Thị trường chứng khoán ngày 26/1/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

Cập nhật: 05:30 | 26/01/2022 Theo dõi KTCK trên

Tổng Giám đốc Tập đoàn Tiến Bộ thoái sạch vốn, cổ phiếu TTB giảm sàn 2 phiên; Nhiều cổ phiếu giảm thủng đáy trong phiên VN-Index tăng 40 điểm; Hết thời hạn đăng ký, An Quý Hưng vẫn chưa chuyển nhượng gần 278 triệu cổ phần Vinaconex;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 26/1/2022.

Nhiều cổ phiếu giảm thủng đáy trong phiên VN-Index tăng 40 điểm: Thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch lình xình trong buổi sáng rồi bất ngờ thăng hoa trong buổi chiều với VN-Index bật tăng 40 điểm, tương đương 2,8%. Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng thêm lần lượt 2,4% và 1,2%... Trong phiên hôm nay, cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy giảm kịch sàn 6,9% xuống còn 34.300 đồng/cp, thấp nhất trong hơn ba tháng qua. Trong 10 phiên giao dịch từ 12/1 đến nay, NBB có tới 8 phiên giảm sàn, vốn hóa bốc hơi tổng cộng gần 43%. Một cổ phiếu khác cũng giảm hết biên độ trong phiên hôm nay là FLC của Tập đoàn FLC. Giá đóng cửa của FLC là 11.200 đồng/cp, thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2021 trở lại đây. Nhiều cổ phiếu khác cũng giảm xuống đáy nhiều tháng như VTP của Viettel Post, DHC của Đông Hải Bến Tre, STK của Sợi Thế Kỷ, BMI của Bảo hiểm Bảo Minh,…

3252-thong-tin
Hình minh họa

Hết thời hạn đăng ký, An Quý Hưng vẫn chưa chuyển nhượng gần 278 triệu cổ phần Vinaconex: Tháng 12 vừa qua, Công ty TNHH An Quý Hưng đã đăng ký chuyển nhượng toàn bộ 277,8 triệu cổ phiếu VCG tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) trong thời gian từ 23/12/2021 đến 20/1/2022. Số cổ phiếu này tương đương 62,9% vốn điều lệ của Vinaconex. Mục đích chuyển nhượng là để góp vốn bằng cổ phần vào doanh nghiệp. Bên nhận chuyển nhượng dự kiến là CTCP Đầu tư Pacific Holdings. Theo công bố thông tin mới đây, An Quý Hưng cho biết công ty này chưa chuyển nhượng bất kỳ cổ phiếu nào cho Pacific Holdings. Nguyên nhân là công ty vẫn chưa hoàn tất hồ sơ với các cơ quản quản lý Nhà nước có liên quan. Như vậy, An Quý Hưng vẫn tiếp tục là cổ đông lớn duy nhất và công ty mẹ của Vinaconex.

Fortex (FTM) có khả năng hủy niêm yết cổ phiếu: ở GDCK TP. HCM vừa gửi thông báo về việc cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex, mã FTM – sàn HOSE) có khả năng bị hủy niêm yết. Cụ thể, ngày 21/1, HOSE đã nhận được Báo cáo tài chính quý IV/2021 của Fortex và đã công bố ra thị trường. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Công ty là âm 223,23 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2021 là âm 419,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, 2020, lợi nhuận sau thuế của Công ty lần lượt là âm 93,75 tỷ đồng và âm 200,06 tỷ đồng. Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155 quy định cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi xảy ra trường hợp kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Tiến Bộ thoái sạch vốn, cổ phiếu TTB giảm sàn 2 phiên: Ông Phùng Văn Thái – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tiến Bộ (HOSE: TTB) vừa thoái toàn bộ gần 6,2 triệu cp TTB trong thời gian 14-21/01/2022. Trước đó từ ngày 18/12/2020-08/01/2021, ông Thái từng bán ra 2,68 triệu cp TTB để giảm sở hữu từ 17,22% về còn 12,01% vốn tại TTB. Vị lãnh đạo tiếp tục bán nốt 6,2 triệu cp tương đương 12,01% vốn tại TTB trong đợt giao dịch mới từ 14-21/01/2022. Chiếu theo giá bình quân giai đoạn trên, ước tính thương vụ có giá trị khoảng 75 tỷ đồng. Trên sàn HOSE, cổ phiếu TTB ghi nhận 2 phiên giảm sàn liên tiếp 24-25/01/2022, dừng ở 10.250 đồng/cp. Trước đó, cổ phiếu này có đà tăng mạnh mẽ 160%, từ mức 5.130 đồng/cp vào đầu tháng 8/2021 lên đạt đỉnh 13.300 đồng/cp vào giữa tháng 1/2022.

Khối ngoại mua ròng đột biến 1.290 tỷ đồng ở sàn HoSE phiên 25/1: Khối ngoại giao dịch tích cực trở lại khi mua vào 74 triệu cổ phiếu, trị giá 2.985 tỷ đồng, trong khi bán ra 38,4 triệu cổ phiếu, trị giá 1.768 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 35,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 1.218 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng trở lại 1.291 tỷ đồng sau 4 phiên bán ròng liên tiếp, tương ứng khối lượng 36,4 triệu cổ phiếu. VHM đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HoSE với giá trị 182 tỷ đồng. CTG cũng được mua ròng 157 tỷ đồng. KBC và STB được mua ròng lần lượt 135 tỷ đồng và 106 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VNM bị bán ròng mạnh nhất sàn này với giá trị 140 tỷ đồng. VIC cũng bị bán ròng 120 tỷ đồng. Ở sàn HNX, khối ngoại chấm dứt chuỗi 5 phiên mua ròng liên tiếp bằng việc bán ròng trở lại 12,3 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 282.801 cổ phiếu.

Tập đoàn FLC phấn đấu lãi kỷ lục 2.100 tỷ đồng năm 2022: Ngày 25/1, Tập đoàn FLC cho biết mục tiêu doanh thu trong năm 2022 là gần 27.000 tỷ đồng, với lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ. Đây đều là những con số cao chưa từng thấy trong lịch sử của FLC. Năm 2021, tập đoàn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đề ra kế hoạch doanh thu hợp nhất 15.250 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.100 tỷ. Như vậy, mục tiêu của năm 2022 cao hơn lần lượt 77% và 91% kế hoạch năm 2021. Cơ cấu doanh thu lớn nhất năm 2022 thuộc về lĩnh vực bất động sản, với mục tiêu hơn 18.000 tỷ đồng; chiếm hơn 67% tổng doanh thu. Các lĩnh vực thương mại, sản xuất, du lịch và các dịch vụ khác dự tính đóng góp gần 33% doanh thu. Nếu tính thêm các lĩnh vực bổ trợ như hàng không và mảng đầu tư thi công, kế hoạch doanh thu của toàn hệ thống ước tính là 42.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG) phát hành gần 9 triệu cổ phiếu trả cổ tức: Ngày 11/2 tới đây, CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG – sàn HOSE) sẽ chốt quyền chia cổ tức năm 2020. Theo đó, Công ty dự kiến phát hành gần 9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 100:9, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 9 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu lẻ thập phân (nếu có) sẽ bị hủy bỏ. Giá trị phát hành theo mệnh giá gần 90 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính công ty mẹ đã kiểm toán đến thời điểm 31/12/2020. Được biết, theo báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2020 (từ 01/04/2020 đến 31/03/2021), tính đến 31/12/2020, CMC Group còn hơn 99 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra, Công ty còn 599,6 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

VNPost muốn bán hơn 122 triệu cổ phiếu LPB với giá tối thiểu 28.930 đồng/cổ phiếu: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo đấu giá bán cổ phần của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – LPB) do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sở hữu. Theo đó, số cổ phần được đưa ra đấu giá là hơn 122 triệu cổ phiếu, tương đương 10,15% vốn cổ phần ngân hàng LienVietPostBank. Giá khởi điểm được đưa ra là 28.930 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá của LPB trên thị trường chứng khoán khoảng 34%. Cụ thể, đóng cửa phiên ngày 24/1/2022, cổ phiếu LPB đứng ở mức 21.500 đồng/cổ phiếu. Nếu thoái vốn thành công, VNPost sẽ thu về tối thiểu hơn 3.534 tỷ đồng. Phiên đấu giá dự kiến được tổ chức vào ngày 23/2 tới đây.

Nhận định chứng khoán ngày 26/1/2022: Quỹ Đài Loan giải ngân, VN-Index tiếp tục tăng điểm

Thị trường hôm nay ghi nhận một phiên tăng điểm khá mạnh dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, và sự hỗ ...

Phiên giao dịch ngày 26/1/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao ...

Bắt đáy hay cắt lỗ, mang tiền về cho mẹ hay mang ưu phiền về cho mẹ

Kỳ vọng lịch sử lặp lại, nhiều nhà đầu tư đang chọn mua tích lũy để chuẩn bị cho đà tăng của thị trường sau ...

Nguyễn Thanh

Tin cũ hơn
Xem thêm