Thị trường vàng trong nước điều chỉnh tăng trái chiều

Cập nhật: 09:12 | 30/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Ghi nhận vào lúc 10h ngày 30/6, giá vàng trong nước tăng giảm trái chiều 20.000 - 50.000 đồng/lượng tại các hệ thống cửa hàng. Trên thị trường thế giới, giá vàng tăng sau khi giảm nhẹ vào phiên trước vì giới đầu tư mắc kẹt giữa triển vọng tăng lãi suất và lo ngại suy thoái kinh tế.

Giá vàng hôm nay 29/6/2022: Chịu nhiều áp lực, vàng vẫn ở ngưỡng an toàn

Vàng SJC điều chỉnh tăng không quá 100.000 đồng/lượng

Giá vàng hôm nay 30/6/2022: Nhiều áp lực, vàng thế giới lao dốc

Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh giá vàng SJC tăng 50.000 đồng/lượng (mua vào) và giảm 50.000 đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, giá mua và giá bán cùng tăng nhẹ 20.000 đồng/lượng tại doanh nghiệp Phú Quý.

Cùng thời điểm khảo sát, vàng SJC đứng yên cho cả hai chiều giao dịch tại Tập đoàn Doji và hệ thống PNJ. Trong sáng hôm nay, giá trần mua vào của vàng miếng SJC ở mốc 68,25 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra của vàng miếng SJC đạt mức 68,87 triệu đồng/lượng.

Vàng nữ trang SJC giảm trong sáng nay. Cụ thể, giá vàng 24K giảm 50.000 đồng/lượng, vàng nữ trang SJC loại 18K giảm 40.000 đồng/lượng và loại 14K giảm 30.000 đồng/lượng cho cả hai chiều giao dịch.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giá vàng thế giới, trong phiên giao dịch sáng ngày 30/6, giá vàng giao ngay tăng 0,06% lên 1.818,9 USD/ounce vào lúc 6h59 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 8 cũng tăng 0,16% lên 1.820,45 USD.

Giá vàng giảm trong phiên giao dịch đầy biến động của ngày thứ Tư (29/6), vì giới đầu tư bị mặc kẹt giữa triển vọng tăng lãi suất và lo ngại suy thoái kinh tế.

Có thời điểm giá tăng tới 0,7% sau khi dữ liệu cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ trong quý I, nhưng đã nhanh chóng quay đầu giảm trở lại và dao động trong quãng hẹp ghi nhận trong những phiên vừa qua.

Vàng, được coi là hàng rào chống lạm phát, thường có lợi trong thời kỳ kinh tế bất ổn, nhưng lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng, theo Reuters.

Trên các thị trường kim loại khác, giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống 20,75 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,4% lên 914,13 USD và giá palladium tăng 4,6% lên 1.960,80 USD.

Với việc các nước G7 đã công bố kế hoạch cấm nhập khẩu vàng của Nga gần đây, nhà phân tích Joni Teves của UBS trong một ghi chú cho biết điều quan trọng là phải xem liệu các cuộc thảo luận (về lệnh cấm) có lấn sang các kim loại quý khác, đặc biệt là palladium.

“Nga chiếm hơn 40% nguồn cung cấp mỏ palladium toàn cầu, trong khi các nước như Mỹ và Nhật Bản có ngành công nghiệp ô tô cần palladium như một nguyên liệu đầu vào cho bộ chuyển đổi xúc tác giúp giảm khí phát thải ở xe chạy xăng", ông nói thêm.

Mỹ "cấm cửa" vàng Nga, thế giới không ảnh hưởng?

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nước này đã ban hành loạt trừng phạt mới đối với Nga do liên quan tới chiến dịch tại Ukraine như cấm nhập khẩu vàng Nga.

Nhà Trắng cho biết, Nga chiếm khoảng 5% tổng lượng vàng xuất khẩu trên thế giới trong năm 2020 và 90% lượng vàng từ Nga là xuất sang các nước G7. Năm 2021, vàng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, đạt 15,5 tỷ USD.

Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Joe Biden viết: "Chúng tôi sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga, một mặt hàng xuất khẩu chính đem về hàng chục tỷ USD cho quốc gia này".

Đồng quan điểm, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho biết, lệnh cấm trên sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế Nga.

Tuy nhiên, theo Reuters, động thái này đang được coi là mang tính biểu tượng, vì xuất khẩu vàng từ Nga sang phương Tây đã giảm mạnh.

Ông Byron King từ Agora Financial cũng đánh giá, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga có thể phản tác dụng khi giá dầu và lương thực tiếp tục tăng.

Theo hãng tin Bloomberg, dự trữ vàng trên toàn cầu đạt khoảng 205.000 tấn và mỗi năm các nhà khai thác có thể bổ sung thêm 3.500 tấn khác. Mỗi năm, khoảng 25% lượng vàng tiêu thụ trên thế giới đến từ việc bán hoặc nấu chảy trang sức, tiền xu.... Con số này có thể tăng lên khi nguy cơ thiếu hụt nguồn cung bổ sung từ các mỏ khai thác gây áp lực lên giá vàng.

Trong khi đó, với một nền kinh tế ngày càng "hướng nội" như Nga thì nhu cầu của người dân trong nước cũng đã đủ để tiêu thụ hết lượng vàng khai thác mỗi năm. Ngân hàng trung ương Nga (RCB) chính là đơn vị duy nhất có thể bán vàng thỏi ra nước ngoài.

Mặt khác, hầu như vàng được sản xuất trong nước đều được RCB thu mua để đề phòng kịch bản Nga bị cô lập hơn nữa khỏi thị trường tài chính quốc tế.

Sản lượng vàng của Moscow vào năm ngoái là 300 tấn, chỉ xếp sau Trung Quốc và Australia và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, đối với thương mại toàn cầu, sản lượng không phải yếu tố quyết định mà là xuất khẩu ròng.

Thặng dư thương mại vàng cộng dồn của Nga trong 10 năm qua lên tới 60,38 tỷ USD nhưng vẫn thấp hơn so với mức 60,65 tỷ USD mà Nhật Bản kiếm được bằng cách bán bớt lượng vàng do tư nhân và nhà nước nắm giữ. Vì vậy, lệnh cấm vận đối với vàng của Nga nhiều khả năng sẽ không làm rung chuyển thị trường.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Linh Linh