Thị trường trống thông tin, đâu là nhóm cổ phiếu nên ưu tiên lúc này?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối mặt áp lực điều chỉnh khi VN-Index không giữ được đà tăng trên vùng kháng cự 1.340 điểm. MBS cảnh báo dòng tiền đang rút lui và khuyến nghị chuyển sang chiến lược phòng thủ, ưu tiên cổ phiếu cơ bản, hưởng lợi từ đầu tư công và yếu tố mùa vụ.
Tuần giao dịch từ 19-23/5 ghi nhận tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index khép tuần tại 1.314,46 điểm, tăng 13,07 điểm tương đương +1% so với tuần trước. Đáng chú ý, có thời điểm chỉ số đã chạm mốc 1.331,93 điểm, tiến sát vùng đỉnh cũ 1.330–1.340 điểm, nhưng sau đó áp lực chốt lời khiến thị trường thoái lui.
Một điểm đáng chú ý là thanh khoản toàn thị trường tuần qua giảm mạnh 6,8%, xuống mức 24.707 tỷ đồng. Riêng phiên cuối tuần, thanh khoản đột ngột giảm gần 30%, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn khi thị trường tiến sát vùng kháng cự mạnh. Tính từ đầu tháng 5, thanh khoản trung bình chỉ đạt 23.523 tỷ đồng – giảm 8% so với tháng 4 và thấp hơn 6,1% cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán MB (MBS), hiện tượng phân phối đã xuất hiện ở một số cổ phiếu vượt đỉnh, đặc biệt là khi chỉ số chạm 1.340 điểm nhưng không giữ được đà tăng.
“Độ rộng thị trường thu hẹp, thanh khoản giảm trong khi chỉ số tăng cho thấy khả năng dòng tiền đang thoái lui dần khỏi mặt bằng giá cao”, báo cáo phân tích nhấn mạnh.
Sau hai tuần mua ròng, khối ngoại đã quay trở lại bán ròng 718 tỷ đồng, chủ yếu ở các mã FPT, MSN và MWG. Tuy nhiên, tính chung từ đầu tháng 5, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 3.385 tỷ đồng, đánh dấu tháng mua ròng đầu tiên kể từ tháng 1/2024, cho thấy dòng vốn nước ngoài vẫn có phần lạc quan với triển vọng trung hạn của thị trường Việt Nam.
Trên góc độ phân tích kỹ thuật, vùng kháng cự 1.320–1.340 điểm tiếp tục là thử thách lớn với VN-Index. Trên biểu đồ tuần, chỉ số thể hiện dấu hiệu "hụt hơi" khi tiếp cận vùng đỉnh. Trong 6 phiên gần đây, VN-Index gần như không ghi nhận tiến triển đáng kể dù thanh khoản vẫn cao.
Theo MBS, khả năng thị trường bứt phá đỉnh là không cao, đặc biệt trong bối cảnh “vùng trống thông tin” đang kéo dài khi mùa báo cáo quý I đã kết thúc và chưa có thông tin hỗ trợ mới từ vĩ mô hoặc kết quả đàm phán thương mại Việt – Mỹ.
MBS khuyến nghị chiến lược giao dịch nên được chuyển sang trạng thái phòng thủ. “Nhà đầu tư cần chú trọng quản trị danh mục, giảm đòn bẩy và giữ tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt ở trạng thái an toàn. Việc lựa chọn cổ phiếu nên tập trung vào những mã có nền tảng cơ bản tốt, được hưởng lợi từ đầu tư công hoặc các yếu tố mùa vụ như điện, logistics và ngân hàng,” báo cáo nêu rõ.
Tại thời điểm cuối tuần, chỉ số P/E trailing của VN-Index ở mức 13,08 lần, thấp hơn đáng kể so với trung bình lịch sử (16,81 lần) và thấp hơn cả mức đầu tháng 4 (14,63 lần). Điều này mở ra cơ hội định giá hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất vẫn đang ở mức thấp và chính sách điều hành vĩ mô ổn định.
Theo kịch bản cơ sở, thị trường có thể điều chỉnh nhẹ về vùng hỗ trợ quanh 1.280 điểm và dao động trong biên độ 1.280–1.320 điểm. Rủi ro giảm sâu hiện không cao khi chỉ số vẫn nằm trên các đường MA quan trọng như MA20, MA50, MA100 và MA200. Tuy nhiên, xu hướng tăng ngắn hạn sẽ chỉ được củng cố nếu dòng tiền quay trở lại một cách thuyết phục.
Trong thời điểm này, việc "chọn mặt gửi vàng" vào những nhóm ngành có câu chuyện hỗ trợ riêng biệt và khả năng duy trì dòng tiền tốt sẽ là chiến lược ưu tiên. Những nhóm cổ phiếu có thể xem xét bao gồm: Ngân hàng, điện – nước, đầu tư công, logistics và bán lẻ thiết yếu.