Thị trường chứng khoán ngày 11/5/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

Cập nhật: 05:30 | 11/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Sau Techcombank, đến lượt VietinBank vượt BIDV về vốn hóa; Vốn hóa Vinamilk tăng hơn 12.500 tỷ đồng trong phiên 10/5; SJC đối mặt với án hủy niêm yết; Cổ phiếu POM “leo trần” sau quyết định được ra khỏi diện cảnh báo; Loạt lãnh đạo ra sức “tháo chạy” khỏi QBS;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 11/5/2021.

Phiên giao dịch ngày 11/5/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Nhận định chứng khoán ngày 11/5/2021: Kiểm định vùng cản 1.272-1.286 điểm

Cổ phiếu POM “leo trần” sau quyết định được ra khỏi diện cảnh báo: Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu POM của CTCP Thép Pomina ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày mai 11/5/2021. Lý do là Pomina có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là 15,26 tỷ đồng và lãi sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là 1,48 tỷ đồng, căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020. Sau khi ra khỏi diện cảnh báo, cổ phiếu POM sẽ đủ điều kiện để được các công ty chứng khoán cấp margin trở lại. Sau quyết định của HOSE, POM lập tức giao dịch khởi sắc và kết phiên giao dịch 10/5 ở sắc tím 20.100 đồng/cp. Khối lượng khớp lệnh đạt 1.126.900 đơn vị, cao gấp đôi trung bình 10 phiên gần đây.

Vốn hóa Vinamilk tăng hơn 12.500 tỷ đồng trong phiên 10/5: Kết thúc phiên 10/5, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam đã hồi phục trong sắc tím, đóng cửa tại 93.000 đồng/cp, tăng 6.000 đồng/cp so với giá đóng cửa phiên hôm trước; tổng khối lượng giao dịch trong phiên hơn lên tới 8.176.900 cp. Với hơn 2 tỷ cổ phiếu VNM đang lưu hành, ước tính vốn hóa của Vinamilk tăng hơn 12.500 tỷ đồng trong phiên hôm nay, lên gần 194.366 tỷ đồng. Thời gian gần đây, cổ phiếu VNM khiến các cổ đông đứng ngồi không yên khi liên tục giảm, đi ngược với xu hướng các bluechip khác trên thị trường. Trong khoảng thời gian ngắn, VNM liên tục rớt mốc 100.000 đồng/cp (ngày 8/4) và chính thức mất mốc 90.000 đồng/cp (ngày 6/5). Đà giảm của cổ phiếu VNM được diễn ra trong làn sóng bán ròng của khối ngoại.

4347-thong-tin
Hình minh họa

Sau Techcombank, đến lượt VietinBank vượt BIDV về vốn hóa: Tính đến phiên cuối tuần trước 7/5, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) có vốn hóa 163.500 tỷ đồng, nhỉnh hơn khoảng 400 tỷ đồng so với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG). Sang phiên đầu tuần 10/5, CTG bật tăng 2,3% trong khi BID tỏ ra yếu thế hơn và chỉ tăng 1,8%. Kết quả là vốn hóa cuối phiên của VietinBank đã vượt lên trên BIDV khoảng 300 tỷ đồng, giá trị lần lượt là hơn 166.800 tỷ và 166.500 tỷ. Phiên 7/5 tuần trước, BIDV đã tụt lại phía sau một nhà băng khác là Techcombank (Mã: TCB) về vốn hóa khi cả hai cổ phiếu đều giảm nhưng BID sụt sâu hơn TCB. Hiện nay trong top 10 vốn hóa HOSE, BIDV chỉ còn đứng trên một ngân hàng khác là VPBank (Mã: VPB).

Petrolimex tiếp tục muốn bán 25 triệu cổ phiếu quỹ: Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã: PLX) vừa thông qua nghị quyết phê duyệt phương án bán 25 triệu cổ phiếu quỹ thông qua giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Thời gian dự kiến giao dịch và giá khởi điểm chưa được công bố. Chốt phiên 7/5, cổ phiếu PLX giao dịch tại mức 50.700 đồng/cp. Tạm tính theo mức giá này, Petrolimex có thể thu về hơn 1.267 tỷ đồng nếu bán thành công. Tính đến cuối quý I, Petrolimex sở hữu hơn 50 triệu cổ phiếu quỹ. Nếu giao dịch hoàn tất, tập đoàn sẽ còn hơn 25 triệu cổ phiếu quỹ.

PVN thực hiện được 94% mục tiêu lợi nhuận năm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, trong bối cảnh giá dầu diễn biến thuận lợi, Petrovietnam chủ trương đẩy sản lượng khai thác dầu bù đắp sản lượng khí thấp do huy động của thị trường kém. Do đó, sản lượng khai thác quy dầu tháng 4 vượt 7% kế hoạch. Lũy kế 4 tháng, sản lượng khai thác quy dầu vượt 1% kế hoạch. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, doanh thu hợp nhất ước đạt 124.420 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch 4 tháng và tăng 47% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 4 tháng ước đạt 15.420 tỷ đồng, gấp 2,5 lần kế hoạch 4 tháng và gấp 2,46 lần so với cùng kỳ, vượt hơn nhiều so với mức tăng của giá dầu. So với kế hoạch năm, PVN đã thực hiện được 35% mục tiêu doanh thu và đạt tới 94% kế hoạch lợi nhuận trước thuế của năm.

Loạt lãnh đạo ra sức “tháo chạy” khỏi QBS: 3 thành viên trong Ban lãnh đạo của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (HOSE: QBS) tiếp tục thoái sạch vốn tại đây với tổng tỷ lệ sở hữu chiếm hơn 9%. Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại đăng ký bán 5 triệu cp QBS (tỷ lệ 7%). Nếu thương vụ thành công, vị Phó Tổng Giám đốc này sẽ chính thức không còn là cổ đông tại QBS. Bên cạnh đó, ông Hoàng Văn Hưng - Tổng Giám đốc và bà Nguyễn Thị Thu Trang - Thành viên BKS cũng đăng ký bán ra toàn bộ lượng cổ phiếu đang nắm giữ. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu mà 3 vị lãnh đạo này “tháo chạy”. Trước đó, ông Bình và bà Trang cũng đăng ký thoái sạch vốn nhưng bất thành do chưa thống nhất được giá. Riêng ông Hưng đã bán được 674.200 cp QBS, chiếm 35% tổng lượng cổ phần đăng ký bán.

SJC đối mặt với án hủy niêm yết: Ngày 06/05, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã có văn bản gửi đến CTCP Sông Đà 1.01 (HNX: SJC) để yêu cầu Công ty giải trình về tình trạng thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc. Theo đó, tính đến ngày 29/04/2021, SJC chưa nộp báo cái tài chính năm có kiểm toán 3 năm liên tiếp từ năm 2018-2020. Như vậy, cổ phiếu SJC đã thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định của Luật Chứng khoán. Trước đó, cổ phiếu SJC đã bị tạm ngừng giao dịch kể từ 24/07/2020 với lý do Công ty không khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát và tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Khối ngoại trở lại mua ròng 117 tỷ đồng phiên 10/5: Phiên giao dịch đầu tuần diễn ra khá tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế trên toàn thị trường. Cùng với đó, giao dịch khối ngoại cũng khá tích cực khi họ mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 117 tỷ đồng. Lực mua của khối ngoại tập trung vào VHM (133,6 tỷ đồng), MSB (110,7 tỷ đồng), HPG (68,5 tỷ đồng), VRE (63,9 tỷ đồng)… Riêng sàn HoSE, sau 5 phiên bán ròng liên tiếp, khối ngoại đã trở lại mua ròng 89,82 tỷ đồng.

Phiên giao dịch ngày 11/5/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 11/5/2021, ...

Nhận định chứng khoán ngày 11/5/2021: Kiểm định vùng cản 1.272-1.286 điểm

Thị trường trong nước bật tăng trở lại phiên đầu tuần nhờ nhóm cổ phiếu VN30, thanh khoản bùng nổ khi lượng tài khoản cá ...

Tin tức chứng khoán mới nhất 17h00’ hôm nay 10/5/2021

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như HPG, CII, PLX… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập ...

Tân An