh dấu mốc lợi nhuận cao nhất trong lịch sử. Kết quả này đã góp phần hoàn thành vượt kế hoạch 5/6 chỉ tiêu chiến lược giai đoạn 2021-2025, bao gồm doanh thu, lợi nhuận, nộp NSNN, ROE và ROA.

Danh mục đầu tư hiện tại của SCIC bao gồm 110 doanh nghiệp, giá trị theo sổ sách là 53.401 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 183.157 tỷ đồng, với giá trị thị trường xấp xỉ 8 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp nổi bật trong danh mục này bao gồm FPT, Vinamilk, Sabeco, Vietnam Airlines, Dược Hậu Giang, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong...

Vai trò là cổ đông lớn, SCIC đã tham gia xây dựng phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, đổi mới quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp như Vinamilk, FPT, Sabeco, Traphaco, Dược Hậu Giang... đã ghi nhận tăng trưởng kinh doanh vượt bậc trong năm 2024.

Mặt khác, SCIC cũng tích cực xử lý các tồn tại tài chính, chỉnh đốn hoạt động tài chính và tái cấu trúc dòng tiền cho doanh nghiệp nhận bàn giao. Các doanh nghiệp này đã dần bốn ổn định và vượt qua khó khăn.

Năm 2024, SCIC cũng tăng tốc đầu tư với quy mô lớn, bao gồm giái ngân gần 500 tỷ đồng mua cổ phần phát hành riêng lẻ tại Ngân hàng Quân Đội (MBB) và nghiên cứu đầu tư 5.000 tỷ đồng vào BIDV, thúc đẩy hợp tác đầu tư dự án cảng Cái Mếp (Vũng Tàu).

Nhìn về kế hoạch 2025, SCIC đặt mục tiêu doanh thu 11.987 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.252 tỷ đồng và nộp NSNN 9.230 tỷ đồng, đồng thời dự kiến giái ngân đầu tư 18.920 tỷ đồng.

Với Chiến lược phát triển 2026-2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, SCIC sẽ tập trung nguồn lực đẩy mạnh đầu tư kinh doanh vốn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, có tác động dẫn dắt nền kinh tế.

Nhà đầu tư cần lưu ý gì khi "bắt sóng" cổ phiếu thoái vốn?

Thông tin về việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp luôn tạo ra những làn sóng đầu tư sôi động trên thị trường chứng khoán. Những “câu chuyện” bán vốn không chỉ thu hút sự chú ý mạnh mẽ của giới đầu tư mà còn thường kéo theo những nhịp tăng giá ấn tượng của các cổ phiếu liên quan.

Nhìn lại lịch sử, không khó để thấy rằng mỗi đợt thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn đều gắn liền với những đợt tăng nóng đáng kể. Đơn cử, khi xuất hiện thông tin thoái vốn tại Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) hay Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB), giá cổ phiếu từng bứt phá tới 50–60%. Tuy nhiên, kịch bản quen thuộc cũng nhanh chóng lặp lại, cổ phiếu bước vào giai đoạn điều chỉnh sâu sau khi quá trình thoái vốn hoàn tất.

Câu chuyện của SAB là ví dụ điển hình. Sau khi Bộ Công Thương bán thành công 53,59% vốn điều lệ vào tháng 12/2017, giá cổ phiếu SAB đã lao dốc không phanh, từ vùng đỉnh 310.000 đồng/cp xuống chỉ còn 51,200 đồng/cp ở thời điểm hiện tại.

Tương tự, cổ phiếu Nhựa Bình Minh (BMP) cũng ghi nhận mức giảm hơn 56% chỉ sau hai năm kể từ khi SCIC thoái vốn 29,51% vào tháng 3/2018. Với DIC Corp (DIG), sau khi Bộ Xây dựng rút khỏi vị trí cổ đông lớn vào cuối năm 2017, cổ phiếu này cũng trượt dài, mất gần một nửa giá trị trong chưa đầy một năm sau.

Giới phân tích cảnh báo, nhà đầu tư cần đặc biệt thận trọng khi tham gia các cổ phiếu ăn theo “sóng” thoái vốn. Bởi dòng tiền đổ vào nhóm này chủ yếu mang tính đầu cơ, kỳ vọng ngắn hạn. Khi thông tin đã phản ánh vào giá, dòng tiền rút ra, cổ phiếu dễ rơi vào trạng thái “vô lực” và đối mặt với áp lực bán mạnh.

Do vậy, thay vì chạy theo sóng thông tin, nhà đầu tư nên tập trung đánh giá giá trị nội tại và triển vọng thực sự của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc, hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định mới là yếu tố then chốt quyết định giá cổ phiếu trong dài hạn. Đầu tư giá trị, thay vì đầu cơ theo tin tức, vẫn là chiến lược khôn ngoan để bảo vệ vốn và tối ưu hóa lợi nhuận bền vững trên thị trường chứng khoán.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Thoái vốn Nhà nước: Cơ hội ‘vàng’ cho nhà đầu tư khi SCIC buông tay nhiều ‘ông lớn’ sàn chứng khoán
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO