Thị trường đường tháng 8/2021: Giá đường thô đạt đỉnh trong 4 năm qua

Cập nhật: 08:35 | 21/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo thông tin từ tổ chức ISO, trong nửa đầu tháng 8 cho thấy chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng có xu hướng tăng. Mức giá đường thô thế giới trung tuần tháng 8 đã đạt mức cao nhất trong 4 năm gần đây, kể từ năm 2017.

Nhu cầu gạo thế giới giảm vì giá xuất khẩu lên cao

Thị trường hồ tiêu Việt Nam có thể bị lỡ nhịp tăng giá?

Xuất siêu hàng hóa sang thị trường CPTPP lao dốc

Thị trường đường thế giới

Sản lượng đường khu vực trung tâm phía nam Brazil giảm 7% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 là yếu tố thúc đẩy giá đường thô quốc tế tăng mạnh lên trên 430 USD/tấn, cách xa mức 340 USD/tấn hồi tháng 2. Điều này được kỳ vọng sẽ kéo thặng dư toàn cầu giảm trong niên vụ đường 2021-2022 đang diễn ra, củng cố đà tăng giá trong vài ngày qua, theo ISMA.

Theo thông tin từ tổ chức ISO, trong nửa đầu tháng 8 cho thấy chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng có xu hướng tăng. Tuy nhiên nửa sau của tháng 8 đà tăng của đường thô đã bị kìm hãm còn đường trắng có xu hướng giảm nhẹ.

Chỉ số giá đường trắng ISO trung bình tháng 8 là 484,4 USD/tấn tăng so với tháng 7 là 453,3 USD/tấn và tháng 6 là 449 USD/tấn.

Giá đường thô giao ngay (được đo bằng chỉ số ISA) trung bình trong tháng 8 là 19,5 cent/lb tăng so với tháng 7 là 17,7 cent/lb và 17,4 cent/lb trong tháng 6.

0707-giaduong
Ảnh minh họa

Giá cước tàu vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng vọt trong thời gian gần đây đã tiếp tục thu hẹp chênh lệch giữa giá đường trắng và đường thô bình quân trong tháng chỉ còn 54,9 USD/tấn so với 62,9 USD/tấn của tháng 7 và 65,3 USD/tấn trong tháng 6. Sự chênh lệch giảm này khiến cho hoạt động gia công đường luyện tiếp tục giảm hiệu quả.

Các tổ chức đã đưa ra các dự báo tương đối khác biệt cho thị trường đường thế giới niên vụ 2021-2022.

Trong khi tổ chức ISO cho rằng vụ 2021-2022 sẽ thâm hụt hơn 3,8 triệu tấn, tổ chức DATAGRO dự báo mức thâm hụt chỉ khoảng 0,16 triệu tấn cho vụ 2021-2022, với sản lượng dự kiến sẽ tăng từ 179 triệu tấn lên gần 185 triệu tấn, trong khi tiêu thụ tăng từ 182,6 triệu tấn lên 184,7 triệu tấn.

Hồi tháng 5, ISO đã dự đoán thâm hụt đường toàn cầu là 2 triệu tấn nhưng điều kiện bất lợi ở các nước sản xuất đường lớn đã khiến thâm hụt đường tăng lên 3,8 triệu tấn.

Thị trường đường Việt Nam

1. Tình hình sản xuất, tiêu thụ, giá đường

Vụ sản xuất mía đường 2020-2021 đã kết thúc với sản lượng đường 689.830 tấn đường thấp hơn sản lượng 763.931 tấn đường của vụ trước.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) trong tháng 8 tác động kép của giá đường tăng trên thị trường quốc tế và khủng hoảng vận tải biển quốc tế đã khiến cho đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng giá và lượng nhập khẩu giảm. Điều này khiến cho giá đường trong nước bắt đầu tăng từ giữa tháng.

Giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) giá (có VAT, đồng/kg) dao động ở mức như sau:

0812-giaduong
Giá đường tại Việt Nam trong tháng 8/2021 (Nguồn: VSSA. Đơn vị: đồng/kg đã bao gồm VAT)

Như vậy trong tháng 8 so với giá đường thị trường nội địa trong khu vực bao gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam đã tiếp cận nhưng vẫn tiếp tục nằm ở mức thấp hơn.

2. Nhập khẩu đường và nạn nhập lậu

a. Nhập khẩu đường

Theo số liệu của tổng cục Hải Quan Việt Nam, lượng đường nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2021 đã tăng 8,3% so với cùng kỳ đạt 916.746 tấn, lớn hơn sản lượng cả vụ sản xuất 2020-2021 của ngành đường Việt Nam.

7 tháng đầu năm 2021 đã tiếp tục xảy ra hiện tượng bất thường trong khối lượng nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN. Lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam tăng đột biến từ 71.583 tấn lến 475.985 tấn tức hơn 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo VSSA, thực chất đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu hoàn toàn làm chủ thị trường và do giá đường thế giới đang ở mức cao nhất trong 4 năm gần đây, cộng với chi phí vận chuyển quốc tế tăng đột biến, giá đường trong nước đã tăng trong tháng 8 và tiếp cận với giá đường các nước trong khu vực.

0709-giaduong1
Ảnh minh họa

b. Nạn nhập lậu

Theo VSSA trong tháng 8, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng tại các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ, đường cát nhập lậu vẫn được tuồn vào nội địa với khối lượng lớn.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, việc buôn lậu, vận chuyển trái phép đường cát qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng các địa phương đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vận chuyển trái phép đường cát nhập lậu.

Cụ thể, ngày 5/8, lực lượng quản lý thị trường Thừa Thiên Huế đã phát hiện 2 tấn đường kính trắng đựng trong các bao tải, đều do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ.

Các ngày 22/7và 9/8, Quảng Trị đã phát hiện tổng cộng 76 tấn đường trắng không có chứng từ hợp pháp, 3,5 tấn đường kính trắng ghi do Thái Lan sản xuất.

Đầu tháng 8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự buôn lậu xảy ra tại Công ty TNHH sản xuất thương mại, xuất nhập khẩu Thúy Anh (huyện Tân Châu) với hành vi “núp bóng” công ty xuất nhập khẩu, buôn lậu hơn 170 tấn đường cát, trị giá hơn 3 tỷ đồng. Qua điều tra cho thấy, toàn bộ số đường cát được công ty này nhập từ Campuchia vào Việt Nam để phân phối.

TP HCM cũng phát hiện và thu giữ hơn 140 tấn đường cát không rõ nguồn gốc với tổng trị giá lô hàng khoảng hơn 2 tỷ đồng, được chở trên 3 xe tải và container khi các phương tiện đang đậu ở quận Bình Tân và huyện Hóc Môn. Các tài xế chở hàng vi phạm khai nhận, đường cát được chở từ tỉnh Bình Dương, Đồng Nai lên TP HCM.

Trong khi đó, đối chiếu số liệu nhập khẩu đường từ Campuchia vào Việt Nam (của tổng cục hải quan) và số liệu nhập khẩu đường Thái Lan vào Campuchia (của OCSB Thái Lan) trong cùng thời gian sẽ thấy có chênh lệch lớn.

VSSA cho rằng chắc chắn là Campuchia nhập khẩu đường Thái Lan không để tiêu dùng trong nước mà chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu vào Việt Nam (chính ngạch và nhập lậu).

3. Dự báo

VSSA dự báo các nguồn cung đường rất dồi dào và sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 9, tháng 10 và ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.

Nguồn cung đường đến từ nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam; đường sản xuất từ mía trong nước đang tồn kho. Ngoài ra còn có đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 108.000 tấn đường năm 2021 dự kiến sẽ được tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch vào ngày 29/9.

Bên cạnh đó, do giá đường đường thế giới đang ở mức cao nhất trong 4 năm gần đây cộng với chi phí vận chuyển quốc tế cũng đang ở mức rất cao, giá đường trong nước sẽ tiếp cận với giá đường trong khu vực và giá đường Thái Lan nhập khẩu có đóng thuế chống chống phá giá chống trợ cấp.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm