Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ sôi động trong năm 2021

Cập nhật: 16:05 | 17/02/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo FiinGroup, nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là rất lớn, và kênh huy động qua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn sẽ phát triển mạnh trong năm 2021 và các năm tới đây. Tuy nhiên, quy mô phát hành trong năm 2021 sẽ không lớn như năm 2020 do hoạt động phát hành riêng lẻ sẽ giảm đi và hình thức chào bán ra công chúng sẽ tăng lên đáng kể.

0231-trai-phiyu-doanh-nghiyp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ sôi động trong năm 2021.

(Ảnh minh họa)

Nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp là rất lớn

Báo cáo về Triển vọng Thị trường Trái phiếu Doanh nghiệp Việt Nam 2021 của FiinGroup nhận định, nhu cầu vốn trung và dài hạn có xu hướng tập trung vào các nhóm ngành như Bất động sản, Xây dựng, Điện hay Vật liệu xây dựng khi mức chi đầu tư mới hàng năm của các doanh nghiệp trong nhóm này lớn và khá ổn định.

Với đặc thù những nhóm ngành này thường yêu cầu mức đầu tư lớn và vòng đời dự án tương đối dài, FiinGroup cho rằng nhu cầu vốn trung và dài hạn ở các nhóm ngành này sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian tới.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19, nhu cầu này được tăng mạnh hơn nữa khi rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền hoạt động ngắn hạn trong khi mô hình kinh doanh về dài hạn và vị thế của họ vẫn rất tốt. Do đó, nhu cầu tái cấu trúc nợ sẽ là nhu cầu lớn của kênh trái phiếu doanh nghiệp.

4048-fin-1
(Nguồn: fiingroup.vn)

Trong bối cảnh tiêu chuẩn cho vay đang bị thắt chặt, đặc biệt với các ngành bị hạn chế cấp tín dụng như Bất động sản, BOT giao thông và hạ tầng, và đại đa số các doanh nghiệp đều không có tài sản thế chấp để có thể vay vốn trực tiếp từ ngân hàng, kênh TPDN đã và đang trở thành một kênh huy động vốn thay thế.

Thực tế trong 2 năm gần đây, một số doanh nghiệp lớn như Novaland (NVL), Vinhomes (VHM), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), BĐS An Gia (AGG) và BĐS Thế Kỷ (CRE) đã tích cực chuyển dịch cơ cấu vốn vay từ vốn ngân hàng sang kênh TPDN.

4438-fin-2
(Nguồn: fiingroup.vn)

Theo FiinGroup, với mặt bằng lãi suất đang duy trì ở vùng thấp và khung pháp lý dần hoàn thiện kích thích nhu cầu đầu tư vào thị trường TPDN, thì kênh TPDN sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho chiến lược tái cấu trúc vốn và đa dạng hóa nguồn huy động cho các doanh nghiệp.

Nhu cầu tái cấu trúc nợ do ảnh hưởng bởi Covid-19

FiinGroup nhận định, do dòng tiền trong ngắn hạn của doanh nghiệp bị suy yếu bởi tác động của dịch bệnh, doanh nghiệp cần thêm thời gian và vốn để hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tái cấu trúc nợ.

Sử dụng chỉ số Lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) để đánh giá dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể thấy, ảnh hưởng của Covid-19 đến dòng tiền ngắn hạn của doanh nghiệp là khá lớn, với mức giảm trung bình 26% trong 9 tháng 2020 so với cùng kỳ.

Xét trên mặt bằng chung, khả năng chi trả lãi vay của doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng đáng kể, với mức trung bình 4 lần trong các năm trước xuống chỉ còn 3 lần tại Q3/2020. Doanh nghiệp vẫn cần thêm thời gian để có thể khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng như vốn để tái cấu trúc nợ.

Tuy đã có một số tín hiệu tích cực nhưng vẫn đang có sự phân hóa lớn về khả năng hồi phục giữa các ngành. Có thể thấy, những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Du lịch và Giải trí, Dầu khí, Bất động sản hay Dịch vụ công nghiệp đang phải chịu tác động tiêu cực nhất khi dòng tiền kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.

Đây cũng là những nhóm doanh nghiệp có nhu cầu vốn trung và dài hạn khá lớn để phục vụ đầu tư các dự án đòi hỏi quy mô lớn. FiinGroup cho rằng nhu cầu huy động vốn từ các doanh nghiệp trong các nhóm ngành này sẽ được tăng mạnh hơn nữa dòng tiền ngắn hạn bị ảnh hưởng, trong khi mô hình kinh doanh về dài hạn và vị thế của họ trong ngành vẫn rất tốt.

Môi trường lãi suất thấp sẽ tiếp tục làm tiền đề cho kênh huy động qua TPDN năm 2021

Tín dụng ngân hàng trung và dài hạn khó có dư địa tăng trưởng mạnh để đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp. Do đó, việc tiếp tục tìm kiếm đến nguồn vốn dài hạn từ kênh trái phiếu là điều sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2021.

Trong xu hướng chung nhằm đảm bảo an toàn và sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, mức tăng trưởng tín dụng dự kiến năm 2021 sẽ tiếp tục duy trì ở mức 12-14% như trong 3 năm qua. Theo đó, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn nhiều hơn còn kênh tín dụng trung và dài hạn sẽ hướng đến kênh trái phiếu doanh nghiệp và phát hành trên thị trường cổ phiếu.

Theo FiinGroup, trong bối cảnh nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp rất lớn và thị trường cổ phiếu nhiều biến động, kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ là một sự lựa chọn mang tính chiến lược về vốn của cả các doanh nghiệp niêm yết và các doanh nghiệp chưa niêm yết nói chung.

Hơn nữa, theo số liệu của chúng tôi từ 29 ngân hàng thương mại chiếm 86% dư nợ toàn hệ thống thì cơ cấu dư nợ dài hạn chiếm 31% tương đương 2,2 triệu tỷ VND (khoảng 94 tỷ USD). Với quy mô phát hành mới 429,5 nghìn tỷ VND năm 2020 (khoảng 18,5 tỷ USD) chiếm 19,5% dư nợ dài hạn vào cuối tháng 9-2020, sẽ rất khó để năng lực cho vay dài hạn của các ngân hàng thương mại có thể đáp ứng.

Mặc dù các ngân hàng thay vì đẩy mạnh cho vay dài hạn thì cũng đã gia tăng danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tuy nhiên các quy định mới gần đây của NHNN cũng đã làm hạn chế hoạt động này. Thực tế, tỷ trọng danh mục đầu tư TPDN tại tháng 9/2020 chiếm 7,12% dư nợ cho vay tín dụng của ngân hàng và đang có xu hướng giảm.

5040-fin-5
(Nguồn: fiingroup.vn)

Cùng với đó, mặt bằng lãi suất dự kiến vẫn được duy trì ở mức thấp và sẽ tạo điều kiện cho kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp thuận lợi trong năm 2021.

Lãi suất cho vay hiện đang ở mặt bằng thấp và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2021, đặc biệt là với lãi suất huy động hiện ở mức 5,0- 5,5% cho kỳ hạn dài trên 12 tháng thì kênh đầu tư trái phiếu với lãi suất 8-12% sẽ vẫn thu hút vốn của công chúng nói chung và người gửi tiền nói riêng.

Quy định mới khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn

Nghị định 153/2020 mặc dù gỡ bỏ các điều kiện phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp nhưng lại giới hạn đối tượng mua trái phiếu là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với điều kiện cụ thể. Theo FiinGroup sẽ giảm mức hấp thụ của kênh phát hành riêng lẻ trong ngắn hạn và do đó, ở góc độ “ép cầu” thì hoạt động phát hành riêng lẻ có thể kém sôi động hơn trong năm 2021.

Việc chuẩn hóa về yêu cầu và quy trình cho phát hành ra công chúng sẽ giúp kênh huy động này diễn ra sôi động hơn trong năm 2021 dù các thủ tục và yêu cầu cao hơn về xin phê duyệt, công bố thông tin, và xem xét xếp hạng tín nhiệm độc lập cho nhà phát hành và trái phiếu chào bán.

FiinGroup tin rằng hoạt động của thị trường TPDN năm 2021 vẫn sẽ sôi động, nhưng về quy mô thì sẽ khó đạt được giá trị phát hành như năm 2020 vừa qua. Các hoạt động phát hành riêng lẻ vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn, nhưng các hoạt động phát hành ra công chúng sẽ được chú ý và chiếm tỷ trọng lớn hơn trong thời gian tới, thay vì chỉ chiếm 6,5% tổng giá trị phát hành như trong năm 2020.

5328-fin-9
(Nguồn: fiingroup.vn)

Hoàng Hà