Chuyên gia Smart Invest: "Cơ hội và rủi ro luôn song hành, ai chuẩn bị trước, có dự báo chính xác hơn thì người đó sẽ tận dụng được lợi thế"
Mỹ tạm hoãn áp thuế EU tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng theo Giám đốc Vũ Duy Khánh, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước làn sóng lạc quan ngắn hạn.
Thông điệp về thuế quan không còn tạo bất ngờ
Sau khi Mỹ tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) đến ngày 9/7, nhiều thị trường chứng khoán lớn đã ghi nhận phản ứng tích cực. Tuy nhiên, theo ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Smart Invest, tác động thực tế của thông tin này không quá mạnh mẽ như kỳ vọng, vì yếu tố thuế quan đã được lặp lại nhiều lần trong các vòng đàm phán trước đó.

“Thông điệp về thuế quan không còn tạo bất ngờ. Phản ứng thị trường EU từ trước cuối tuần cũng không quá nổi bật, cho thấy yếu tố này đang dần giảm hiệu lực tác động”, ông Khánh nói. Theo ông, đây là một bước đi nằm trong chiến lược đàm phán quen thuộc của Mỹ, đặc biệt trong giai đoạn ông Donald Trump sử dụng thuế quan như một công cụ gây sức ép trước đàm phán.
Với Việt Nam, ông Khánh cho rằng phản ứng tăng điểm của thị trường chứng khoán là hợp lý, nhất là ở các nhóm ngành từng chịu áp lực lớn như dệt may. “Các cổ phiếu dệt may tăng mạnh sau chuỗi giảm sâu, phản ánh kỳ vọng rằng Mỹ không thể dễ dàng dịch chuyển các ngành thâm dụng lao động về nước”, ông Khánh nhận định.
Ông cũng nhấn mạnh việc Mỹ chính thức xác nhận quan điểm đàm phán thông qua phát ngôn từ Bộ trưởng Tài chính, lãnh đạo các tập đoàn tài chính lớn và Tổng thống là tín hiệu tốt với Việt Nam. Trong đó, cụ thể những ngành hàng như dệt may, nông sản, thủy sản – vốn không trực tiếp cạnh tranh với các lợi ích chiến lược của Mỹ – đang mở ra dư địa lớn để tiếp cận thị trường và giảm thiểu rủi ro bị áp thuế.
Ngược lại, các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc hay EU – vốn mạnh về ô tô và công nghệ cao – sẽ phải đối mặt với áp lực nhiều hơn trong các vòng đàm phán thương mại song phương.
Nhà đầu tư nên duy trì phòng thủ
Trong khoảng thời gian này, với nhà đầu tư cá nhân, ông Khánh khuyến nghị vẫn nên giữ nguyên chiến lược đầu tư phòng thủ và tiếp tục phân bổ tỷ trọng vào các ngành có triển vọng hồi phục. “Xu hướng ngành vẫn đang tích cực. Không nên vội vàng đảo chiều danh mục, mà nên chọn lọc các nhóm ngành có sức bật nội tại và ít phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài”, ông nói.
Về chiến lược phân bổ tài sản, ông Khánh nhấn mạnh rằng không có kênh đầu tư nào “dễ dàng” – trừ gửi tiết kiệm tại ngân hàng quốc doanh. Đặc biệt với trái phiếu, ông Duy Khánh cho rằng nhà đầu tư không nên chạy theo lãi suất mà thiếu hiểu biết về cấu trúc rủi ro và thanh khoản.
Với kênh đầu tư vàng, ông Khánh cho rằng sự chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới là yếu tố cần cân nhắc, vì có thể khiến nhà đầu tư lỗ dù giá vàng quốc tế đi lên. “Nếu không có sàn vàng quốc gia, kênh đầu tư này tiềm ẩn nhiều rủi ro do cơ chế giao dịch chưa đồng bộ với thế giới”, ông chia sẻ. Tuy nhiên sử dụng vàng như một phương tiện dự trữ trong thời kỳ bất ổn cũng nên được nhà đầu tư cân nhắc.
Theo ông Khánh, nhà đầu tư cá nhân có nguồn vốn nhỏ nên ưu tiên các kênh có tính thanh khoản cao như cổ phiếu niêm yết, vàng hoặc tiền mặt. Việc đầu tư vào các sản phẩm thiếu thanh khoản như trái phiếu doanh nghiệp cần sự hiểu biết rõ ràng và dự phòng tốt, nếu không sẽ dễ bị mắc kẹt khi thị trường biến động.
Việt Nam cần chuẩn bị năng lực đàm phán song phương và dự báo rủi ro
Đánh giá về xu hướng chính sách toàn cầu, ông Khánh cho rằng mô hình hợp tác đa phương đang dần bị thay thế bởi các hiệp định thương mại song phương có tính ngắn hạn và linh hoạt hơn. Điều này tạo ra môi trường đầy bất định, trong đó các nước nhỏ như Việt Nam dễ chịu bất lợi nếu không chủ động chuẩn bị nguồn lực và năng lực đàm phán.
“Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là xây dựng bộ phận dự báo rủi ro địa chính trị ngay trong các doanh nghiệp”, ông nói. Chuyên gia Duy Khánh cho rằng việc thiếu năng lực dự báo và chuẩn bị tài chính sẽ khiến doanh nghiệp Việt dễ mất cơ hội hoặc thiệt hại nặng khi khủng hoảng xảy ra.
Ông cũng chỉ ra rằng cần nâng cao vai trò của các tổ công tác phân tích rủi ro trong doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp sẵn sàng chớp cơ hội xuất hiện bất ngờ, cũng như phòng thủ tốt hơn trước những cú sốc thương mại.
“Cơ hội và rủi ro luôn song hành trong môi trường hiện nay. Vấn đề là ai chuẩn bị trước, có dự báo chính xác hơn thì người đó sẽ tận dụng được lợi thế”, ông Khánh nhấn mạnh.