Hàng hóa - Giá cả

Thị trường kim loại quý hôm nay 22/5/2025: Giá vàng tăng cao, bạc nối gót

Nguyễn Trang 22/05/2025 09:50

Giá vàng trong nước ngày 22/5 tăng vọt, vượt mốc cũ. Trong khi đó bạc, đồng và thép cũng đồng loạt đi lên

Giá vàng tăng sốc, chênh lệch trong nước – quốc tế duy trì cao

Tính đến 4h30 sáng, giá vàng miếng SJC tại các hệ thống lớn như SJC, DOJI, Bảo Tín Minh Châu, PNJ được niêm yết ở mức 118,5 – 121 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng mạnh 1,7 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều so với hôm qua. Tại Phú Quý, giá vàng cũng tăng tương tự, giao dịch ở mức 118 – 121 triệu đồng/lượng.

giá vàng hôm nay ngày 22 tháng 5 năm 2025
Giá vàng hôm nay bất ngờ tăng mạnh trở lại, mức tăng dao động trong khoảng 1,5 triệu đồng/lượng

Riêng Mi Hồng có mức tăng thấp hơn – 1 triệu đồng/lượng, hiện niêm yết ở mức 118,5 – 120 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay ghi nhận 3.311,82 USD/ounce, tăng 1,04%. Quy đổi theo tỷ giá 26.292 VND/USD, giá vàng quốc tế tương đương 105 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới duy trì ở mức cao khoảng 16 triệu đồng/lượng.

Đà tăng của vàng được hỗ trợ bởi đà suy yếu của đồng USD và lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng. Trong khi đó, tâm lý phòng thủ tiếp tục chi phối nhà đầu tư, khiến nhu cầu vàng vật chất tăng mạnh tại khu vực châu Á.

Giá bạc tăng mạnh theo vàng, nhờ USD suy yếu

Giá bạc trong nước hôm nay đồng loạt tăng mạnh. Tại Phú Quý, bạc niêm yết ở mức 1.272.000 – 1.311.000 đồng/lượng. Các điểm giao dịch khác tại Hà Nội và TP.HCM báo giá dao động từ 1.055.000 – 1.091.000 đồng/lượng.

Giá bạc thế giới tăng lên mức 33,05 USD/ounce, tương đương 861.000 – 866.000 đồng/ounce. Mức tăng 0,81 USD/ounce so với phiên trước phản ánh sự phục hồi sau chuỗi ngày giằng co.

Theo FX Empire, đà tăng của bạc được thúc đẩy bởi đồng USD suy yếu và sự hỗ trợ từ đà tăng của vàng. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo lực tăng hiện tại vẫn phụ thuộc vào diễn biến chính sách tiền tệ tại Mỹ và châu Âu trong các tuần tới.

Giá đồng tăng trở lại, hưởng lợi từ chính sách nới lỏng của Trung Quốc

Giá đồng chuẩn trên sàn LME tăng 0,4%, lên 9.556 USD/tấn, trong bối cảnh đồng USD tiếp tục giảm sâu trong hai ngày liên tiếp. Đồng thời, Trung Quốc vừa cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn lần đầu tiên kể từ tháng 10/2024 và các ngân hàng nhà nước lớn cũng giảm lãi suất tiền gửi.

Động thái này cho thấy chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh nới lỏng chính sách tiền tệ để ứng phó với những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế.

Giá đồng trên sàn SHFE Trung Quốc cũng tăng 0,3%, lên 78.100 nhân dân tệ/tấn (tương đương 10.839 USD). Ngoài ra, các kim loại cơ bản khác như nhôm, kẽm, chì, niken đều tăng nhẹ, cho thấy xu hướng hồi phục rộng khắp toàn thị trường kim loại công nghiệp.

Giá thép và quặng sắt nhích nhẹ, triển vọng xây dựng vẫn còn bất định

Giá thép thanh kỳ hạn tháng 6 trên Sàn Thượng Hải tăng 0,23% lên 3.054 nhân dân tệ/tấn. Quặng sắt tại Đại Liên và Singapore cũng tăng lần lượt 0,33% và 0,09%, phản ánh tâm lý tích cực quay trở lại sau chuỗi phiên điều chỉnh.

Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với nhiều bất định. Tại Trung Quốc, những thay đổi trong chính sách nhà ở – bao gồm dự thảo cấm bán nhà hình thành trong tương lai – đang tạo ra lực cản cho ngành xây dựng, vốn là ngành tiêu thụ thép lớn nhất.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thép của Ấn Độ tăng 11,7% trong tháng 4, đạt 725.540 tấn, chủ yếu nhờ nhu cầu tăng mạnh từ Liên minh châu Âu. Dù vậy, xuất khẩu sang Mỹ và Saudi Arabia lại giảm nhẹ so với tháng trước.

Trong nước, các doanh nghiệp vẫn duy trì mặt bằng giá thép ổn định. Giá thép CB240 của Hòa Phát hiện ở mức 13.790 đồng/kg, CB300 là 13.740 đồng/kg. Việt Đức báo giá lần lượt 13.600 đồng/kg (CB240) và 13.350 đồng/kg (CB300). Tại Việt Sing, mức giá ghi nhận là 13.690 đồng/kg (CB240) và 13.580 đồng/kg (CB300).

      Nổi bật
          Mới nhất
          Thị trường kim loại quý hôm nay 22/5/2025: Giá vàng tăng cao, bạc nối gót
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO