Thị trường chứng khoán ngày 22/10/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

Cập nhật: 05:30 | 22/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Bị cấm hoạt động 1 năm, cổ phiếu VPH của Vạn Phát Hưng vào diện cảnh báo; Khối ngoại chưa ngừng rút ròng, HPG tiếp tục bị “xả” hàng trăm tỷ; Dệt may Thành Công báo lỗ 2,5 tỷ đồng trong quý III/2021, dòng tiền kinh doanh âm 16,5 tỷ đồng;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 22/10/2021.

Khối ngoại chưa ngừng rút ròng, HPG tiếp tục bị “xả” hàng trăm tỷ: Khối ngoại phiên 21/10 tiếp tục giao dịch tiêu cực khi mua vào 9 triệu cổ phiếu, trị giá 1.178 tỷ đồng, trong khi bán ra 45,5 triệu cổ phiếu, trị giá 1.996 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 16,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng hơn 810 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 790 tỷ đồng, giảm 42% so với phiên trước, tương ứng khối lượng bán ròng là 15,7 triệu cổ phiếu. Khối ngoại sàn HoSE đã bán ròng trong 4 phiên liên tiếp với tổng giá trị 3.231 tỷ đồng. Không có gì thay đổi so với các phiên trước, HPG tiếp tục bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị 310 tỷ đồng. Đứng thứ 2 trong danh sách bán ròng sàn này vẫn là NLG với 99 tỷ đồng. Tiếp sau đó là VIC cũng bị bán ròng 89 tỷ đồng. Trong khi đó, VNM được mua ròng mạnh nhất với 104 tỷ đồng.

1212-truoc-gio-mo-cua
Hình minh họa

Bị cấm hoạt động 1 năm, cổ phiếu VPH của Vạn Phát Hưng vào diện cảnh báo: Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu CTCP Vạn Phát Hưng (VPH) vào diện cảnh báo kể từ ngày 26/10/2021 do Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ ba tháng trở lên, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại tiết d điểm 1.1, Khoản 1, Điều 22 Quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE ban hành kèm theo Quyết định số 85/QĐ-SGDHCM ngày 19/3/2018. Mới đây, Công ty Vạn Phát Hưng đã bị phạt 300 triệu đồng, dừng các hoạt động kinh doanh bất động sản 12 tháng do vi phạm về đất đai tại Nhơn Đức (Nhà Bè). Đây là hình thức xử phạt bổ sung liên quan sai phạm tại Dự án dân cư Nhơn Đức, Huyện Nhà Bè, TP. HCM. Trong quá trình kinh doanh bất động sản thuộc dự án Khu dân cư Nhơn Đức, CTCP Vạn Phát Hưng đã vi phạm hành chính là bán sản phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền có văn bản xác nhận đủ điều kiện bán bất động sản hình thành trong tương lai.

Dệt may Thành Công báo lỗ 2,5 tỷ đồng trong quý III/2021, dòng tiền kinh doanh âm 16,5 tỷ đồng: Trong quý III, doanh thu thuần của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 782,9 tỷ đồng, giá vốn hàng bán cũng giảm 12%, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 57% xuống còn 75,9 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 63%, đạt 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đồng loạt tăng 7%, 24% và 15%. Kết quả, Công ty lỗ sau thuế 2,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 85,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2021, TCM ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.707 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 118,6 tỷ đồng, giảm 41%. So với kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 4.218 tỷ đồng và mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng, 9 tháng, Công ty đã thực hiện được 64% chỉ tiêu doanh thu và gần 41% chỉ tiêu lợi nhuận. Tính đến cuối quý III/2021, tổng tài sản doanh nghiệp tăng 12% so với hồi đầu năm lên gần 3.341 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho ghi nhận tăng 31% lên 1.317 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 8,4% lên 216,3 tỷ đồng. Nợ phải trả cũng tăng 24% lên gần 1.658 tỷ đồng. Đáng chú ý là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của TCM trong 9 tháng đầu năm ghi nhận âm gần 16,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 348 tỷ đồng.

