Nhịp đập thị trường

Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 25 năm: Tìm “lực đẩy” mới cho dòng vốn dài hạn

Nguyên Nam 23/07/2025 17:11

Thị trường chứng khoán Việt Nam tròn 25 năm đang hướng đến bước ngoặt nâng hạng, với yêu cầu cải cách pháp lý, tăng chất lượng hàng hóa và mở rộng nhà đầu tư tổ chức để thu hút dòng vốn dài hạn.

Ngày 23/7, tại Hà Nội, Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” nhân dịp kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức vận hành (28/7/2000 – 28/7/2025). Sự kiện thu hút sự tham gia của các cơ quan quản lý, chuyên gia thị trường và đại diện nhiều định chế tài chính trong và ngoài nước.

nguyenducchi.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Định vị lại vai trò thị trường chứng khoán

Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi một chặng đường dài từ con số 0 để vươn lên trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Với hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện, công nghệ vận hành hiện đại (như hệ thống KRX chính thức đi vào hoạt động), cộng đồng nhà đầu tư vượt mốc 10 triệu tài khoản, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt hơn 65% GDP – thị trường đã và đang phản ánh sức khỏe và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

“Chúng ta cần đánh giá kỹ khuôn khổ pháp lý hiện hành nhằm thúc đẩy thị trường phát triển cả về lượng và chất”, Thứ trưởng Chi nói. Theo ông, cần chỉ rõ các điểm nghẽn trong Luật Chứng khoán 2019 và các nghị định hướng dẫn để kiến nghị sửa đổi kịp thời, đặc biệt là các quy định có thể đang gây cản trở từ phía sở giao dịch và các thành viên thị trường.

Tìm lời giải cho bài toán hàng hóa và nhà đầu tư tổ chức

Một trong những nội dung quan trọng được Thứ trưởng Chi nhấn mạnh là nhu cầu gia tăng “hàng hóa” trên thị trường – tức là các sản phẩm đầu tư chất lượng, có quy mô vốn hóa đủ lớn để thu hút dòng tiền dài hạn. “Chúng ta cần những giải pháp thực chất để có thêm hàng hóa mới, cả về chất lượng và quy mô. Cần cân nhắc cả việc cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam”, ông nói.

Bên cạnh đó, cơ cấu nhà đầu tư cũng cần được điều chỉnh để tăng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức – một yếu tố mang tính chất nền tảng cho sự ổn định dài hạn của thị trường. Theo Thứ trưởng, điều này đòi hỏi chiến lược đào tạo, nâng cao năng lực nhà đầu tư cá nhân và cải thiện môi trường hoạt động cho các quỹ, tổ chức tài chính lớn.

Ngoài ra, vấn đề hạ tầng công nghệ - kỹ thuật cũng được đề cập như một trụ cột cần tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ để đảm bảo vận hành thị trường an toàn, minh bạch và hiệu quả trong bối cảnh dòng vốn quốc tế đang tìm đến các thị trường mới nổi có nền tảng vững chắc.

toadam.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới”

Kỳ vọng nâng hạng – Cơ hội và thách thức

Một điểm sáng được nhấn mạnh tại tọa đàm là triển vọng nâng hạng thị trường. Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, mục tiêu không chỉ là được nâng hạng, mà còn là giữ hạng và tiếp tục được nâng hạng trong tương lai. Điều này đòi hỏi các chủ thể thị trường phải có cam kết chính sách rõ ràng, hành động cụ thể và bền bỉ.

Ở góc độ thị trường, bà Đặng Nguyệt Minh – Giám đốc khối thị trường vốn, Dragon Capital cho biết Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi để hút vốn dài hạn. Trong 6 tháng đầu năm 2025, GDP tăng trưởng 7,25% – mức cao nhất khu vực; tín dụng tăng 9,9%; giải ngân đầu tư công đạt khoảng 11,7 tỷ USD. Đặc biệt, hạ tầng là điểm sáng dài hạn khi Việt Nam có thể trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực hoàn thiện tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

“Với viễn cảnh tăng trưởng rõ ràng và những cải cách đang diễn ra, chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể được FTSE nâng hạng trong tháng 9 tới và có khả năng lọt vào rổ thị trường mới nổi của MSCI trong 18–24 tháng tới”, bà Minh nhận định.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa các kỳ vọng này, thị trường cần có những bước đi cụ thể như cơ cấu lại thành phần nhà đầu tư, cải thiện định giá đang ở mức thấp, tăng chất lượng hàng hóa niêm yết và đa dạng hóa dòng tiền. Đây chính là những “lực đẩy” cần thiết để thị trường chứng khoán Việt Nam chuyển mình lên tầm cao mới trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 25 năm: Tìm “lực đẩy” mới cho dòng vốn dài hạn
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO