Thị trường thép tháng 5/2021: Ngành thép tiếp tục tăng mạnh

Cập nhật: 15:24 | 24/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), sản lượng thép thô thế giới của 64 quốc gia là 169,5 triệu tấn vào tháng 4/2021, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng 2021, sản xuất thép thô đạt 662,8 triệu tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Bảng giá xe Toyota Vios cuối tháng 6/2021: Hỗ trợ lệ phí trước bạ lên đến 30 triệu đồng

Giá thép hôm nay 24/6/2021: Tiếp tục leo thang

Giá gas hôm nay 24/6/2021: Gas thế giới bật tăng do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh

Thị trường thép thế giới

Sản lượng thép thế giới

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), sản lượng thép thô thế giới của 64 quốc gia là 169,5 triệu tấn vào tháng 4/2021, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng 2021, sản xuất thép thô đạt 662,8 triệu tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, ghi nhận tăng trưởng mạnh về sản lượng trong tháng 4, đạt 97,9 triệu tấn, tăng 13,4% so với tháng 3/2020. Các nước có sản lượng thép thô lớn khác phải kể đến như Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Hàn Quốc,…

Diễn biến giá

Giá thép thế giới đã tăng mạnh từ quý 4/2020, lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2008. Gần đây, giá thép bình quân toàn cầu đã lên mức 883 USD/tấn, so với mức chỉ 582 USD/tấn trong năm ngoái. Giá thép thế giới tăng lên mức cao kỷ lục vào đầu tháng 5 nhưng sau đó quay đầu giảm và hiện đang trên đà hồi phục.

Theo thông tin từ Reuters, giá thép và quặng sắt trên thị trường Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục mọi thời đại vào ngày 12/5/2021, được kích thích bởi kinh tế thế giới hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, nhất là kinh tế Trung Quốc; nguồn cung trên toàn cầu sụt giảm (trong trường hợp quặng sắt) và hoạt động mua đầu cơ tích trữ (trên thị trường Trung Quốc). Tuy nhiên, sau thời điểm đó giá đã quay đầu giảm.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, giá thép ở Trung Quốc rục rịch tăng trở lại, kéo giá quặng sắt tăng theo. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc khó kiểm soát được cơn sốt vật tư, vì nhu cầu tiêu thụ không chỉ tăng ở Trung Quốc mà còn trên toàn cầu khi nền kinh tế thế giới hồi phục từ đại dịch COVID-19. Trong đó, nhu cầu các nguyên vật liệu thô ở Mỹ đang tăng mạnh do những gói kích cầu khổng lồ.

Giá thép tăng cao đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, không riêng gì ở Trung Quốc. Theo trang tin Argus, các nhà máy thép ở Mỹ đã đẩy giá cuộn cán nóng tiến sâu hơn vào vùng trên 1.600 USD/tấn (ST ~ hơn 907 kg), do nhu cầu tiếp tục ở mức cao.

2215-thitruongthep
Ảnh minh họa

Dự báo

Các nhà phân tích của GF Futures nhận định: "Nhu cầu thép thanh từ các lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc đã giảm từ tháng 5 so với tháng 4 bởi chuẩn bị bước vào mùa thấp điểm - mùa mưa". Trong khi đó, triển vọng tiêu thụ thép cuộn cán nóng của Trung Quốc phụ thuộc vào thị trường quốc tế. Do đó, thị trường thép Trung Quốc tháng 6 dự báo sẽ bớt nóng.

Dự báo áp lực tăng giá thép trong tháng 6 giảm bớt bởi lượng tồn trữ tăng trong khi nhu cầu từ lĩnh vực xây dựng chậm lại trong mùa mưa.

Về phía nguyên liệu, dự báo giá quặng sắt ở Trung Quốc trong tháng 6 sẽ dao động từ 186 USD/tấn đến 233 USD/tấn, CFR Trung Quốc.

Theo báo cáo của Fitch, trong dài hạn giá thép toàn cầu sẽ giảm từ mức hiện tại. Nhu cầu sẽ bước vào giai đoạn bình ổn sau khi phục hồi mạnh trong năm 2021. Cùng với đó, sản lượng thép có thể vẫn ở mức cao, dẫn tới giá giảm nhiều trong năm 2022.

“Chúng tôi dự báo giá thép toàn cầu bình quân 600 USD/tấn trong năm 2022 và 535 USD/tấn trong thời gian 2023 - 2025. Tăng trưởng nhu cầu thép sẽ chậm lại ở Trung Quốc và chủ nghĩa bảo hộ thị trường thép gia tăng trên toàn cầu sẽ thúc đẩy sản xuất thép ở những nước bị ảnh hưởng. Sự kết hợp của hai yếu tố này sẽ giúp thị trường thép nới lỏng và kéo giá giảm trong trung hạn”, báo cáo nhận định.

Thị trường thép Việt Nam

Sản lượng và tiêu thụ thép Việt Nam

Theo số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước 5 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt hơn 13,4 triệu tấn, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2020; bán hàng thép các loại đạt hơn 11,9 triệu tấn, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu thép các loại đạt hơn 2,8 triệu tấn, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng trong tháng 5, sản xuất thép các loại đạt 2.919.269 tấn, tăng 3,53% so với tháng trước và tăng 40% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng thép các loại đạt 2.475.826 tấn, giảm 8,42% so với tháng 4/2021, nhưng tăng 30,8% so với cùng kỳ 2020; Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 630.551 tấn, tăng 18,04% so với tháng trước và gấp 3,4 lần so với cùng kỳ tháng 4/2020.

Sản xuất thép thô đạt 1.784.437 tấn, giảm 0,9% so với tháng trước, nhưng tăng 36,6% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thép thô đạt 1.843.956 tấn, giảm 7% so với tháng trước nhưng tăng 36,6% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu thép thô là 166.153 tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ 2020.

Sản lượng sản xuất và bán hàng thép xây dựng tháng 5/2021 tiếp tục duy trì ở mức sản lượng cao trong vòng 5 năm trở lại đây đạt 1.073.011 tấn, tăng nhẹ 4,84% so với tháng 4/2021 nhưng và tăng 18,4% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng đạt 954.318 tấn, giảm 19,07% so với tháng trước nhưng tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Luỹ kế 5 tháng đầu năm, sản xuất thép xây dựng đạt 4.778.532 tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ 2020.

Tồn kho thời điểm 31/5/2021 là 706.775tấn. Đây là mức tồn kho tương đối thấp so mức tồn kho trung bình trong những năm gần đây, để gối đầu tiêu thụ các tháng tiếp theo.

Sản xuất thép cuộn cán nóng tháng 5 đạt 602.132 tấn, tăng 3,53% so với tháng 4/2021 và tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020; Bán hàng đạt 616.012 tấn, giảm 1,85% so với tháng trước và tăng 2,21 lần so với cùng kỳ 2020.

Luỹ kế 5 tháng đầu năm, sản xuất thép cuộn cán nóng đạt 2.893.230 tấn, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ.

2306-thitruongthep1
Ảnh minh họa

Diễn biến giá nguyên liệu

Giá quặng sắt (loại 62%Fe) 7/6/2021 giao dịch ở mức 202,6- 203,1 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm nhẹ 8-9 USD/Tấn so với thời điểm 7/5/2021.

Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia (giá FOB) ngày ngày 7/6/2021 (Premium Hard coking coal) khoảng 167 USD/tấn, tăng mạnh 58 USD so với đầu tháng 5/2021, trong khi đó giá cốc tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng cao.

Thép phế liệu: Giá thép phế HMS ½ 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 508 USD/tấn CFR Đông Á ngày 2/6/2021. Mức giá này tăng 38 USD/tấn so với hồi đầu tháng 452021. Giá thép phế chào bán tại các thị trường Mỹ, Châu Âu và Đông Nam Á có xu hướng tăng nhẹ.

Điện cực graphite loại 600mm UHP công suất cực cao hiện được đánh giá ở mức 4.100 USD/tấn và của loại 450mm HP được đánh giá ở mức 3.200 USD /tấn.

Tình hình xuất nhập khẩu, tồn kho

a. Nhập khẩu

Theo số liệu của VSA, nhập khẩu thép về Việt Nam trong tháng 4/2021, đạt 1,34 triệu tấn với kim ngạch 1,08 tỷ USD, giảm 5,81% về lượng nhưng tăng nhẹ 0,58% về trị giá so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước tăng lần lượt là 17,7% về lượng và 52,15% về giá trị. 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thép về Việt Nam là 5,02 triệu tấn với trị giá trên 3,73 tỷ USD, tăng lần lượt 12,84% về lượng và 37,32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 4 tháng năm 2021, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc là hơn 2,62 triệu tấn, với trị giá nhập khẩu hơn 1,82 tỷ USD, chiếm 52,33% tổng lượng thép nhập khẩu và 49,01% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Các quốc gia tiếp theo cung cấp thép cho Việt Nam là Nhật Bản (13,32%), Hàn Quốc (13,06%), Đài Loan (8,24%), ...

b. Xuất khẩu

Tháng 4/2021, xuất khẩu thép của Việt Nam đạt hơn 1,02 triệu tấn, giảm 17,04% so với tháng trước, nhưng tăng 75,22% so với cùng kỳ năm 2020 về sản lượng xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu đạt hơn 769 triệu USD giảm 14,39% so với tháng 3/2021 nhưng tăng 142% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu thép đạt 3,9 triệu tấn, với trị giá đạt 2,79 tỷ USD đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc…

Xuất khẩu thép sang ASEAN, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt 1,49 triệu tấn, tương đương với trị giá 1,04 triệu USD, tăng nhẹ 4,19% về lượng xuất khẩu và tăng 35,05% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc đạt 893,45 ngàn tấn tương đương với trị giá 488,9 triệu USD, tăng 86,4% về lượng và tăng 149,6% về trị giá so với cùng kỳ 2020, chiếm 17,51% tỷ trọng xuất khẩu thép 4 tháng năm 2021 của Việt Nam.

Dự báo

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…

Với dự báo giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước. Cán cân thương mại đối với sản phẩm thép sẽ tiếp tục bị thâm hụt trong năm 2021 (trong năm 2020 thâm hụt hơn 6,4 tỷ USD).

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm