Thị trường đường quý I/2022: Phục hồi theo đà tăng của giá dầu thô

Cập nhật: 07:37 | 26/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo thông tin từ Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), trong tháng 3, giá đường thô giao ngay đã tăng vọt lên mức cao nhất 4 tháng với trung bình 19,1 Cents/lb, tăng 6,7% so với 17,9 Cents/lb của tháng 2 và tăng so với mức 18,2 Cents/lb của tháng 1.

Tận dụng cơ hội từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu

Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh trong quý I/2022

Đưa thương hiệu quốc gia Việt Nam ra toàn cầu

Thị trường đường thế giới

1. Sản lượng

Theo Hiệp hội mía đường Brazil (Unica), kết thúc vụ ép 2021-2022 sản lượng nghiền mía của nước này đạt 523,1 triệu tấn, giảm 13,6% so với niên vụ 2020-2021. Sản lượng ethanol của Brazil cũng giảm 9,3% trong vụ ép vừa qua, đạt 27,5 tỷ lít. Trong đó, sản xuất từ ngô tăng 34,3% trong khi sản xuất ethanol từ mía đường giảm 13,4%.

Đối với sản xuất đường, sản lượng đường thu hoạch được trong vụ 2021-2022 là 32,1 triệu tấn, giảm mạnh 16,6% so với niên vụ trước.

Về tiêu thụ, doanh số bán đường tại thị trường nội địa Brazil là 8,4 triệu tấn, giảm 4,3%. Xuất khẩu đường ra thị trường nước ngoài cũng giảm 18,4%, xuống còn 23,6 triệu tấn.Tổng cộng đã có 32,1 triệu tấn đường đã được tiêu thụ, giảm 15,1%.

1331-duong1
Ảnh minh họa

Về doanh số bán ethanol, các đơn vị sản xuất đã bán được tổng cộng 27,5 triệu lít, giảm 10,7%. Mặc dù vậy, doanh số bán ethanol chứa nước đang cho thấy phục hồi mạnh mẽ từ nửa cuối tháng 3/2022.Trong 2 tháng cuối vụ thu hoạch, các đơn vị sản xuất đã tăng 16,2% lượng bán ra.

Sản lượng đường của Brazil dự kiến sẽ tăng trở lại trong vụ mùa 2022-2023 khi mới đây các nhà nghiên cứu của Czarnikow cho biết sản lượng mía của Brazil trong mùa vụ 2022-2023 sẽ tăng khoảng 11 triệu tấn lên mức 551 triệu tấn. Tương đương khoảng 32,7 triệu tấn đường và 25,3 lít ethanol sẽ được sản xuất.

Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) cho biết, các nhà máy đã ký hợp đồng xuất khẩu 7,4 triệu tấn đường trong niên vụ hiện tại kết thúc vào ngày 30/9.Trong đó, 5,7 triệu tấn đã được vận chuyển vào cuối tháng 3.

Theo các nguồn tin Chính phủ và ngành đường Ấn Độ, Ấn Độ đang có kế hoạch hạn chế xuất khẩu đường lần đầu tiên sau 6 năm nhằm ngăn đà tăng giá nội địa. Ấn Độ có thể đặt ra hạn ngạch xuất khẩu đường ở mức 8 triệu tấn trong niên vụ hiện tại, và có khả năng sẽ áp thuế xuất khẩu để không khuyến khích xuất khẩu.

Sản lượng đường của Thái Lan dự kiến đạt 10 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022, tăng 33% so với 7,5 triệu tấn của niên vụ trước. Thái Lan thường xuất khẩu khoảng 70% sản lượng đường và phần còn lại sẽ được sử dụng cho tiêu dùng nội địa.

Sirivuthi Siamphakdee, thành viên Hội đồng quản trị của Thai Sugar Millers Corp, một Tập đoàn công nghiệp bao gồm 46 nhà máy đường tại Thái Lan, cho biết nước này sẽ ép khoảng 92 triệu tấn mía trong niên vụ hiện tại so với 66,7 triệu tấn mía của niên vụ trước.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến xuất khẩu ngô ở Biển Đen, đẩy giá ngô lên mức cao hơn so với củ cải ở các vùng sản xuất chủ chốt. Điều này dẫn đến việc nông dân chuyển sang trồng ngô để tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn.

Trong khi đó, diện tích củ cải đường của Trung Quốc cũng bị thiệt hại đáng kể bởi đợt lạnh tồi tệ nhất kể năm 1970, còn sản lượng đường mía cũng giảm do thời tiết lạnh và ẩm ướt trong vụ thu hoạch.

Theo Czarnikow, Trung Quốc sẽ sản xuất 9,6 triệu tấn đường trong niên vụ 2021-2022, mức thấp thứ 3 trong vòng 15 năm qua.

2. Tiêu thụ

Theo Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA), tiêu thụ đường của Ấn Độ trong niên vụ 2021-2022 (kết thúc vào ngày 30 tháng 9) sẽ tăng gần 3% so với niên vụ trước lên mức 27,2 triệu tấn, mức cao nhất mọi thời đại .

Cục Quản lý Đường Philippines (SRA) có kế hoạch nhập khẩu 350.000 tấn đường để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước và ngăn chặn đà tăng giá chóng mặt của mặt hàng này.

Nhập khẩu đường của Indonesia có sự cải thiện tích cực trong tháng 3, sau khi các quy định về giá đường tham chiếu cho tiêu dùng được nâng lên mức 13.500 Rupiah/kg. Giá đường thô nhập khẩu hiện đã lên tới 10.436 Rupiah/kg, tăng hơn 10% và đưa giá tiêu dùng trung bình tại Indonesia lên 14.600 Rupiah/kg.

1329-duong
Ảnh minh họa

3. Giá cả và tồn kho

Theo thông tin từ Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), trong tháng 3, giá đường thô giao ngay đã tăng vọt lên mức cao nhất 4 tháng với trung bình 19,1 Cents/lb, tăng 6,7% so với 17,9 Cents/lb của tháng 2 và tăng so với mức 18,2 Cents/lb của tháng 1. Chỉ số giá đường trắng cũng tăng mạnh lên mức cao nhất trong 5 năm gần đây với 528,4 USD/tấn so với 488,2 USD/tấn của tháng trước đó.

Giá đường trắng tăng mạnh hơn đường thô thể hiện qua chỉ số chênh lệch đường trắng - đường thô trong tháng 3 là 108,4 USD/tấn so với 94,5 USD/tấn, và chỉ số này cũng là cao nhất trong khoảng 5 năm gần đây (tính từ tháng 7/2016).

4. Dự báo

Theo các nhà phân tích quốc tế, cuộc xung đột giữa Nga vào Ukraine đã làm chao đảo thị trường hàng hóa nhưng tác động lên thị trường đường chủ yếu là gián tiếp qua giá dầu thô.

Ukraine và Nga đều đã đình chỉ xuất khẩu đường cùng với một số mặt hàng khác sau khi cuộc xung đột diễn ra, nhưng 2 nước này không phải là những nhà kinh doanh đường lớn trên thế giới.

Sản lượng của Nga được dự báo là 5,7 triệu tấn, tiêu thụ 5,78 triệu tấn, xuất nhập khẩu vào khoảng 100.000 tấn và tồn kho cuối kỳ là gần 2 triệu tấn.

Tuy nhiên, giá dầu thô tăng cao được cho là một trong những tác động gián tiếp đến giá đường. Khi giá năng lượng tăng, nhu cầu đối với ethanol làm từ đường (chủ yếu ở Brazil) sẽ tăng lên và lượng đường xuất khẩu sẽ ít hơn.

Brazil, nhà sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, sử dụng khoảng 55% sản lượng mía để sản xuất ethanol và khoảng 45% cho đường, phần lớn được xuất khẩu.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 có thể giảm hơn 1 điểm phần trăm trong năm 2022 từ mức dự báo 4,5% đưa ra vào tháng 12/2021 do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

1333-duong2
Ảnh minh họa

Thị trường đường Việt Nam

1. Tình hình sản xuất, tiêu thụ, giá đường

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong tháng 3, đa số các nhà máy của ngành đường trong nước đã hoàn thành vụ ép mía 2021-2022, chỉ còn một vài nhà máy tiếp tục sản xuất trong tháng 4. Lũy kế đến cuối tháng 3 toàn ngành đã ép được 5.990.198 tấn mía và sản xuất được 630.095 tấn đường. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2020-2021 sản lượng mía ép tăng 103,15% và sản lượng đường tăng 102%.

Tại trong nước, giá đường biến động cùng chiều với giá đường thế giới khi giảm trong 2 tháng đầu năm và tăng trở lại trong tháng 3.

Tuy nhiên, mức tăng giá trong nước khá chậm so với trên thị trường quốc tế khi chỉ tăng 200 đồng/kg so với tháng trước, lên mức 17.800 – 18.200 đồng/kg vào cuối tháng 3. Mức giá này so với đầu năm nay vẫn thấp hơn 200 – 600 đồng/kg. Đồng thời, giá đường trong nước vẫn tiếp tục chịu sức ép lớn từ đường nhập lậu giá thấp chỉ từ 16.600 – 17.300 đồng/kg.

Giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) và đường nhập khẩu từ các nước ASEAN (giá có VAT, đ/kg) dao động ở mức như sau:

1405-giaduong
Giá đường tại Việt Nam trong quý 1/2022 (Nguồn: VSSA)

Nhìn chung giá đường tại thị trường nội địa Việt nam trong tháng 3 vẫn thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như ASEAN và Trung Quốc.

2. Nhập khẩu

Nhập khẩu đường Việt Nam từ Indonesia: Nhập khẩu đường của Việt Nam từ Thái Lan giảm nhưng nhập khẩu từ một số nước ASEAN khác vẫn tiếp tục tăng lên. Theo số liệu của Cục Thống kê Trung ương Indonesia (BPS), trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu đường của nước này đạt 53.987 tấn, tăng mạnh 165,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, gần như toàn bộ lượng đường xuất khẩu này của Indonesia là được xuất khẩu sang Việt Nam (chiếm 99%), với 53.425 tấn đường đã tinh luyện, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ. Giá đường Indonesia xuất sang Việt Nam đạt bình quân 617,2 USD/tấn. Kể từ năm 2019 trở về trước Indonesia xuất khẩu rất ít đường và gần như không xuất khẩu sang Việt Nam.

Tuy nhiên, kể từ năm 2020 khi Việt Nam mở cửa ngành đường với các nước ASEAN, lượng đường xuất khẩu của Indonesia sang Việt Nam đã tăng theo cấp số nhân. Trong khi đó Indonesia lại đang là một trong những nước nhập khẩu lớn đường trên thế giới để đáp ứng nhu cầu trong nước. 2 tháng đầu năm nay nước này nhập khẩu 1,3 triệu tấn đường từ các nước, phần lớn là từ Thái Lan, Ấn Độ.

3. Dự báo

Nhìn chung thị trường đường nội địa trong quý I tương đối trầm lắng, nguồn cung đường dồi dào từ nhập khẩu trực tiếp chính ngạch đường từ các nước ASEAN, và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2021-2022.

Trong khi đó, sức cầu kém cả trước Tết và sau Tết do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh phía bắc khiến cho thị trường rơi vào tình trạng thừa cung và đẩy giá đường thị trường xuống dưới mức giá thành sản xuất của đường từ mía, khiến đường các nhà máy không bán được phải tồn kho.

Đường nhập lậu với ưu thế giá rẻ tiếp tục làm chủ thị trường. VSSA dự kiến nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2021-2022 và cả đường lỏng siro ngô tiếp tục được nhập khẩu.

Như vậy, các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 4 và các tháng kế tiếp, ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường và chất ngọt có nguồn gốc nhập khẩu. Giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới, hiện đang ở mức cao nhất trong 5 năm gần đây.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm