Thị trường chứng khoán có thể biến động mạnh trong tuần tới (từ 12-16/4)

Cập nhật: 14:48 | 10/04/2021 Theo dõi KTCK trên

Trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường diễn biến trồi sụt với biên độ trong khoảng 1.230-1.245 điểm và kết tuần vẫn giữ được ngưỡng 1.230 điểm. Nhìn chung, tình hình hiện tại của thị trường vẫn đang nghiêng về trung tính. Theo SHS dự báo, tuần tới là tuần đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 4/2021 nên khả năng biến động mạnh có thể xảy ra, nhà đầu tư cần chú ý điều này.

Kết thúc tuần giao dịch từ 5 - 9/4, VN-Index đứng ở mức 1.231,66 điểm, tương ứng tăng 7,21 điểm (+0,6%) so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 1,1 điểm (-0,4%) xuốngcòn 293,79 điểm. UPCoM-Index tăng 0,74 điểm (+0,9%) lên 83,01 điểm. Thanh khoản trên hai sàn tăng nhẹ so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần với hơn 19.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên.

4631-bien-dong
Hình minh họa

Về diễn biến các nhóm cổ phiếu, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin tăng mạnh nhất với 2,9% giá trị vốn hóa, do mức tăng của trụ cột trong nhóm là FPT tăng 2,9%. Tiếp theo là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu với mức tăng 1,4% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu như HPG tăng 1%, NKG tăng 3,6%, HSG tăng 4,3%...

Tiếp theo là nhóm tài chính với mức tăng 1,2%; trong đó, các cổ phiếu ngành bất động sản như VIC tăng 1,5%, NVL tăng 9,8%...; ngành bảo hiểm như BVH tăng 1%; ngành chứng khoán với SSI tăng 2,8%, HCM tăng 3,1%, VND tăng 18,2%...

Nhóm trụ cột thị trường là ngân hàng cũng tăng nhẹ 0,7% giá trị vốn hóa với TCB tăng 0,8%, CTG tăng 2,9%, VPB tăng 2,2%, MBB tăng 5,9%...

Ở chiều ngược lại, ngành hàng tiêu dùng giảm 1,3% giá trị vốn hóa, dầu khí giảm 0,9%, tiện ích cộng đồng giảm 0,7%, dược phẩm và y tế giảm 0,4%, dịch vụ tiêu dùng giảm 0,3%.

Về giao dịch khối ngoại tiếp tục có xu hướng tích cực hơn, tính chung toàn thị trường, dòng vốn ngoại trong tuần từ 5-9/4 mua vào 196,7 triệu cổ phiếu, trị giá 9.732 tỷ đồng, trong khi bán ra 168,6 triệu cổ phiếu, trị giá 7.363 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức hơn 28 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 2.369 tỷ đồng.

Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng đột biến 2.389 tỷ đồng (tăng vọt so với mức 69 tỷ đồng của tuần trước), tương ứng khối lượng mua ròng gần 30 triệu cổ phiếu. Điểm đáng chú ý là nếu chỉ tính về giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn ngoại sàn này bán ròng gần 235 tỷ đồng.

Khối ngoại trên HoSE mua ròng mạnh nhất với 2.320 tỷ đồng, trong đó đến hơn 2.170 tỷ đồng đến từ giao dịch thỏa thuận. Đứng thứ 2 danh sách mua ròng sàn HoSE là VRE với 340 tỷ đồng. HPG và MSN được mua ròng lần lượt 283 tỷ đồng và 154 tỷ đồng. Chiều ngược lại, CTG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị 759 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là VNM với 180 tỷ đồng. BID và KDH cũng bị bán ròng mạnh với lần lượt 128 tỷ đồng và 104 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng trở lại hơn 55 tỷ đồng sau 2 tuần mua ròng liên tiếp, tương ứng khối lượng bán ròng là hơn 3,4 triệu cổ phiếu.

PVS đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HNX với 25,4 tỷ đồng. NRC và MCF bị bán ròng lần lượt 16 tỷ đồng và 11 tỷ đồng. Trong khi đó, SHS được mua ròng mạnh nhất sàn này với 10 tỷ đồng. VND cũng được mua ròng 8 tỷ đồng.

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng trở lại gần 36,5 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 1,6 triệu cổ phiếu. ABR được khối ngoại sàn UPCoM mua ròng mạnh nhất với 61 tỷ đồng. Đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng là MML nhưng giá trị chỉ là hơn 12 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VTP bị bán ròng mạnh nhất với 52 tỷ đồng. BSR đứng sau với 10 tỷ đồng.

Trong khi đó, các nhà phân tích từ CTCK SHS (SHS) cho biết, thị trường có tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp với mức tăng nhẹ và thanh khoản tiếp tục ở mức cao cho thấy dòng tiền vẫn còn xoay vòng trong thị trường, chưa có dấu hiệu rút ra thực sự. Thị trường giao dịch 5 phiên với biên độ trong khoảng 1.230-1.245 điểm và kết tuần vẫn giữ được ngưỡng 1.230 điểm nên tình hình hiện tại vẫn đang nghiêng về trung tính, chưa rõ thị trường sẽ bứt phá theo hướng nào.

Trên góc độ sóng elliot, VN-Index đã đi gần hết sóng tăng 5 với target 1.250 điểm và thời gian hoàn thành sóng trong nửa đầu tháng 4/2021. Nên tuần giao dịch tiếp theo sẽ là thời điểm quan trọng để xác nhận thị trường sẽ nối dài sóng 5 lên các ngưỡng cao hơn hay sẽ điều chỉnh với sóng a.

Tuần tới cũng là tuần đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 4/2021 nên khả năng có biến động mạnh có thể xảy ra, nhà đầu tư cần chú ý điều này. Nếu kết thúc tuần 12/4-16/4, VN-Index không thể đóng cửa trên ngưỡng 1.250 điểm thì có khả năng thị trường sẽ bước vào sóng điều chỉnh a với target gần nhất 1.125 điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5).

Nhà đầu tư trung hạn đã mua vào trước Tết và nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 24/3, 25/3, 26/3 quan sát diễn biến thị trường, canh chốt lời dần nếu VN-Index chạm tới ngưỡng 1.250 điểm trong phiên hoặc canh bán ra nếu VN-Index đóng cửa dưới ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm (MA20) xác nhận sóng tăng 5 kết thúc.

Tin tức chứng khoán mới nhất 9h00’ hôm nay 10/4/2021

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như JVC, HPG, TNH, PHC, LSS, APH, GEX... được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng ...

Nhận định chứng khoán tuần từ 12-16/4/2021: Giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen

Phiên giao dịch cuối tuần đóng cửa với diễn biến trái chiều giữa các chỉ số. Theo đó, áp lực chốt lời có phần lấn ...

Cổ phiếu PAN sẽ giao dịch trên HNX từ ngày 16/4

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu Tập đoàn PAN (HOSE: PAN) là ngày ...

Tân An