Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm: Chờ ngày “cá chép hóa rồng”
Kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng nhờ nội lực và chính sách hỗ trợ. VNDIRECT khuyến nghị tập trung vào cổ phiếu có định giá hợp lý và hưởng lợi từ đầu tư công, tiêu dùng và cải cách pháp lý.
Trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2025, ông Đinh Quang Hinh – Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT – nhận định: “Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn bản lề với nhiều yếu tố hỗ trợ đồng thời. Chúng tôi tin rằng sự kết hợp giữa nền tảng vĩ mô ổn định, chính sách điều hành chủ động và kỳ vọng nâng hạng thị trường sẽ là đòn bẩy cho VN-Index bứt phá trong nửa cuối năm”.

Theo đó, khối Phân tích VNDIRECT cho rằng kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn “vượt vũ môn” với kỳ vọng tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,3%, tín dụng tăng 16%, lạm phát được kiểm soát quanh mức 3,3%. Động lực chính đến từ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chính sách tài khóa mở rộng, và loạt giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản.
Mặc dù chịu tác động từ thuế đối ứng do Mỹ áp dụng, Việt Nam đã phần nào giảm nhẹ rủi ro nhờ lệnh tạm hoãn 90 ngày và nỗ lực đàm phán song phương. VNDIRECT kỳ vọng biểu thuế có thể được điều chỉnh về mức 16–22%, thay vì mức kịch trần 46% trước đó, qua đó giúp duy trì lợi thế xuất khẩu trong các ngành chủ lực như dệt may, thủy sản và hóa chất.

VN-Index được kỳ vọng đạt 1.450 điểm, hưởng lợi từ kỳ vọng nâng hạng
VNDIRECT nâng dự báo VN-Index cuối năm 2025 lên 1.450 điểm (tăng 14% so với cuối 2024), với P/E dự phóng khoảng 13,5 lần. Lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng tăng 14–15%.
Dù vậy, đà tăng hiện chưa lan tỏa rộng. Bất động sản là nhóm dẫn dắt với mức tăng 66,8% từ đầu năm, chủ yếu đến từ VIC và VHM. Ngược lại, nhóm ngân hàng mới tăng 5,3%, chủ yếu nhờ các mã có yếu tố riêng. Khối ngoại bán ròng 39.800 tỷ đồng trong 6T25, song lực bán giảm đáng kể trong quý 2.
Một yếu tố then chốt được kỳ vọng tạo bước ngoặt cho thị trường là khả năng FTSE nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi hạng 2 trong kỳ review tháng 9/2025. Nếu thành công, dòng vốn ngoại có thể quay lại mạnh hơn, đặc biệt với các cổ phiếu thuộc rổ FTSE như HPG, VIC, VCB, VNM, SSI…
Ngành ngân hàng, bất động sản, bán lẻ và công nghệ được khuyến nghị
Báo cáo đánh giá cao nhóm ngân hàng có NIM cao, tăng trưởng tín dụng tốt và hưởng lợi từ đầu tư công – bất động sản. Ba mã tiêu biểu được đề xuất là CTG, TCB và VPB. Trong đó, CTG được đánh giá hưởng lợi từ đầu tư công và tăng trưởng tín dụng, VPB có thể hưởng lợi từ Nghị quyết 42 giúp cải thiện chất lượng tài sản.
Với nhóm bất động sản, VNDIRECT kỳ vọng cải cách pháp lý và chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ phục hồi cả nguồn cung và thanh khoản thị trường. NLG, CTD được đánh giá tích cực nhờ danh mục dự án đa dạng và tiến độ bàn giao cải thiện.
Trong khi đó, ngành bán lẻ – tiêu dùng tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách kích cầu và thu nhập người dân cải thiện. Các cổ phiếu nổi bật là MWG, PNJ và AST. VNDIRECT đánh giá biên lợi nhuận của nhóm này đang được cải thiện nhờ tối ưu cơ cấu sản phẩm và chi phí vận hành.
Ngành công nghệ với đại diện FPT tiếp tục được xếp vào nhóm cổ phiếu chiến lược. Báo cáo nhận định tăng trưởng AI, chính sách hỗ trợ công nghệ và nhu cầu chuyển đổi số là các động lực chính cho tăng trưởng trung hạn.
Điện, dầu khí và phân bón: Triển vọng rõ nét, định giá còn hấp dẫn
Ngành điện đang trong giai đoạn bước vào chu kỳ đầu tư mới, với kỳ vọng cải thiện lợi nhuận từ các nhà máy điện khí như NT3–NT4 và dư địa tăng trưởng ở lĩnh vực điện gió, điện tái tạo. Cổ phiếu tiêu biểu là POW và PC1.
Với dầu khí, PVS và BSR được đánh giá cao nhờ tiến độ dự án thượng nguồn và biên lợi nhuận crack spread cải thiện tại châu Á. Định giá của nhóm này vẫn ở mức hợp lý, tạo dư địa cho nhà đầu tư trung – dài hạn.
Ở mảng phân bón, DCM và DDV được đánh giá hưởng lợi từ giá đầu ra tăng, giá khí đầu vào giảm và cải thiện hiệu quả hoạt động nhờ sửa đổi Luật thuế GTGT.
Tổng kết
Bất chấp rủi ro từ thuế quan, lạm phát và địa chính trị, VNDIRECT cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn bản lề, với nhiều yếu tố nội tại hỗ trợ. Triển vọng nâng hạng và hiệu quả chính sách trong nước sẽ là các yếu tố dẫn dắt tâm lý và dòng tiền trong 6 tháng cuối năm 2025.