Thị trường phân bón thật giả lẫn lộn, người nông dân ứng phó bằng cách nào?

Cập nhật: 11:05 | 16/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm môi trường, mà còn gây thiệt hại nặng nề đến đời sống kinh tế của người nông dân.

Thương mại Việt Nam: Xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ

Bùng nổ mua sắm online, thương mại điện tử 'lên ngôi'

Năm 2023, nhu cầu dầu thế giới có thể sẽ tăng trưởng chậm lại do áp lực lạm phát

Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói, người nông dân đang trong tình cảnh "một cổ hai tròng", nghĩa là vừa phải chịu tác động từ việc giá phân bón tăng cao, vừa phải đối mặt với nạn phân bón giả. Vậy làm cách nào để phân biệt phân bón giả, phân bón kém chất lượng? Đây là câu hỏi chung của nông dân cả nước.

Theo chia sẻ của một người dân ở xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội cho biết, thị trường phân bón bát nháo cộng với giá cả tăng cao khiến những hộ gia đình làm nông nghiệp đã vất vả lại càng thêm khó khăn.

3529-phanbon1

Với hơn 1 mẫu ruộng lúa, chi phí phân bón mỗi vụ trước đây khoảng hơn 1 triệu đồng nhưng nay đã tăng lên hơn 2 triệu đồng/vụ, chưa kể các chi phí tiền giống, thuốc bảo vệ thực vật, công cày bừa, gặt. Công sức bỏ ra suốt 3 - 4 tháng trời, tiền thu về sau khi trừ các chi phí cũng không còn được bao nhiêu.

Băn khoăn về việc phân biệt phân bón thật, giả, kém chất lượng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) Nguyễn Hà Tuyển cho hay, với hàng trăm loại bao bì và nhãn mác phân bón đang bày bán trên thị trường, các đại lý rất khó phân biệt vì đều có in logo thương hiệu, hàm lượng nhưng về chất lượng thực tế thì người dân không thể biết được.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, có nhiều cách để nhận biết, phân biệt giữa phân bón giả với phân bón thật, tùy theo loại phân bón.

Cụ thể, đối với phân Kali clorua (KCl) thông thường chứa 60% K2O, đây là loại phân chứa Kali phổ biến nhất, cũng là loại phân phải nhập khẩu 100%.

Trên thị trường hiện có các loại phân NKS, KNS, NPK… được một số nhà sản xuất cố tình làm rất giống phân Kali clorua về mặt hình thức, nhất là màu đỏ đặc trưng của Kali, nhưng thực chất chỉ có từ 10-30 % là Oxit Kali, còn lại là phân SA, muối ăn, phẩm màu, bột sét đỏ. Do đó, khi mua hàng mà trên bao bì không ghi hàm lượng K2O chiếm 60% thì đều là hàng giả, hàng nhái.

Đối với phân Kali sunfat (K2SO4) chứa 50% K2O, quan sát bằng mắt thường có màu trắng, ở dạng hạt nhỏ hoặc bột, cũng là loại phân phải nhập khẩu, số lượng dùng không phổ biến, dễ bị làm giả khi trộn lẫn với bột đá vôi hoặc bột vôi sống, bột đất sét trắng.

Cách phân biệt: cho 7-10 gam phân vào cốc nước trong. Nếu là phân Kali sunfat thật, phân sẽ tan hết trong nước, dung dịch có màu trong suốt. Nếu là phân giả, có thể không tan hết, để lại cặn lắng (bột đá) hoặc dung dịch vẩn đục do huyền phù của vôi hoặc sét trắng.

Đối với phân Urê, trên thị trường hiện nay có hai loại phân Urê chính là loại hạt trong và hạt đục, cả hai loại đều có công thức hóa học và hàm lượng nitơ như nhau, tối thiểu là 46%. Phân Urê hạt trong: là loại phổ biến nhất, phân rất dễ tan, có màu trắng trong, dạng hạt tròn. Đây là loại phân rất khó làm giả, tuy nhiên đã xuất hiện loại kém chất lượng bằng cách trộn phân SA vào phân Urê theo một tỷ lệ nhất định do phân SA rẻ hơn phân Urê.

3526-phanbon
Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Long kiểm tra một cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có dấu hiệu sai phạm (Ảnh: Thanh Thảo)

Đặc điểm để nhận biết là phân Urê thật chỉ có dạng hạt tròn, còn nếu có lẫn phân SA thì các hạt phân SA có dạng tinh thể, nhiều góc cạnh. Hiện nay nước ta có 2 nhà máy sản xuất Urê hạt trong là Đạm Hà Bắc và Đạm Phú Mỹ, còn lại là Urê nhập khẩu.

Do đó, phân Urê của các cơ sở sản xuất khác ở trong nước đều là hàng giả, kém chất lượng. Vì vậy, bà con nông dân nên chọn mua 2 loại Urê Hà Bắc và Phú Mỹ, hoặc Urê trên bao bì có ghi rõ ràng nguồn gốc nhập khẩu.

Đồng hành cùng nông dân, nhiều năm qua, Hội Nông dân TP Hà Nội thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương phát hiện phân bón giả, kém chất lượng. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng khuyến cáo hội viên nông dân nên tìm mua sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Đặc biệt, không sử dụng hàng hóa trôi nổi để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro cho người nông dân, theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nôi Dương Thị Hằng, thời gian tới, ngành nông nghiệp cũng cần tiếp tục đưa ra những giải pháp thiết thực hơn để "triệt phần gốc, thay vì triệt phần ngọn" như hiện nay. Cụ thể, có các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân tiết kiệm triệt để chi phí sản xuất, sử dụng phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật; phổ biến cách phân biệt phân bón thật - giả.

Đưa ra khuyến nghị với nông dân, GS.TS Nguyễn Lân Hùng cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng là chưa đủ, người nông dân cần được nâng cao nhận thức để sử dụng có trách nhiệm các loại vật tư nông nghiệp.

Khi bón phân hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên để lại bao bì, nhãn mác, để khi xảy ra sự cố có bằng chứng, vật chứng rõ ràng; đồng thời, liên hệ ngay với lực lượng chức năng nếu phát hiện cửa hàng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Để tránh rủi ro, bà con nông dân nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng; đặc biệt, không sử dụng hàng hóa trôi nổi. Đây là cách tốt nhất để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng bát nháo đối với thị trường vật tư nông nghiệp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm