Thị trường chứng khoán ngày 13/6/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

Cập nhật: 05:25 | 13/06/2022 Theo dõi KTCK trên

VN-Index kết tuần mất mốc 1.300 điểm; Tự doanh chứng khoán bán ròng trở lại tuần qua; Dữ liệu CPI được công bố, "bóng ma" suy thoái ám ảnh giới đầu tư...là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 13/6/2022.

VN-Index kết tuần mất mốc 1.300 điểm: Tuần qua (6-10/6), VN-Index có sự điều chỉnh trở lại sau 3 tuần tăng liên tiếp với "sự cố" đáng tiếc là việc VN-Index để mất mốc 1.300 điểm vào phiên cuối tuần. VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (10/6) tại mức 1.284,08 điểm, tương ứng giảm 3,9 điểm (-0,3%) so với phiên cuối tuần trước, HNX-Index giảm 4,04 điểm (-1,3%) xuống 306,44 điểm, UPCoM-Index giảm 0,45 điểm (-0,48%) xuống 93,72 điểm. VN-Index đóng cửa tuần qua với 3 phiên tăng, 2 phiên giảm, mất đi 3,9 điểm tương đương 0,3%, đóng cửa tại 1.284,08 điểm. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 16.213 tỷ đồng, tăng 4% so với tuần trước đó nhưng tăng đến 16% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Tự doanh chứng khoán bán ròng trở lại tuần qua: Khác với các tuần trước đó, khối tự doanh chứng khoán giao dịch theo chiều hướng tiêu cực trở lại với việc bán ròng 20,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 728 tỷ đồng. TDM đứng đầu danh sách bán ròng của khối tự doanh với giá trị 116 tỷ đồng; DPM cũng bị bán ròng 105 tỷ đồng; BSR và GAS bị bán ròng lần lượt 92 tỷ đồng và 88 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã MWG với 119 tỷ đồng. FPT và REE đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 60 tỷ đồng và 47 tỷ đồng.

0114-tt12
Thị trường chứng khoán ngày 13/6/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

Khối ngoại duy trì mua ròng, tâm điểm chứng chỉ quỹ FUEVFVND: Khối ngoại tiếp tục là điểm sáng của thị trường khi duy trì trạng thái mua ròng. Cụ thể, dòng vốn ngoại mua vào 196 triệu cổ phiếu, trị giá 8.367 tỷ đồng, trong khi bán ra 163 triệu cổ phiếu, trị giá 7.217 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 33 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 1.150 tỷ đồng.

Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng 757 tỷ đồng (giảm 62% so với tuần trước), tương ứng khối lượng mua ròng là 19 triệu cổ phiếu. Khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND với 478 tỷ đồng, trong đó có 331 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng của khối ngoại sàn này là DPM với 372 tỷ đồng. Tiếp sau đó, MSN cũng được mua ròng 245 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HPG bị bán ròng mạnh nhất với 262 tỷ đồng. VNM và NVL được mua ròng lần lượt 115 tỷ đồng và 111 tỷ đồng.

Dữ liệu CPI được công bố, "bóng ma" suy thoái ám ảnh giới đầu tư: Phố Wall lao dốc trong phiên ngày thứ Sáu (10/6) và ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể tháng tháng 1, sau khi chỉ số khi giá tiêu dùng tháng 5 được công bố tăng mạnh hơn dự báo, làm dấy lên lo ngại về việc Fed sẽ mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của nước này đã tăng đã tăng 1% sau khi tăng 0,3% trong tháng 4. Xét theo năm, CPI tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ năm 1981, và chỉ số lõi tăng 6% khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng. Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones đã dự báo CPI chỉ tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước và CPI lõi tăng 5,9%. Chỉ số lạm phát tăng nóng và chưa đạt đỉnh đã làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái đối với nền kinh tế Mỹ. Giới đầu tư dường như đang chuẩn bị cho một phản ứng quyết liệt hơn của Fed trong việc tăng lãi suất để đối phó với lạm phát tăng cao.

VCG cùng SHB lọt rổ MVIS Vietnam Index, ORS phải nói lời chia tay: Rạng sáng ngày 11/6, MV Index Solutions (MVIS) sẽ công bố kết quả cơ cấu danh mục quý II của chỉ số MVIS Vietnam Index - chỉ số cơ sở của quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF).

Ở kỳ cơ cấu này có đến 2 cổ phiếu Việt Nam được thêm vào danh mục của chỉ số MVIS Vietnam Index là SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB) và VCG của Vinaconex (HoSE: VCG). Trong khi đó, ORS của Chứng khoán Tiên Phong (HoSE: ORS) bị loại khỏi danh mục của MVIS Vietnam Index. Như vậy, tổng số lượng trong danh mục đã được nâng lên thành 59 cổ phiếu, trong đó có 45 cổ phiếu Việt Nam. Quy mô của quỹ là gần 418 triệu USD.

BLT sắp trả cổ tức tỷ lệ 102,8% bằng tiền: Ngày 15/6 tới đây, CTCP Lương thực Bình Định (UpCoM – Mã: BLT) sẽ chốt danh sách trả cổ tức bằng tiền đợt 2/2021 và cổ tức từ nguồn hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển cho cổ đông. Ngày 14/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền. Thời gian thanh toán là ngày 30/6/2022. Theo đó, BLT sẽ trả cổ tức đợt 2/2021 tỷ lệ 2,8%, tương ứng mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu nhận được 280 đồng/cp.

Đồng thời, BLT thanh toán cổ tức từ nguồn hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển là 100%, mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu nhận 10.000 đồng. Tổng cộng, Công ty sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 102,8%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 10.280 đồng. Với 4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Lương thực Bình Định (BLT) cần chi tổng cộng 41,12 tỷ đồng cho lần trả cổ tức này.

Nhà đầu tư cá nhân giảm mạnh quy mô rót vốn tuần VN-Index mất mốc 1.300 điểm

Trong tuần VN-Index không giữ được mốc 1.300 điểm, giao dịch của nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là điểm sáng khi khối này ...

Dữ liệu CPI được công bố, "bóng ma" suy thoái ám ảnh giới đầu tư

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 5 tăng cao hơn dự kiến đã đập tan hy vọng lạm phát có thể ...

Mua cổ phiếu SAM Holdings "tưởng không khó mà khó không tưởng"

Bối cảnh từ 6/1 đến 10/6, cổ phiếu SAM liên tục bị bán mạnh và giảm 57,8% từ 26.490 đồng về 11.200 đồng/cổ phiếu. Như ...

Lưu Lâm