TVC báo lãi tăng mạnh trong quý 3, gấp 6,5 lần cùng kỳ: Trong quý 3/2021, doanh thu hợp nhất của CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (HNX: TVC) (doanh thu bán hàng và doanh thu tài chính) đạt 253 tỷ, gấp 3,6 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 3 đạt 166 tỷ, gấp 6,5 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi sau thuế đạt gần 431 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ. TVC có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu 9 tháng đạt 61%, đây là một mức tỷ suất sinh lời trên doanh thu khá cao thể hiện hoạt động đầu tư tài chính của Công ty rất hiệu quả, đem lại tỷ suất lợi nhuận cao. Tổng tài sản của TVC tới cuối quý 3/2021 ở mức 3.740 tỷ đồng, tăng gần 63% so với đầu năm. Cơ cấu tài chính của Công ty cân bằng với tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 0,9. Nợ ngắn hạn chiếm chủ đạo trong cơ cấu nợ vay. Danh mục đầu tư tài chính của TVC cuối quý 3 là 739 tỷ đồng, bao gồm bluechips trên thị trường là HPG, TCB và FPT.

Lãi hơn 1.150 tỷ đồng sau 9 tháng, chứng khoán HSC thực hiện 95% kế hoạch cả năm: Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. HCM (HSC - Mã: HCM) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý III/2021 với doanh thu đạt 1.093 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần kết quả đạt được cùng kỳ năm trước. Hoạt động môi giới chứng khoán ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất với 148% so với cùng kỳ, đem lại 369 tỷ đồng doanh thu cho HSC. Các mảng kinh doanh cốt lõi gồm tự doanh và lãi các khoản cho vay và phải thu cũng lần lượt ghi nhận doanh thu 389 tỷ đồng và 315 tỷ đồng, tăng tương ứng 101% và 130% so với quý III/2020… Sau 9 tháng đầu năm, Chứng khoán HSC báo lãi trước thuế 1.151 tỷ đồng và lãi ròng hơn 923 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm trước. Như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện được 95% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng.

Nhựa Bình Minh lần đầu thua lỗ: Trong cuộc họp với các chuyên viên phân tích Chứng khoán SSI Research gần đây, ban lãnh đạo CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) đã công bố công ty ghi nhận doanh thu quý III giảm 53% so với cùng kỳ, đạt 529 tỷ đồng; mức lỗ sau thuế 26 tỷ đồng trong quý III, đây cũng là khoản lỗ đầu tiên trong lịch sử của công ty. Sản lượng tiêu thụ giảm 59% còn 11.000 tấn do ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội ở hầu hết các tỉnh miền Nam trong quý. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng tiêu thụ của Nhựa Bình Minh đạt 67.000 tấn (giảm 17% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng (giảm 76%), thực hiện 58% kế hoạch sản lượng tiêu thụ năm và 24% mục tiêu lợi nhuận năm.

Dư nợ cho vay của các CTCK lập kỷ lục 154.000 tỷ đồng vào cuối quý III: Thị trường chứng khoán quý III có sự điều chỉnh trở lại sau 2 quý đầu năm bứt phá. Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức rất cao. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 26.582 tỷ đồng, tăng 1,26% so với quý II. Sự cải thiện thanh khoản thời gian qua có đóng góp không nhỏ từ các nhà đầu tư mới. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong tháng 9 đạt 114.713 đơn vị. Như vậy, cá nhân trong nước đã có 7 tháng liên tiếp duy trì mức mở mới trên 100.000 tài khoản/tháng. Tính tổng 9 tháng, cá nhân mở mới 956.081 tài khoản chứng khoán, gấp hơn 2,4 lần so với cả năm 2020 (392.527 đơn vị). Sự bùng nổ thanh khoản không thể không nhắc tới yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền cho vay ký quỹ (margin), trong đó, nhà đầu tư cá nhân được cho là đối tượng ưa thích dùng margin trong đầu tư. Thống kê 56 công ty chứng khoán dư nợ cho vay (bao gồm cho vay margin và ứng trước) tại thời điểm 30/9 đạt hơn kỷ lục khoảng 154.000 tỷ đồng. Mức dư nợ margin nói trên cao hơn 10,5% so với cuối quý II, tương ứng mức tăng là 14.600 tỷ đồng và cao hơn 68% so với cuối năm 2020 (91.464 tỷ đồng).

Nhận định chứng khoán ngày 22/10: Dòng tiền vẫn hướng đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ

Thị trường vừa trải qua phiên giảm điểm khá mạnh, lực mua và lực bán liên tục giằng co, tuy nhiên, bên bán đã áp ...

Phiên giao dịch ngày 22/10/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 22/10/2021, ...

Khối ngoại chưa ngừng rút ròng, HPG tiếp tục bị “xả” hàng trăm tỷ

Thị trường chủ yếu biến động giằng co trong biên độ hẹp ở phần lớn thời gian giao dịch phiên 21/10. Tuy nhiên, áp lực ...

Nguyễn Thanh