Thị trường sắp có thêm 1 kênh 'bơm tiền' mới?

Cập nhật: 10:55 | 05/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Chỉ gần một tháng nữa thị trường sẽ có thêm một kênh “bơm tiền” mới với sự tham gia của các ngân hàng thương mại.

Được biết, Thông tư 107/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/4 tới. Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP) từ nguồn ngân quỹ Nhà nước (NQNN) tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Hàng quý, Bộ Tài chính phê duyệt hạn mức sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn TPCP, KBNN sẽ thông báo tổng hạn mức giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP trong quý cụ thể.

Kỳ hạn mua lại TPCP của KBNN bao gồm: kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng. KBNN căn cứ tình hình thị trường, quyết định kỳ hạn mua lại cụ thể đối với từng giao dịch, phù hợp với phương án điều hành NQNN đã được Bộ Tài chính phê duyệt hàng quý.

Với hướng trên, thị trường mà cụ thể là hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ có thêm một kênh "bơm tiền" mới ngắn hạn, qua bán lại có kỳ hạn TPCP cho KBNN để lấy vốn ngắn hạn khi cần.

Thông tư cũng nêu rõ, đối tượng tham gia kênh này là các NHTM đủ điều kiện.

Cụ thể, KBNN sẽ lựa chọn đối tác giao dịch là các NHTM để giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP đáp ứng đồng thời các tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là phải có trong danh sách các NHTM được xếp hạng theo mức độ an toàn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp cho Bộ Tài chính (KBNN) hàng năm theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 24/2016/NĐ-CP.

Theo điều khoản trên của Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ cung cấp thông tin kịp thời cho Bộ Tài chính về xếp hạng các tổ chức tín dụng hàng năm theo mức độ an toàn.

Tính đến 31/12/2020, Việt Nam có 4 NHTM nhà nước gồm Agribank và 03 NHTM mua lại bắt buộc (GP Bank, OceanBank và CB); 31 NHTM cổ phần trong nước; 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Tính chung có 35 NHTM trong nước.

Với quy định trên, mức độ an toàn của 35 NHTM này được xếp hạng, KBNN căn cứ vào đó để xét thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, bảng xếp hạng này hàng năm vẫn là ẩn số đối với thị trường nói chung, cũng như trong việc tham gia kênh "bơm tiền" nói trên.

Hiện hệ thống các NHTM Việt Nam có nhóm thuộc diện yếu kém vẫn đang phải thực hiện cơ cấu lại, có trường hợp được kiểm soát đặc biệt, cùng các thành viên bình thường.

Trong một báo cáo gửi Quốc hội cuối năm 2020, Ngân hàng Nhà nước cho biết, để phục vụ công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, an ninh tiền tệ trong hoạt động ngân hàng, định kỳ hàng năm, cơ quan này tiến hành đánh giá, xếp hạng các tổ chức tín dụng (TCTD) dựa trên 6 tiêu chí theo mô hình CAMELS.

Trên cơ sở kết quả xếp hạng, Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp quản lý phù hợp với tình hình hoạt động và sự lành mạnh của từng TCTD như: Xem xét, đánh giá về mức độ an toàn, lành mạnh của các TCTD; Kịp thời xác định các TCTD tiềm ẩn nguy cơ rủi ro; qua đó có các biện pháp ngăn chặn như: cảnh báo sớm tới các TCTD; yêu cầu TCTD xây dựng và thực hiện các phương án khắc phục; đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt…

6 tiêu chí mà Ngân hàng Nhà nước đánh giá, xếp hạng gồm: Vốn (trọng số 20%), Chất lượng tài sản (trọng số 30%), Quản trị điều hành (trọng số 10%), Kết quả hoạt động kinh doanh (trọng số 20%), Khả năng thanh khoản (trọng số 15%), Mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường (trọng số 5%).

"Mô hình xếp hạng CAMELS dựa trên kết quả thanh tra tại chỗ kết hợp với phân tích các tỷ lệ trên báo cáo tài chính nhằm đánh giá và phân loại tình hình tổng thể về sức khỏe của một ngân hàng", Ngân hàng Nhà nước cho biết, và như trên, chất lượng tài sản là tiêu chí quan trọng nhất (với trọng số lớn nhất là 30%).

Anh Khôi